Kỹ thuật chăn nuôi gà

Quy trình nuôi gà đẻ siêu trứng

Nuôi gà đẻ siêu trứng mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi. Dưới đây là những yêu cầu kỹ thuật cần lưu ý để giúp cho đàn gà đẻ trứng năng suất hiệu quả hơn.

Trang thiết bị

Ðể nuôi gà siêu trứng đem lại hiệu quả cao, bước đầu tiên cần phải chuẩn bị nguyên liệu, vật dụng làm nhà, mái che, chuồng gà cùng trang thiết bị ăn uống, khay lấy trứng, khay uống và khay đẻ trứng. Một khi đã nuôi theo mô hình kinh tế trang trại, trang thiết bị chuyên dụng là điều tối cần thiết. Một mô hình trang trại nuôi gà siêu trứng thường phải đáp ứng các thiết bị cơ bản sau:

• Trang thiết bị cơ sở: Nguyên liệu, vật dụng làm nhà, mái che, chuồng gà…

• Trang thiết bị ăn uống, lấy trứng: Khay ăn, khay uống và khay đẻ trứng

• Trang thiết bị công nghệ: Hệ thống đèn chiếu sáng chuyên dụng, cân nặng kiểm tra trọng lượng gà, hệ thống làm phòng úm gà bảo đảm nhiệt độ cao lên tới 300C…

Bên cạnh việc đầu tư thiết bị người nuôi nên học hỏi thêm kinh nghiệm áp dụng vào trang trại của mình.

Chuồng nuôi

Nuôi gà siêu trứng phải đảm bảo yêu cầu cao ráo, khô, thoáng, sạch sẽ, ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, cách xa khu dân cư sinh sống. Nền chuồng bằng bê tông, chất độn chuồng bằng trấu đã được rắc vôi và phun khử trùng, tiêu độc thường xuyên. Chuồng được xây dựng bằng các vật liệu hợp vệ sinh, được che chắn kỹ vào mùa lạnh và mùa mưa. Khi gà sắp đẻ, cần chuẩn bị ổ đẻ với mật độ 5 – 6 con gà/ổ. Ổ cho gà đẻ nên đặt ở những nơi tránh ánh sáng trực tiếp và phân bố đều trong chuồng. Ổ được lót bằng trấu, rơm rạ sạch và định kỳ thay lớp lót 2 lần/tuần.

Chọn giống

Chất lượng gà giống ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng trứng thu được. Với mục đích nuôi gà lấy trứng, bà con nên chọn những giống gà chuyên trứng và có khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu của địa phương. Nếu chọn mua gà từ nhỏ, nuôi úm sẽ ít tốn chi phí hơn một chút nhưng nuôi cách hơi mạo hiểm bởi gà con dễ sinh bệnh và chết. Vì thế nên chọn con trên 1 kg, vì đây là thời điểm gà có sức đề kháng mạnh, tăng cân nhanh và cho trứng nhanh. Khi gà đến tuổi nuôi hậu bị, chọn những con gà mái có đặc điểm ngoại hình phát dục tốt như sau: thân hình cân đối, lông màu sáng, bóng mượt, da chân bóng, trạng thái nhanh nhẹn, xương chậu rộng, đầu tròn nhỏ, mắt to sáng, mào và tích đỏ tươi… Ðây sẽ là những con gà chất lượng tốt, có thể đẻ được nhiều trứng.

Dinh dưỡng

Gà đẻ rất nhạy cảm với các biến động về chất lượng của thức ăn, được thể hiện ngay ở năng suất trứng. Gà được bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ cho năng suất trứng ổn định trong thời gian dài. Khẩu phần ăn phù hợp cho gà mái là 2 lần ăn/ngày với tỷ lệ 40 – 60% cho lượng thức ăn buổi sáng và chiều.Thức ăn chủ yếu là cám tổng hợp, có thể trộn lẫn thức ăn với tinh bột ngũ cốc, rau xanh. Khi gà đã lớn, dinh dưỡng của gà siêu trứng cũng khá đơn giản chỉ là thóc, gạo, ngô, cám…

Nên cho ăn một cách khoa học theo bữa, không nên cho ăn quá nhiều thức ăn sẽ vương vãi là điều kiện để vi khuẩn hay dịch bệnh tấn công gà. Nếu trứng gà đẻ ra nhỏ hơn bình thường có nghĩa là gà chưa ăn đủ, cần tăng thêm lượng thức ăn. Nếu vỏ trứng đẻ ra mỏng hoặc gà đẻ trứng non, nghĩa là gà thiếu canxi, cần bổ sung vỏ sò, bột xương xay nhỏ vào khẩu phần ăn.

Cho gà uống nước phải chú ý quy tắc đặc biệt. Ngày đầu thả gà vào úm phải đảm bảo gà uống đủ lượng nước có hòa tan đường glucose liều 10 g/lít kèm Vitamin C 1 g/lít, sau đó mới cho gà ăn. Cho gà ăn đầy đủ, giai đoạn đẻ trứng cần chú ý tập trung rải thức ăn đều và mật độ dày hơn. Có thể dùng thức ăn đậm đặc hoặc tìm trên các website mua bán những loại thức ăn hỗn hợp bán ngoài thị trường.

Vệ sinh phòng bệnh

Kinh doanh từ mô hình trang trại nuôi gà cần đặc biệt chú ý khâu vệ sinh, đặc biệt khi nuôi gà đẻ siêu trứng thì thời gian chu kỳ chăn nuôi chỉ từ 1 – 80 tuần tuổi.

Cũng như các trang trại khác, mô hình nuôi gà đẻ siêu trứng cần cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ. Ngoài ra, vì gà rất dễ mắc bệnh nên phải thường xuyên vệ sinh tiêu độc, xông sát trùng tất cả các thiết bị khi nhập gà. Ðặc biệt, phải hạn chế người và súc vật vào chuồng, tránh tác nhân trung gian truyền vi khuẩn, và đảm bảo quy tắc “cùng vào, cùng ra”.

Với khâu vệ sinh ổ đẻ, sự ngăn nắp và thoáng mát cũng cần chú ý. Thông thường nên đặt vị trí ổ đẻ cách nền 40 – 50 cm, thường xuyên thay hoặc tiệt trùng các chất liệu lót nền ổ để bảo đảm trứng không ô nhiễm…

Hormone hay nội tiết tố là yếu tố rất quan trọng trong quá trình sinh nở của gà mái. Hormone được sinh ra từ tuyến yên có tác dụng điều khiển các mô mềm khiến chúng dãn ra và đàn hồi trước khi gà đẻ trứng. Gà mái có lượng hormone tiết ra càng nhiều thì càng mắn đẻ. Ðể kích thích cơ thể gà sản xuất nhiều hormone, cho gà sưởi nắng, vì ánh nắng mặt trời sẽ tác động đến tuyến yên, từ đó tuyến yên sản xuất hormone. Thời gian sưởi nắng cho gà phù hợp là khoảng 12 – 14 giờ/ngày, kéo dài liên tục trong 3 tuần.

Phương Đông

Nguồn: Nguoichannuoi.vn


Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.

Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.

    Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:

    – Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY

    – Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY

    – Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *