Phối giống heo sinh sản
Phối giống là biện pháp kỹ thuật quan trọng trong chăn nuôi heo nái sinh sản, kỹ thuật phối giống quyết định số lượng con trong đàn, hiệu quả kinh tế lứa heo.
I. Thời gian động dục ở heo
- Tuổi động dục lần đầu ở heo hậu bị
Các giống heo khác nhau có tuổi động dục lần đầu khác nhau.
– Các giống heo nội như Móng Cái động dục lần đầu ở 4 – 5 tháng tuổi, khối lượng 30 – 40 kg.
– Các giống heo lai ngoại với nội có tuổi động dục lần đầu muộn hơn so với heo nội thuần. Heo nái lai ngoại với nội như F1 (Yorkshire x Móng Cái) và F1 (Landrace x Móng Cái) có tuổi động dục lần đầu lúc 6 tháng tuổi, khối lượng 70 – 75kg.
– Các giống heo ngoại có tuổi động dục lần đầu thường là 6 – 7 tháng, khối lượng 100 – 110 kg.
- Chu kỳ động dục ở heo nái
Chu kỳ động dục ở heo nái thường là 21 ngày (dao động từ 17 – 23 ngày). Thời gian động dục thường kéo dài 3 – 4 ngày. Heo nái sau khi cai sữa khoảng 4 – 6 ngày sẽ động dục trở lại.
II. Kỹ thuật phối giống
- Phối giống lần đầu (phối giống cho heo hậu bị)
Heo hậu bị phải đạt đủ tháng tuổi và khối lượng cần thiết. Tuổi phối giống lần đầu đối với heo nái giống nội là 7 – 7,5 tháng tuổi; giống lai (ngoại x nội) và giống ngoại là 7,5 – 8 tháng tuổi. Khối lượng phù hợp khi phối giống: heo Móng Cái là 50 – 55 kg, heo lai (Yorkshire/Landrace x Móng Cái) là 75 – 85 kg, heo ngoại là 110 – 130 kg.
Đối với tất cả các giống heo, không bao giờ cho phối giống ngay ở lần động dục đầu tiên, vì cơ thể heo phát triển chưa hoàn thiện, số trứng rụng trong lần động dục đầu tiên ít… nếu phối giống thì số con đẻ ra sẽ ít. Nên phối giống khi heo hậu bị đã qua 2 hoặc 3 chu kỳ động dục.
Cần xác định chính xác thời điểm mê ì ở heo hậu bị để cho phối giống ngay. Sau đó cho phối lại lần thứ 2 cách lần phối đầu khoảng 12 giờ. Cần phải ghi lại ngày phối giống để dự đoán được ngày heo đẻ.
*Heo nái ở “trạng thái chịu đực” là khi đã hội tụ đủ đồng thời 3 đặc điểm: hoa (âm hộ heo nái) đã chuyển sang trạng thái thâm và nhăn; dịch đã chuyển sang trạng thái đặc và dính, heo nái đang ở trạng thái “mê ì”.
- Phối giống cho heo nái rạ (heo đã đẻ từ lứa 2 trở đi)
Heo mẹ sau cai sữa khoảng 4 – 6 ngày sẽ có hiện tượng động dục trở lại. Cần theo dõi, quan sát kỹ và xác định chính xác thời điểm mê ì ở heo để chuẩn bị phối giống.
Khi phát hiện trạng thái mê ì ở heo nái, chưa phối giống ngay như ở heo hậu bị, mà phối giống lần 1 trong vòng 10 – 12 giờ kể từ khi phát hiện heo mê ì. Để heo nái đẻ sai con nên phối lặp lại lần 2 khoảng 10 – 12 giờ sau lần phối thứ nhất. Cần phải ghi chép ngày phối giống để dự đoán được ngày heo đẻ.
- Các phương pháp phối giống heo
3.1. Phương pháp tự nhiên
a. Nhốt chung con đực và cái
– Nhược điểm:
+ Hiệu suất sử dụng đực giống thấp
+ Không thể kéo dài thời gian sử dụng.
+ Con cái không có kế hoạch sinh sản, không có sổ sách.
+ Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng đồng huyết, gây suy thoái về giống.
– Ưu điểm:
+ Chuồng trại đơn giản, ít tốn kém, tận dụng diện tích thừa
+ Giải quyết tâm sinh lý thú.
+ Phẩm chất thịt ngon
b. Giao phối có hướng dẫn (Hand or controlled mating):Nhốt riêng đực – cái, khi con cái đến đúng thời điểm thì đưa đến chuồng phối.
– Ưu điểm:
+ Hiệu suất sử dụng đực giống tương đối khá
+ Có thể nắm được và kiểm tra thời gian chửa đẻ của con cái
+ Sử dụng đực, cái theo đúng yêu cầu, đúng hướng giống, từ đó xây dựng sơ đồ phối giống – giao phối hợp lý, tránh đồng huyết.
+ Có thể quyết định loại thải khi thấy tỷ lệ thụ thai của con cái kém.
– Nhược điểm:
+ Chưa tận dụng được hết hiệu suất sử dụng của đực giống.
+ Phiền phức do di chuyển nên không hoạt động xa
+ Ảnh hưởng do chênh lệch tầm vóc nên cải tạo giống chậm
+ Có thể lây lan một số bệnh do tiếp xúc, ví dụ: viêm phổi truyền nhiễm do siêu vi, ký sinh trùng trên da, Brucellosis, Leptospirosis…
3.2. Phương pháp thụ tinh nhân tạo
– Ưu điểm:
+ Heo nái sẽ nhận được tinh dịch của các con đực giống tốt đã qua chọn lọc
+ Không phải vận chuyển heo đực
+ Không bị hạn chế về chênh lệch tầm vóc heo
+ Một lần khai thác tinh có thể dùng để phối cho nhiều heo nái.
– Nhược điểm:
+ Phải có phòng thí nghiệm với đầy đủ trang thiết bị
+ Phải có kỹ thuật viên có tay nghề và yêu nghề
+ Sổ sách không rõ ràng, cẩn thận sẽ dễ sinh đồng huyết (do ít đực)
+ Nếu quá trình bảo quản tinh không tốt, xác định thời điểm phối không chuẩn hoặc thao tác không đúng kỹ thuật thì tỷ lệ đậu thai kém, heo đẻ ít con.
+ Nếu kiểm tra bệnh không tốt sẽ gây lây lan bệnh rất nhanh (Brucellosis, Leptospirosis…)
Kết luận
Trong chăn nuôi heo sinh sản cần nắm các phương pháp cũng như thời điểm phối giống thích hợp để heo nái đạt tỷ lệ thụ thai cao, số lượng và chất lượng đàn heo con như mong muốn, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nguồn: nhanloc.net
Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.
Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:
– Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY
– Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY
– Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY