Nuôi heo rừng lai hiện nay đang là một nghề rất được nông dân ưa chuộng. Thuần hóa heo rừng, lai tạo với heo nhà đang được nhiều trang trại và các cơ sở chăn nuôi của nước ta nghiên cứu và ứng dụng.
1. Giống và đặc điểm giống heo rừng lai:
Tên gọi: Heo rừng lai.
Heo rừng lai là con lai giữa heo rừng đực với heo nái là heo địa phương thả rông của người dân tộc thường nuôi (giống heo gần như hoang dã) tạo ra con lai với ưu thế lai cao của cả bố và mẹ: Có sức đề kháng mạnh, khả năng chịu đựng kham khổ với môi trường sống tự nhiên cao, ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt rất thấp. . .
Vóc dáng: Heo rừng lai cân đối, nhanh nhẹn, di chuyển linh hoạt, hơi gầy, dài đòn, lưng thẳng, bụng thon, chân dài và nhỏ, cổ dài, đầu nhỏ, mõm dài và nhọn, tai nhỏ vểnh và thính, răng nanh phát triển mạnh, da lông màu hung đen hay xám đen, một gốc chân lông có 3 ngọn, lông dọc theo sống lưng và cổ dày, dài và cứng hơn, ánh mắt lấm lét trông hoang dã.
Trọng lượng lúc trưởng thành (con đực thường lớn hơn con cái), con đực nặng 50 – 70 kg, con cái nặng 30 – 40 kg.
Tập tính sinh hoạt và môi trường sống: Heo rừng lai hơi nhút nhát, thính giác, khứu giác tốt, sinh hoạt bầy đàn và chọn lọc tự nhiên thể hiện tính hoang dã. Thích sống theo bầy đàn nhỏ vài ba con, heo đực thường thích sống một mình (trừ khi heo cái động dục). Môi trường sống thích hợp là vườn cây, trảng cỏ gần ao hồ. Thích hoạt động về ban đêm, ban ngày tìm nơi yên tĩnh, kín đáo để ngủ, nghỉ.
Giá trị và thị trường: Thịt heo rừng lai màu hơi nhạt, không đỏ như thịt heo nhà, nhưng nhiều nạc, ít mỡ, da mỏng, thịt giòn thơm ngon rất đặc trưng, hàm lượng Cholesterol thấp, người tiêu dùng rất ưa chuộng nên bán được giá cao.
2. Chọn giống và phối giống heo:
– Chọn giống:
Chọn những con đầu thanh, ngực sâu, mình nở, hoạt bát, lưng thẳng, bụng to vừa phải, hông rộng, lông mịn, bốn chân chắc khẻo, bộ phân sinh dục phát triển và hoạt động tốt. Nếu có điều kiện nên chọn lọc qua đời trước (dòng, giống bố mẹ, ông bà), qua bản thân (ngoại hình, khả năng thích nghi, khả năng sản xuất) và qua đời sau.
– Ghép đôi giao phối:
Tốt nhất nên cho heo rừng lai nái phối giống với heo rừng đực hoặc cho heo rừng lai nái phối giống với heo rừng lai đực để tạo ra con lai thương phẩm nuôi thịt.
3. Phối giống và thời điểm phối giống thích hợp:
Bỏ qua 1 – 2 lần động dục đầu tiên vì cơ thể chưa hoàn thiện, trứng rụng ít, phối giống và đậu thai hiệu quả thấp.
Chu kỳ lên động dục của heo là 21 ngày, thời gian động dục kéo dài 3 – 5 ngày. Thời điểm phối giống thích hợp vào cuối ngày thứ 2 hoặc đầu ngày thứ 3 (tùy theo giống tuổi) cho nên cần theo dõi biểu hiện của heo lên giống. Khi âm hộ chuyển từ màu hồng tươi sang màu hồng tái, có nếp nhăn và dịch nhờn tiết ra nhiều, tai chĩa về phía trước, có phản xạ đứng im (mê ì) là thời điểm phối giống thích hợp nhất.
Khi heo nái có dấu hiệu động dục ta cho heo đực vào vườn nuôi heo nái hay cho heo nái vào vườn nuôi heo đực. Heo đực sẽ phối giống liên tục, bất kể ngày đêm đến khi nào heo nái không chịu nữa mới thôi. Có thể cho phối kép 2 lần vào buổi sáng sớm và chiều mát (hoặc ngược lại). Sau 21 ngày, heo nái không động dục trở lại,có thể heo nái đã có bầu.
Nguồn:nguoichannuoi.vn
Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.
Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:
– Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY
– Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY
– Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY