Kỹ thuật nuôi vịt trời thương phẩm
Thời gian nuôi vịt trời thương phẩm khoảng 3 – 3,5 tháng. Khi xuất bán trọng lượng đạt 1,2 – 1,3 kg/con; giá bán hiện nay dao động khoảng 130.000 – 150.000 đồng/kg. Vịt trời được nuôi theo mô hình bán tự nhiên có chất lượng thịt cao, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Chuồng nuôi
Vị trí chuồng nuôi tốt nhất là gần bờ ao, thuận tiện cho vịt tắm, có nhiều cây cối. Không xây chuồng chung với các loại gia súc khác và cách ly khu nhà ở. Chuồng nuôi phải đảm bảo các yếu tố: Thoáng mát vào mùa hè, ấm và kín vào mùa đông. Chuồng có thể chia làm nhiều ô để phân chia đàn theo lứa tuổi nhằm thuận lợi hơn trong quá trình chăm sóc. Có thể xây gạch hoặc làm bằng tre, gỗ. Mái chuồng lợp ngói, lá cọ, lá xi măng. Nền chuồng phải cao, bằng phẳng được lát bằng gạch hoặc xi măng nhám, chất độn chuồng đảm bảo phải khô sạch.
Chuồng cần có sân chơi rộng rãi cho vịt, diện tích sân chơi phải gấp 2 – 3 lần diện tích chuồng và xây dựng sát ngay phía trước chuồng nuôi. Sân chơi không quá dốc nhưng phải đảm bảo thoát nước vào mùa mưa. Xung quanh chuồng quây bằng lưới B40 để tránh thất thoát.
Phát quang cây cối quanh khu vực chăn nuôi để hạn chế sự tập trung chim hoang dã, vệ sinh cỏ, rác, khơi thông cống rãnh. Diệt chuột và các loại côn trùng khu vực xung quanh và chuồng nuôi, rắc vôi bột.
Tiến hành vệ sinh khử trùng chuồng trại, sát trùng kỹ các dụng cụ máng ăn, máng uống và để trống chuồng 7 – 14 ngày trước khi bắt vịt về. Kiểm tra các trang thiết bị chăn nuôi để đảm bảo chúng không bị hư hỏng trong quá trình nuôi.
Con giống
Vịt trời có nhiều loại khác nhau, nhưng ở nước ta chủ yếu nuôi 2 loại là vịt trời châu Á và vịt trời Bắc Mỹ.
Vịt trời châu Á: Cơ thể dài trung bình 0,6 m. Giống vịt trời này đang được đầu tư phát triển nhiều nhất ở nước ta nhờ sức đề kháng tốt, chất lượng dinh dưỡng cao và đặc biệt rất mắn đẻ.
Vịt trời Bắc Mỹ: Có chiều dài thân ngắn hơn vịt châu Á khoảng 2 cm. Loài này có thịt ngon, đậm đà, chất lượng dinh dưỡng cao nên rất được ưa chuộng và đang dần được nhân rộng ở Việt Nam. Do mới được du nhập vào Việt Nam nên nguồn vịt giống và vịt thương phẩm còn hạn chế, giá cao.
Ngoài 2 giống vịt trời được nuôi nhiều nhất kể trên, ở Việt Nam còn có một số giống khác ít phổ biến hơn như vịt mốc, vịt cánh trắng…
Người nuôi cần căn cứ vào một số đặc điểm bên ngoài để lựa chọn được giống vịt trời tốt như: Mỏ có màu xám chì, đồng màu; có một vệt đen kéo từ cuối mỏ ra sau đầu, đỉnh đầu có màu nâu xám, chân màu hơi xám tro; rốn khô, lông mượt, chân, mỏ bóng, nhanh nhẹn; trọng lượng, kích thước đảm bảo theo tiêu chuẩn giống.
Nên chọn mua vịt từ đàn vịt bố mẹ rõ nguồn gốc, sạch bệnh và nên mua ở các cơ sở cung cấp giống uy tín để tránh mua phải vịt giống cận huyết, vịt kém chất lượng.
Ðiều kiện nuôi
Nhiệt độ: Cần bật bóng khoảng 3 – 5 tiếng trước khi bắt vịt về úm. Do vịt mới nở có sức đề kháng yếu. Vì vậy, cần nhiệt độ cao, nhiệt độ trong quây úm là 35 – 360C đối với vịt 1 ngày tuổi. Nhiệt độ giảm dần theo ngày, đến ngày thứ 5, nhiệt độ trong quây úm đảm bảo khoảng 32 – 330C. Sau đó giảm dần nhiệt độ thích hợp bằng cách quan sát hoạt động của vịt, nếu thấy vịt đứng tụm lại, co ro là nhiệt độ thấp; nếu vịt đứng tản ra thì do nhiệt độ cao.
Ðộ ẩm: Duy trì độ ẩm trong quây úm khoảng 70% là thích hợp.
Mật độ nuôi: Thông thường, diện tích nhà úm khoảng 50 – 100 m2/vạn vịt. Căn cứ vào từng giai đoạn mà có mật độ thả vịt khác nhau, cụ thể: Trong tuần 1, úm vịt với mật độ 20 con/m2; tuần 2 là 5 con/m2; từ tuần thứ 3 trở đi tiến hành thả vịt ra ngoài.
Máng ăn, máng uống: Máng ăn phải rộng để vịt có thể tiếp xúc với thức ăn, chiều dài của máng đảm bảo 10 – 14 cm/con. Máng uống phải rửa hàng ngày, đảm bảo đủ chỗ cho vịt đứng, độ dài máng bình quân là 3 cm/con, máng phải luôn có nước. Bố trí máng ăn, máng uống ở khu vực riêng, để chỗ nghỉ ngơi của vịt luôn được khô ráo.
Quản lý, chăm sóc
Khi mới bắt vịt về nên cho uống nước trước, sau 2 – 3 tiếng mới cho vịt ăn. Nên cho vịt uống nước có bổ sung các chất điện giải, Gluco, tỏi tươi nhằm giúp vịt tránh được bệnh tiêu chảy và thúc đẩy quá trình tiêu noãn hoàng của vịt nhanh hơn.
Tùy vào hình thức nuôi là bán công nghiệp hay công nghiệp mà người nuôi có những chế độ cho ăn và thức ăn khác nhau cho đàn vịt. Ở giai đoạn vịt 1 – 5 ngày tuổi nên cho vịt ăn cám có kích cỡ nhỏ, vừa miệng vịt và có độ đạm khoảng 19%; vịt được 5 – 15 ngày tuổi có thể cho ăn cám của vịt loại 1 – 21 ngày tuổi. Ðối với vịt ở giai đoạn 15 ngày tuổi đến khi xuất bán, có thể cho ăn hoàn toàn bằng cám công nghiệp của vịt hoặc có thể tận dụng các loại thức ăn có ở địa phương để cho vịt ăn như cám gạo, ngô, bèo tây… nhằm tiết kiệm chi phí nuôi.
Trong khẩu phần ăn hàng ngày, cần thường xuyên bổ sung Vitamin B1 và B-complex nhằm phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp đồng thời tăng sức đề kháng cho đàn vịt.
Khi thay đổi thức ăn của vịt nên thực hiện từ từ cho vịt quen dần: Ngày 1 trộn 2/3 thức ăn cũ và 1/3 thức ăn mới; ngày thứ 2 trộn 1/3 thức ăn cũ và 2/3 thức ăn mới; ngày thứ 3 mới cho ăn hoàn toàn thức ăn mới. Hoặc chia 4 phần và 4 ngày: ngày 1: 1/4 thức ăn mới và 3/4 thức ăn cũ; ngày 2 và 3: 1/2 thức ăn mới và 1/2 thức ăn cũ, ngày 4: 3/4 thức ăn mới và 1/4 thức ăn cũ.
Cung cấp đầy đủ lượng nước cho vịt và luôn đảm bảo nước uống phải sạch.
Thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho vịt theo lịch sau:
– 7 ngày tuổi: Tiêm phòng dịch tả vịt lần 1.
– 17 ngày tuổi: Tiêm phòng vaccine cúm gia cầm lần 1.
– 21 ngày tuổi: Tiêm phòng vaccine dịch tả lần 2.
– 45 ngày tuổi: Tiêm phòng vaccine cúm gia cầm lần 2.
– 60 ngày tuổi: Tiêm phòng vaccine tụ huyết trùng.
Trong quá trình nuôi, thường xuyên thay đổi chất độn chuồng, hoặc hàng ngày rải thêm trấu. Ðịnh kỳ phun thuốc sát trùng 7 – 10 ngày/lần; khi xung quanh có dịch bệnh thì cứ 3 ngày phun một lần.
Lê Loan
Nguồn: tapchigiacam.com
Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.
Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:
– Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY
– Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY
– Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY