Công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà
Nhận thức rõ vai trò, động lực của khoa học, công nghệ trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là chăn nuôi, thời gian gần đây, ngành nông nghiệp của tỉnh Bắc Ninh đã và đang tích cực tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chủ động ứng dụng vào chăn nuôi thực tế. Qua đó nhằm tăng năng suất, chất lượng vật nuôi, nhưng vẫn bảo đảm đạt được lợi nhuận cao và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Một trong số các công nghệ đang được ứng dụng cho hiệu quả cao là công nghệ thụ tinh nhân tạo (TTNT) giúp giảm số gà trống sử dụng, đồng thời tăng tỷ lệ phôi và tỷ lệ nở của trứng gà, giúp giảm bớt chi phí trong chăn nuôi.
Cứ 14 giờ chiều hàng ngày các công nhân tại trang trại của chị Nguyễn Thị Thành, thị trấn Thứa, huyện Lương Tài lại bắt tay vào việc TTNT cho gà. Bởi ở thời điểm này gà mái đã hoàn thành việc đẻ trứng trong ngày, sẽ không ảnh hưởng đến đến việc thụ tinh. Trong trang phục bảo hộ lao động và kèm theo chiếc đèn pin đội đầu, các công nhân ở đây bắt đầu bằng việc lấy tinh của gà trống. Chỉ sau cái vuốt lưng nhẹ nhàng, chất dịch màu trắng đục đã được hứng gọn trong chiếc ống sạch. Ngay sau khi lấy tinh, việc bơm tinh cho bà mái được thực hiện ngay sau đó.
Với hơn 2 vạn con gà đẻ, áp dụng công nghệ TTNT, gia đình chị Thành chỉ cần 250 con gà trống, giảm từ 8 – 10 lần số lượng gà trống và hiệu quả trung bình tăng hơn 20% so với phương pháp truyền thống. Nhờ vào công nghệ này, mỗi năm mô hình tiết kiệm được từ 5 – 7% chi phí trong chăn nuôi.
Sau nhiều năm thực hiện kỹ thuật TTNT trên đàn gà, chị Thành chia sẻ: “Để thực hiện thành công kỹ thuật TTNT trên đàn gà, cần chú ý một số yếu tố: khi chọn gà trống lấy tinh, phải chọn những con mào đỏ; khi lấy tinh phải đảm bảo ống đựng tinh sạch; khi hứng tinh không để lẫn bọt phân, khiến chất lượng tinh trùng bị giảm sút; số tinh gà sau khi lấy phải bơm ngay cho gà mái trong vòng 15 phút. Sau 3 ngày, sẽ tiến hành thụ tinh lại cho đàn gà mái để đảm bảo gà có tỷ lệ nở cao. Bên cạnh đó, ống nghiệm và pipet sau mỗi lần thay cần được ngâm ngay vào nước sạch có pha xà phòng. Khi kết thúc buổi làm việc, phải tiến hành rửa sạch bằng nước 2 – 3 lần, luộc và ngâm trong nồi nước, bảo quản trong tủ kính”.
Trong bối cảnh giá con giống, thức ăn, vật tư phục vụ chăn nuôi tăng cao, thì với việc áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi, đã cơ bản giải quyết được bài toán trên.
Từ thành công của mô hình, nhiều hộ ở địa phương cũng đã đến học hỏi kinh nghiệm, chị Thành cũng đã dành thời gian hướng dẫn kỹ thuật thực hiện kỹ thuật TTNT; tư vấn cách xây dựng chuồng trại để thực hiện kỹ thuật này và cho các hộ nghèo vay con giống, vay vốn để chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.
Bên cạnh đó, tại mô hình này, các công nghệ cao như: lấy phân tự động, xử lý chất thải bằng bể Biogas; chuồng kín giúp điều tiết nhiệt độ cho vật nuôi cũng đã được áp dụng. Doanh thu 2020 của mô hình này đạt khoảng 3 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 15 lao động địa phương (với mức lương từ 7- 9 triệu đồng/người/tháng).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 07 cơ sở chăn nuôi gia cầm sinh sản phục vụ con giống cho người chăn nuôi, đang áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo. Song, để áp dụng hiệu quả công nghệ này, đòi hỏi kỹ thuật viên phải có tay nghề chuyên sâu, các trang thiết bị cần thiết. Hiệu quả mang lại là rất rõ: tiết kiệm chi phí, chất lượng và sản lượng./.