Kiến thức Chăn nuôiVịt

Kỹ thuật chăn nuôi vịt thả vườn khỏe mạnh, năng suất cao

Chăn nuôi vịt phải kết hợp những tập quán địa phương của nông dân với những kỹ thuật chăn nuôi hiện đại thích hợp, cho phép người nông dân phát triển một phương pháp quản lý hợp lý để áp dụng trong điều kiện chăn nuôi của họ, luôn nhớ đến tính ổn định của các phương thức chăn nuôi. Xem xét đến những tập quán chăn nuôi trong suốt quá trình từ khi chọn giống để nuôi đến khi có sản phẩm và thậm chí đến khâu chế biến và tiếp thị để tiêu thụ sản phẩm.

Chuẩn bị chuồng nuôi

Trước khi nhận vịt về nuôi 7 ngày phải dọn sạch chuồng, nền chuồng, tường lưới, cần quét vôi nền chuồng và tường cao 0,8 – 1 m. Sau khi vôi khô, cho phơi bào, mùn cưa hoặc trấu khô (đảm bảo không mốc), rơm rạ băm nhỏ, khô sạch vào chuồng làm chất độn chuồng, khử trùng bằng xông Formalin, thuốc tím. Rửa máng ăn, máng uống sạch sẽ, sau đó ngâm vào dung dịch formalin 0,3 – 0,4%, để khô trước khi sử dụng. Chất độn chuồng dày tối thiểu là 10 cm. Chuồng nuôi phải thoáng, sáng, không có gió lùa.

Nên chú ý đến điều kiện nhiệt độ của chuồng nuôi như sau:

Với vịt con từ 1-10 ngày tuổi, cần lưu ý dùng thêm đèn sưởi sao cho nhiệt độ trong chuồng là 25 – 30 độ C. Khi vịt lớn hơn, khoảng 10 – 25 ngày tuổi, nhiệt độ phù hợp là 20 – 25 độ C. Độ ẩm trung bình 65%, nếu được nuôi dưỡng trong điều kiện ẩm thấp, vịt sẽ dễ mắc phải một số bệnh. Ánh sáng cũng rất quan trọng, nếu thiếu ánh sáng vịt dễ bị liệt chân, nhưng nếu để ánh sáng chiếu trực tiếp nơi nhốt, vịt dễ cảm nắng tụ xám và xuất huyết não chết hàng loạt.

Chọn giống

Bà con cần phải lựa chọn được nguồn cung cấp con giống có chất lượng cao. Thông thường, vịt con nở đúng ngày (28 ngày) là tốt nhất. Nếu vịt nở sớm hoặc muộn đều sẽ không tốt bởi chúng dễ chết trong quá trình nuôi dưỡng. Khi chọn mua, nên tìm đến các địa chỉ cung cấp giống uy tín, lựa những con nhanh nhẹn là tốt nhất.

Kỹ thuật chăn nuôi vịt trong vườn cây

Có thể nuôi nhốt vịt được ở cả trên những vườn cây ăn quả và cây lâu năm. Khi nuôi vịt nhốt trên vườn cây vừa đảm bảo cho cỏ đỡ mọc, đồng thời nguồn phân của vịt thải ra sẽ đảm bảo cung cấp một nguồn dinh dưỡng cho cây, cây cũng tạo bóng mát cho vịt khi trời nóng bức.

Khi nuôi trong vườn cây phải lưu ý: Phải có chuồng để che nắng, mưa cho vịt. Không nuôi vịt nhốt trong vườn cây thân mềm vì nó sẽ làm hỏng cây.

Phải có rào chắn để quây vịt ngan trong một khu vực, vườn cây phải có độ dốc thích hợp để không bị đọng nước khi trời mưa làm mất vệ sinh. Vườn cây cũng không được dốc quá làm khó khăn cho việc đi lại của vịt và đặc biệt đối với vịt đẻ sẽ khó khăn cho việc giao phối.

Vườn cây phải có độ cao của cây phù hợp: Cây có độ cao trên 1m, nếu cây thấp quá vịt sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây đặc biệt là làm hỏng chồi và lá cây.

Phương pháp chăm sóc vịt

Vịt con từ lúc mới nở đến 1 tháng tuổi là thời gian gột vịt hoặc quây vịt. Thời gian này kéo dài hay ngắn tùy theo giống vịt, mùa vụ, điều kiện nuôi dưỡng và chăm sóc.

Vịt mới nở mua về thường cho nhịn đói, cho uống nước sạch có pha thuốc bột úm gia cầm, sau 4 giờ mới cho ăn. Nếu vịt chưa khô lông có thể cho nhịn lâu hơn, bởi vì sau khi nở trong bụng vịt con còn chứa một khối lượng lòng đỏ có tác dụng tiếp tục cung cấp chất dinh dưỡng. Nếu cho vịt ăn ngay thì khối lượng lòng đỏ không tiêu được dễ làm cho vịt chết trong tuần đầu.

Mật độ vịt con nuôi ở các quây phụ thuộc vào từng giống vịt và lứa tuổi. Đối với vịt từ 1-10 ngày tuổi thuộc giống Bắc Kinh, Anh Đào, Bầu, Hà Lan thì mật độ nuôi từ 15 – 20 con/m2. Từ 11 – 20 ngày tuổi đối với vịt Anh Đào, Bắc Kinh, Hà Lan và Bầu nên nhốt 12 – 14 con/m2, vịt Tàu từ 15 – 18 con/m2. Từ 21 – 30 ngày nên nhốt 10 con/m2, vịt Tàu 10 – 12 con/m2. ở dưới nền chuồng nuôi cần lót rơm sạch, 2 ngày thay một lần cho khỏi ẩm vì nếu nền chuồng ẩm ướt thì nấm mốc dễ phát triển.

Kiểm tra đàn vịt

Nếu vịt phân tán đều khắp chuồng chứng tỏ đàn vịt khoẻ mạnh, thoải mái, nhiệt độ trong chuồng đạt yêu cầu. Vịt con dồn đống là do lạnh, nhiệt độ chuồng nuôi thấp. Vịt con nằm há mỏ và cánh dơ lên là do nhiệt độ chuồng nuôi quá cao. Vịt không chơi hoặc nằm ở khu vực nhất định là chắc chắn có gió lùa. Vịt bị bết dính là do chuồng ẩm, chế độ nuôi dưỡng kém.

Cần kiểm tra sức khỏe vịt hàng ngày để loại ngay những con ốm ra khỏi đàn. Khi đàn vịt biếng ăn, biếng uống, phân thay đổi phải báo ngay cho thú ý xử lý.

Nguồn: Nghề Nông


Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.

Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.

    Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:

    – Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY

    – Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY

    – Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *