14 dự án khuyến nông lĩnh vực chăn nuôi, thú y thực hiện từ năm tới
(Thế Giới Gia Cầm) – Theo Quyết định số 1298/QĐ-BNN-KN, Bộ NN&PTNT chính thức phê duyệt Danh mục dự án khuyến nông Trung ương thực hiện từ năm 2025, trong đó, lĩnh vực chăn nuôi thú y có 14 dự án.
Cụ thể các dự án chăn nuôi, thú y được Bộ NN&PTNT phê duyệt xây dựng và thực hiện từ năm 2025 – 2027, bao gồm:
Xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt tuần hoàn, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, thực hiện tại hai tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa.
Xây dựng mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả thực hiện tại Nghệ An, Hà Tĩnh.
Mô hình chăn nuôi gà thương phẩm chứng nhận VietGAP, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm hướng tới mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu gà thương phẩm chứng nhận VietGAP, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm thực hiện tại Quảng Bình, Quảng Trị.
Mô hình nuôi gà thả vườn theo hướng VietGAP tại Quảng Bình. Ảnh: ST
Xây dựng mô hình chăn nuôi gà Lạc Thủy chứng nhận VietGAP, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm triển khai tại hai tỉnh Điện Biên, Sơn La.
Xây dựng mô hình chăn nuôi gà Minh Dư (MD) chứng nhận VietGAP, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm triển khai tại ba tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.
Mô hình chăn nuôi heo thịt chứng nhận VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm thực hiện tại Nghệ An, Hà Tĩnh với mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu heo thịt được chứng nhận VietGAP gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm
Xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu triển khai tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang.
Xây dựng mô hình chăn nuôi dê sinh sản gắn với du lịch sinh thái nhằm nâng cao giá trị sản phẩm triển khai tại ba tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nội.
Mô hình chăn nuôi heo bản địa (heo Vân Pa, heo Khùa) gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm thực hiện tại Quảng Trị, Quảng Bình, góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi tại vùng Bắc Trung bộ.
Mô hình nuôi ong mật tạo sản phẩm OCOP, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm triển khai tại hai tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông.
Phát triển mô hình chăn nuôi gà H’Mông để xây dựng thương hiệu “gà đặc sản xương đen, thịt đen” tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, triển khai tại ba tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang.
Xây dựng mô hình chăn nuôi gà hướng trứng để xây dựng thương hiệu “Trứng gà thảo dược” thực hiện tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Phát triển vùng nguyên liệu để xây dựng thương hiệu “Thịt heo thảo quế”, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm triển khai tại Hà Nam, Hòa Bình.
Xây dựng mô hình nuôi ong ngoại (Apis Mellifera) để phát triển thương hiệu “Mật ong sú vẹt” thực hiện tại Nam Định, Thái Bình gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 08/5/2024. Bộ NN&PTNT giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thực hiện theo các nội dung đã được phê duyệt.
Thùy Khánh