Kiến thức Chăn nuôiVịt

Cách phòng, chống bệnh dịch tả trên đàn vịt

Dịch tả là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại virus lây lan nhanh trên vịt. Bệnh gây thiệt hại lớn do tỷ lệ chết cao và làm giảm sản lượng trứng nếu không xử lý kịp thời và đúng cách. Vì vậy, để nhận biết bệnh dịch tả trên vịt và cách phòng, chống hiệu quả, bà con cần phát hiện sớm các triệu chứng bệnh, để kịp thời chăm sóc đàn vịt và có cách xử lý khi vịt bị bệnh.

Triệu chứng

Triệu chứng biểu hiện khác nhau tùy theo độc lực của virus; tuổi, giống và sức đề kháng của cơ thể vịt. Thời gian ủ bệnh từ 3 – 7 ngày.

Ban đầu vịt có triệu chứng bỏ ăn, ít vận động và không muốn xuống nước. Mí mắt sưng, dính; niêm mạc mắt đỏ; có tiếng thở khò khè; chảy nước mũi; khát nước, xù lông. Vùng đầu, cổ bị sưng, khi sờ thấy mềm, hầu và cổ cũng có thể bị sưng do tổ chức dưới da bị phù thũng.

Sau 2 – 3 ngày bị bệnh, vịt uống nhiều nước, sau 3 – 4 ngày thấy vịt đi ỉa chảy nhiều, phân loãng, màu trắng, mùi hôi thối, phân dính bết ở hậu môn. Vịt gầy, hai chân bị liệt, cánh bị liệt sệ xuống. Vịt chết chảy máu ở các lỗ tự nhiên. Sau khi xuất hiện triệu chứng, con vật chết trong vòng 1 – 5 ngày, vịt chết nhanh, đột ngột, tỷ lệ chết 5 – 100%; tỷ lệ đẻ giảm 25 – 40%; vịt trống bị sa dịch hoàn. Tỷ lệ vịt ốm tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và độc lực của virus.

Phòng bệnh

Ở những nơi chưa có dịch xảy ra, tốt nhất nên tự sản xuất con giống. Tránh để thức ăn, chuồng nuôi, nguồn thức ăn, bãi chăn ô nhiễm căn bệnh. Không nên chăn thả vịt ở những nơi đang có dịch. Những trại vịt có số lượng lớn cần tăng cường vệ sinh chuồng trại, thực hiện nghiêm túc nội quy phòng bệnh.

Hiện nay sử dụng 2 chủng virus nhược độc để chế vaccine. Ở những nơi ít bị dịch, vịt nuôi thịt tiêm 1 lần ngay khi vịt nở. Với vịt đẻ và vịt giống cần tiêm nhắc lại sau 45 ngày và sau mỗi 6 tháng tái chủng một lần trước khi vịt vào vụ đẻ. Tiêm phòng vaccine rất quan trọng, vaccine rất an toàn.

Khi dịch xảy ra tiêm thẳng vaccine dịch tả vịt vào ổ dịch sẽ cứu sống vịt nhưng hiện nay đã có kháng thể dịch tả vịt thương mại nên phương pháp này ít được sử dụng.

Điều trị

Hiện không có thuốc chữa trị đặc hiệu. Khi đàn vịt bị bệnh, cần phải tiến hành nuôi nhốt để cách ly mầm bệnh, thu gom, tiêu hủy ngay các con vịt ốm, chết. Tiến hành vệ sinh chuồng trại, thu gom phân rác để ủ hoặc chôn. Phun thuốc sát trùng chuồng trại, tẩy uế, sát trùng toàn bộ dụng cụ chăn nuôi, báo cho cơ quan thú y địa phương để biết các biện pháp phòng chống.

Khi đàn vịt bị bệnh, có thể can thiệp vaccine trực tiếp vào ổ dịch với liều gấp 2 lần bình thường. Sau 7 – 8 ngày những con vịt mang mầm bệnh sẽ chết, những con chưa nhiễm bệnh sẽ có miễn dịch có khả năng chống lại bệnh.

Những con vịt qua khỏi chỉ nuôi làm vịt thịt, không dùng làm giống. Đồng thời bổ sung đường Gluco, điện giải (B-Complex với liều 2 g/l nước), men tiêu hóa, bổ gan (dùng sorbitol liều 2 g/l nước cho uống) nhằm tăng khả năng đào thải chất độc và tăng sức đề kháng cho vịt nuôi./.

Nguồn: baodantoc.vn


Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.

Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.

    Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:

    – Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY

    – Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY

    – Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *