Chưa phân loại

Các dạng thức ăn thường dùng cho heo

Tùy theo điều kiện đầu tư của nơi chăn nuôi heo để lựa chọn cách tự trộn hay sử dụng thức ăn công nghiệp.

1. Thức ăn tự trộn:

Là cách sử dụng các loại thực liệu tại chỗ, dễ có để tự pha trộn. Thức ăn tự trộn có lợi điểm là chi phí thấp nhưng bất lợi là tốn công lao động mua và trộn các loại thực liệu theo từng công thức phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng, sinh sản của heo nuôi; ngoài ra, do phải mua từng loại thực liệu với khối lượng nhỏ nên khó kiểm soát được chất lượng, độ an toàn vệ sinh thức ăn và sau khi trộn thường chỉ bảo quản được trong thời gian ngắn.
Có nhiều công thức dùng để tự trộn thức ăn tùy theo nguồn thực liệu ở địa phương. Có thể tham khảo một số công thức thức ăn tự trộn sau đây để nuôi heo nái giai đoạn nuôi con và mang thai:
Thành phần thức ăn
(tính trên 100 kg thức ăn)
Giai đoạn
nái mang thai
Giai đoạn
nái nuôi con
Bắp hoặc tấm
55
54
Cám
28,5
26,5
Bột đậu nành (đã rang)
5
8
Bánh dầu đậu phộng
4
4
Bột cá lạt
6
6
Prémix khoáng
1
1
Prémix vitamin
0,5
0,5

2. Thức ăn hỗn hợp toàn phần:

Là loại thức ăn đã được các nơi sản xuất chuyên nghiệp về thức ăn gia súc tổ hợp và pha thích hợp với nhu cầu dinh dưỡng của heo ở các giai đoạn sinh trưởng. Ưu điểm của thức ăn nầy là thành phần dinh dưỡng được tính toán, pha trộn cân đối; đồng thời, các nguồn thực liệu được kiểm soát, xử lý chặt chẽ nên chất lượng, độ an toàn và thời gian bảo quản đều cao hơn thức ăn tự trộn. Thức ăn công nghiệp thường được gọi là “thức ăn bao” tiện dụng cho các cơ sở chăn nuôi quy mô trung bình, lớn do giảm được công lao động mua gom thực liệu để tự trộn.
Thức ăn hỗn hợp công nghiệp thường có hai dạng: dạng bột mịn và dạng viên. Hai dạng nầy không có sự khác biệt lớn về giá trị dinh dưỡng mà chủ yếu là khác về hình thức, cấu trúc thức ăn nhằm phù hợp với đặc điểm tiêu thụ của heo trong từng giai đoạn tăng trưởng.
Tùy theo điều kiện đầu tư của nơi chăn nuôi heo để lựa chọn cách tự trộn hay sử dụng thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, dù gia đình chăn nuôi heo quy mô nhỏ, có điều kiện tự trộn thức ăn thì ít nhất vẫn nên sử dụng loại thức ăn công nghiệp chuyên dùng cho heo con tập ăn, heo ở giai đoạn đầu sau khi lẽ bầy để đẩm bảo cung cấp đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng rất quan trọng cho heo ở các giai đoạn này.
Các loại thức ăn công nghiệp thường có ghi rõ trên bao bì thành phần các chất dinh dưỡng cơ bản như: năng lượng trao đổi, tỷ lệ % đạm, xơ, béo, can-xi, phốt-pho…tương ứng với nhu cầu dinh dưỡng của giai đoạn tăng trưởng, sinh sản của heo. Do đó, người chăn nuôi heo cần chú ý đọc kỹ thông tin này để chọn đúng loại thức ăn phù hợp với lứa tuổi, giai đoạn sinh sản của heo.

3. Thức ăn đậm đặc chế biến công nghiệp:

Có tính chất tương tự như thức ăn hỗn hợp công nghiệp; tuy nhiên, nơi sản xuất chỉ pha trộn các loại thực liệu chứa nhiều chất đạm, chất xơ và chất bổ sung, còn cơ sở chăn nuôi thì sử dụng các loại thức ăn có nhiều chất bột đường có sẳn hoặc dễ tìm ở địa phương như tấm, gạo, bắp, cám, khoai … để trộn với thức ăn đậm đặc theo tỷ lệ hướng dẫn của nơi sản xuất.
Thức ăn đậm đặc cũng được chế biến theo công thức thích hợp cho từng giai đoạn tăng trưởng của heo. Giữa các nơi sản xuất thức ăn đậm đặc thường có một ít khác biệt về thành phần thực liệu sử dụng và tỷ lệ pha trộn với thức ăn chứa nhiều bột đường; do đó, người nuôi cần chú ý yếu tố này khi chọn mua, sử dụng.
Ưu điểm của loại thức ăn đậm đặc là phù hợp với điều kiện chăn nuôi quy mô nhỏ, trung bình ở vùng nông thôn thường có sẳn hoặc dễ tìm mua các loại thức ăn chứa nhiều chất bột đường (cám, tấm, bắp … ) nên giúp giảm một phần chi phí so với khi mua loại thức ăn hỗn hợp toàn phần ; đồng thời, cũng tiện dụng hơn khi chuyên chở.

4. Thức ăn bổ sung:

Ngoại trừ bột vỏ sò, bột xương … thì phần lớn được chế biến ở dạng các chế phẩm hỗn hợp premix để pha trong nước uống, trộn trong thức ăn. Các loại chế phẩm phổ biến thường gồm các loại vitamin, khoáng, men, một số a-xít a-min, có hoặc không có một lượng thuốc kháng sinh để phòng bệnh ; tuy nhiên, mỗi loại có hàm lượng, thành phần các chất dinh dưỡng và tỷ lê pha, trộn khác nhau. Vì vây, cần xem thật kỹ thông tin ghi trên nhãn chế phẩm để sử dụng đúng, không lãng phí. Thông thường khi đã sử dụng các loại thức ăn hỗn hợp, thức ăn đậm đặc có chất lượng tốt thì có thể hạn chế sử dụng các loại thức ăn bổ sung.

5. Một số lưu ý trong cách sử dụng thức ăn, nước uống:

– Nếu tự pha trộn thức ăn, cần lựa chọn nguồn thực liệu mới, có mùi thơm đặc trưng, không bị ẩm mốc … và chọn nơi cung cấp đảm bảo có chất lượng ổn định.
– Nếu sử dụng thức ăn hỗn hợp hoặc thức ăn đạm đặc cần lưu ý thời hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, yêu cầu bảo quản và không nên tự gia giảm hay bổ sung thêm thức ăn khác ngoài phần hướng dẫn của nơi sản xuất.
– Cần duy trì ổn định loại thức ăn sử dụng và cách cho ăn. Nguyên tắc chung là nên hạn chế việc thay đổi thức ăn. Nấu phải đổi thức ăn thì cần chuyển dần từ ít đến nhiều, tránh đổi đột ngột có thể làm heo bị rối loạn tiêu hoá.
– Trong quá trình chăn nuôi, việc theo dõi trọng lượng heo là rất cần thiết để đánh giá sức tăng trọng, sinh sản nhằm tăng giảm khẩu phần, điều chỉnh thành phần dinh dưỡng trong thức ăn và cũng rất cần thiết để định lượng thuốc khi cần pha, trộn trong thức ăn, nước uống để phòng trị bệnh. Dùng cân để biết trọng lượng là chính xác nhất; tuy nhiên, trong thực tế chăn nuôi phổ biến ở nông hộ thì có thể sử dụng cách đo vòng ngực và chiều dài thân của heo nái rồi quy chiếu ra trọng lượng.
– Tập quán chăn nuôi heo ở nhiều nơi cho ăn khá nhiều rau là không cần thiết, nhất là khi nuôi các giống heo cao sản vì rau có khối lượng lớn nhưng chức năng dinh dưỡng thấp, chủ yếu là chất xơ và nước. Nếu cho ăn rau xanh thì hàng ngày chỉ cho mỗi heo nái ăn khoảng 0,5 kg – 0,8 kg rau xanh tuỳ theo thể trọng lớn, nhỏ. Tương tự, việc dùng hèm để nuôi heo sinh sản cũng không thích hợp vì heo nái ăn hèm nhiều và thường xuyên sẽ ảnh hưởng không tốt đến bào thai.

– Cách cấp thức ăn cho heo tốt nhất là ở dạng khô hoặc sệt kết hợp với sử dụng  núm uống tự chảy. Không nên cho ăn thức ăn lỏng, nấu chín vì vừa tốn công và nhiên liệu để nấu lại không cung cấp đủ số lượng, chất dinh dưỡng theo nhu cầu của heo (do phần nước nhiều làm heo mau no nhưng chưa đủ nhu cầu chất khô) ; nhất là khi nuôi với quy mô lớn.

– Nguồn nước uống cho heo phải tuyệt đối sạch, không nhiễm phèn, mặn. Do đó, cần kiểm tra kỹ chất lượng nguồn nước sử dụng để có biện pháp lọc và khử trùng. Nước uống cho heo nên cấp bằng thiết bị núm uống tự chảy vì phù hợp với nhu cầu uống nước của heo trong từng lúc và việc dùng núm uống còn giúp thuận tiện xử lý nước trước khi cho uống, khi dùng phòng trị bệnh hoặc các chế phẩm premix có thể pha đúng liều lượng theo thể trọng đàn heo trong từng ngày và còn giúp môi trường chuồng nuôi khô ráo, không bị đọng nước, ẩm thấp.

– Tương tự, nguồn nước dùng tắm rửa cũng cần phải sạch để ngăn ngừa các bệnh ngoài da, viêm mắt … Ngoài ra, nên hạn chế tắm heo do thao tác dội tắm kích thích heo tăng sinh nhiệt làm tích luỹ mỡ dưới da. Tốt nhất chỉ tắm một lần mỗi ngày hoặc mỗi ngày 2 lần  ; tuy nhiên, để có thể giảm số lần tắm heo  thì môi trường chuồng trại cần phải thoáng mát, sạch sẽ. Nếu nuôi heo bằng chuồng lồng thì rất thuận tiện cho việc áp dụng cách tắm tiết kiệm nước và công lao động bằng hệ thống ống phun sương, ống nhỏ giọt nước.

Nguồn:Trung tâm Khuyến nông Long An


Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.

Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.

    Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:

    – Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY

    – Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY

    – Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *