Chưa phân loại

Hướng dẫn mua heo nọc

Hướng dẫn cách chọn heo nọc dựa vào quan sát tình trạng sức khỏe, giá trị di truyền và một số yếu tố cơ bản khác đem lại hiệu quả chăn nuôi cao.

1. Tình trạng sức khỏe

Điểm đầu tiên và quan trọng nhất trong việc mua bán heo giống chính là phải đảm bảo tuyệt đối về tình trạng sức khỏe của heo ở trại cung cấp. Phải có một sự hợp tác chặt chẽ giữa bác sĩ thú y hoặc chuyên gia cố vấn của trại mua và trại bán. Bên mua cần phải biết và xác minh bằng tài liệu cụ thể chứng thực các khía cạnh sau:
– Tình trạng sức khỏe hiện tại,
– Các biện pháp an toàn sinh học đã được thực hiện
– Chương trình tiêm chủng,
– Số lần bác sĩ thú y khám cho đến nay và các báo cáo của bác sĩ thú y đó
– Các khía cạnh về an toàn sinh học của chiếc xe sẽ giao hàng
Cũng cần lưu ý rằng thời gian cách ly con nọc để người mua quan sát và chọn lọc đã từng được báo cáo là có ảnh hưởng bất lợi đến khả năng sinh sản của con vật. Hiện tượng này sẽ không xảy ra nếu các con nọc được nhốt chung trong nhóm với nhau trong thời gian này.

2. Giá trị di truyền

Lựa chọn nọc giống thích hợp để kết hợp lai tạo với nái đã có. Ví dụ: chọn nọc giống để sản xuất heo nuôi thịt; nọc chuyên sản xuất nái hậu bị; nọc để sản xuất đàn ông bà, đàn cha mẹ hay đàn F1… Nên mua heo nọc giống lúc 5-6 tháng tuổi, ít nhất 2 tháng trước tuổi phối lần đầu.
Tính toán giá trị khai thác của nọc để đánh giá giá cả hay chi phí phải bỏ ra. Thời gian khai thác càng dài thì nọc càng có giá trị cao. Việc xác định đúng thời điểm bắt đầu khai thác và thời điểm loại thải quyết định thành công trong chăn nuôi heo nọc giống. Gần đây, người ta đã phát triển phần mềm vi tính để tính toán thời điểm thích hợp để loại thải nọc giống.

3. Cần có sự hiểu biết về các tính trạng di truyền của nọc

Mỗi nguồn cung cấp có thể sẽ có những sự khác nhau về: mục tiêu nhân giống, phương pháp tính toán, và số lượng động vật thí nghiệm. Chính vì vậy, người mua cần tìm hiểu để chắc chắn rằng con nọc được mua sở hữu những tính trạng phù hợp với nhu cầu của thị trường địa phương nơi heo nọc sẽ hoạt động.
Trong 30 năm qua, di truyền heo đã đạt được những tiến bộ to lớn, chủ yếu tập trung vào các tính trạng: giảm tích lũy chất béo, gia tăng kích thước lứa đẻ, và cải thiện chất lượng quầy thịt.

4. Yếu tố môi trường

– Trọng lượng sơ sinh: Trọng lượng sơ sinh của một con heo đã được chứng minh là có ảnh hưởng đáng kể đối với trọng lượng tinh hoàn và số lượng tế bào Sertoli của tinh hoàn, trong một nghiên cứu so sánh trọng lượng sơ sinh thấp (1.17 kg) và cao (2.02kg). Nghiên cứu đã chứng minh rằng có tồn tại mối quan hệ chặt chẽ giữa trọng lượng sơ sinh với năng suất sinh sản của heo. Heo con sơ sinh với trọng lượng cao hơn có khả năng cho số lượng tinh cao hơn ở mỗi lần khai thác, nồng độ tinh trùng đậm đặc hơn và cũng dễ huấn luyện để nhảy giá hơn.
– Kích thước lứa đẻ: Kích thước lứa đẻ cũng đóng một vai trò quan trọng đối với năng suất sinh sản của nọc. Nọc được tuyển chọn từ những lứa có ít con hơn thường có tinh hoàn lớn hơn, có lẽ là do lượng dinh dưỡng nó nhận được trong thời gian còn bú mẹ, đây chính là thời gian xảy ra hoạt động phân bào của tế bào Sertoli. Ngoài ra, người ta cũng chưa hiểu tại sao việc huấn luyện nhảy giá cho heo đực trong lứa đẻ ít con dễ hơn rất nhiều so với heo đực trong lứa đẻ nhiều con.
– Trọng lượng cai sữa: Trọng lượng cai sữa cũng có một mối tương quan cao (r=0.79) với khả năng sản xuất tinh trùng khi nọc trưởng thành. Trọng lượng cai sữa càng cao thì khả năng sản xuất tinh dịch càng tốt do trọng lượng tinh hoàn lớn.
– Mùa: Nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng heo sinh ra trong mùa xuân có tinh hoàn lớn hơn heo sinh ra trong mùa thu. Như vậy, chọn heo nọc sinh trong mùa xuân có tiềm năng tốt hơn nọc sinh trong mùa thu. Một nghiên cứu đo đạc kích thước tinh hoàn tiến hành trên 47 heo nọc hậu bị cho thấy kích thước tinh hoàn lớn nhất là ở những heo đạt tuổi trưởng thành trong những tháng mùa đông, điều này đồng nghĩa với việc chúng phải sinh ra trong thời gian cuối mùa xuân.

5. Dáng đi và chất lượng xương chân

Khi mua heo nọc, cần chú ý đặc biệt đến cấu trúc và sức mạnh của xương và cơ chân. Chân cần phải to đều hai bên; cấu trúc xương và móng hoàn hảo; cơ chân, đùi, mông săn chắc, mạnh mẽ. Nọc phải có dáng đi uyển chuyển, linh hoạt nhưng oai vệ. Mức độ đòi hỏi là cao nhất đối với heo đực giống ông bà, bố mẹ và ít hơn đối với heo giống dòng cuối (nọc để sản xuất heo thương phẩm).
Hệ thống tính toán thông thường cho rằng một con nọc dòng cuối có khả năng sản xuất khoảng 15,000 heo con trong hệ thống thụ tinh nhân tạo truyền thống (thụ tinh trong âm đạo). Còn một con heo đực giống ông bà sẽ cung cấp đủ tinh để gieo cho khoảng 3000 heo nái sinh sản, nghĩa là nó sẽ sản xuất khoảng 150,000 con heo thương mại. Trong một nghiên cứu trải rộng trên 44 trang trại nuôi heo nọc giống ở Bắc Mỹ, 81% các trang trại đánh giá là các vấn đề về bàn chân và ống chân là những lý do chính dẫn đến loại thải nọc giống. Gần đây, kết quả nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho rằng, què quặt là một nguyên nhân gây ra hơn 9% tỷ lệ tử vong trong giai đoạn vỗ béo ở heo thương phẩm; nhiều nơi tỷ lệ này còn lên đến 34%.
May mắn là các nhà di truyền giống đã đạt được nhiều tính trạng di truyền tốt về các đặc điểm của chân và dáng đi đứng. Ví dụ, chỉ trong vòng năm thế hệ chọn lọc với chỉ tiêu cải thiện cấu trúc chân trước, người ta đã chọn ra được dòng heo có sự cải thiện đáng kể về cấu trúc xương chân và dáng đi.

6. Cấu trúc tinh hoàn

Điểm quan trọng tiếp theo, mà phần lớn thường bị bỏ qua bởi người mua heo nọc, đó là cấu tạo của tinh hoàn. Khi đánh giá cấu tạo và kích thước của tinh hoàn, cần để ý xem nọc này là giống lai hay giống thuần chủng. Nọc giống lai có xu hướng có tinh hoàn lớn hơn so với nọc giống thuần ở cùng một trọng lượng, và tinh hoàn lớn hơn thì sẽ cho số lượng tinh trùng cao hơn. Thật không may, quá trình chọn lọc lâu dài cho tính trạng ‘tốc độ tăng trưởng nạc’ trong những năm qua đã có tác động tiêu cực đến tính trạng ‘tốc độ tăng trưởng tinh hoàn’ và cũng làm tăng tuổi dậy thì của nọc.
Người ta cũng đã nghiên cứu những phương pháp khác nhau để làm tăng kích thước của tinh hoàn ở heo khi trưởng thành, chủ yếu là bằng cách làm giảm lượng estrogen được tổng hợp trong cơ thể nọc trong quá trình phát triển. Ví dụ, người ta có thể sử dụng các thuốc ức chế enzym aromatase, cho uống từ 1 tuần tuổi. Phương pháp này giúp tạo ra heo nọc có tinh hoàn lớn hơn và nhiều tế bào Sertoli hơn khi nọc đạt bảy tháng tuổi. Giảm hay làm chậm trễ quá trình tổng hợp estrogen nội sinh trong cơ thể sẽ trì hoãn tuổi dậy thì của nọc và gián tiếp cho phép các tế bào Sertoli tiếp tục phát triển, làm cho tinh hoàn có kích thước lớn hơn. Phương pháp này sau đó được cải thiện hơn nữa với thời gian điều trị giảm (chỉ đến 12 tuần tuổi). Kết quả thí nghiệm cho thấy khi nọc được 10 tháng tuổi, nọc được dùng thuốc có tinh hoàn lớn hơn nhóm đối chứng đến 25%. Đặc tính tiến thẳng (VSL) của tinh trùng đo bằng hệ thống CASA cũng được cải thiện đáng kể trên heo được dùng thuốc.

7. Đảm bảo mua bán bằng văn bản

Trước khi chính thức mua heo, các điều khoản thỏa thuận cần được thiết lập bằng văn bản giữa bên bán và bên mua. Ngoài các điều khoản về giá cả và thanh toán, hợp đồng cũng cần ghi rõ những vấn đề như giống, đặc tính di truyền, các giao hàng, đảm bảo các chứng nhận sức khỏe của con nọc là thật, thời gian bảo hành,…
Nguồn: nguoichannuoi.vn

Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.

Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.

    Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:

    – Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY

    – Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY

    – Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *