Kỹ thuật chăn nuôi heo sinh sản hướng nạc
Chọn heo giống Yorkshire hoặc lai giữa Yorkshirevới heo Landrace, không nên chọn heo lai 3 – 4 máu để làm nái hậu bị. Heo giống phải có nguồn gốc lý lịch rõ ràng và được chọn từ những cặp bố mẹ có năng suất cao, an toàn về dịch bệnh.
I. Phát hiện động dục và phối giống
1. Chu kỳ động dục của heo nái:
Chu kỳ động dục của heo thường dao động từ 19 – 24 ngày, trung bình là 21 ngày. Thời gian động dục kéo dài 3 – 5 ngày.
2. Phát hiện động dục:
– Thời điểm theo dõi: Đối với heo cái hậu bị giống ngoại, việc theo dõi động dục cần được tiến hành khi 6 – 7 tháng tuổi, nên bỏ qua 1 – 2 chu kỳ đầu; đối với heo đã sinh sản, việc theo dõi động dục được tiến hành sau khi tách con.
– Cách theo dõi: Quan sát bằng mắt thường và kết hợp cả đực giống (nếu có), theo dõi 2 lần trong ngày từ 6 – 8 giờ sáng và 5 – 6 giờ chiều, kết hợp lúc cho heo ăn và vệ sinh chuồng trại.
– Biểu hiện khi động dục:
+ Ngày động dục thứ 1: Heo cái thường kêu rít, đi lại nhiều, chồm chân trước lên thành chuồng hoặc nhãy ra khỏi chuồng, heo ăn ít hoặc bỏ ăn.
Quan sát thấy âm hộ sưng, đỏ hồng, căng mọng. Từ âm hộ thỉnh thoảng có nước nhờn được bài tiết ra nhưng còn lỏng, trong không màu.
+ Ngày động dục thứ 2: Heo bắt đầu yên tỉnh hơn, ít kêu rít, thỉnh thoảng nhảy lên lưng con khác. Dùng tay ấn lên lưng heo đứng yên, vểnh tay nghe ngóng, âm hộ giảm bớt sưng và chuyển sang thâm nhăn, nước nhờn chuyển sang trạng thái keo dính, nửa trong nửa đục, đây là thời kỳ mê ì (đây là thời điểm phối giống thích hợp nhất).
+ Đến ngày thứ 3: Trạng thái mê ì của heo vẫn còn tiếp tục và đến đầu ngày thứ 4 heo thường không thích heo đực nữa, âm hộ dần trở lại bình thường.
II. Chăm sóc nuôi dưỡng
1. Chăm sóc nuôi dưỡng heo hậu bị:
Heo hậu bị đưa vào phối giống phải đạt thể trạng theo yêu cầu từ 115 – 120 kg ở 7,5 – 8 tháng tuổi; heo không quá mập và không quá ốm. Khẩu phần cho heo hậu bị phải phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của heo hậu bị.
Từ khi heo đạt khối lượng 90 kg cho đến trước dự kiến phối giống 10 – 14 ngày cần cho ăn hạn chế và điều chỉnh khẩu phần ăn để heo không quá mập hay quá ốm.
2. Chăm sóc nuôi dưỡng heo nái chửa
Heo mang thai 110 – 118 ngày, bình quân 114 ngày. Nái chửa phải được chăm sóc đặc biệt để bào thai phát triển bình thường vì vậy phải đảm bảo chuồng nuôi thông thoáng, hợp vệ sinh, mật độ nuôi phù hợp.
Khẩu phần thức ăn phải đảm bảo tỷ lệ Protein thô 13 – 14% năng lượng trao đổi 2900 – 3000 Kcal, ngoài ra cần bổ sung thêm premix và khoáng.
Lưu ý: Trong thời gian chửa 30 ngày đầu sau khi phối không được quá mập, quá ốm (Heo quá mập trong giai đoạn này sẽ làm chết phôi cao làm cho heo đẻ ít con)
3. Chăm sóc nuôi dưỡng heo nái đẻ
Một đến hai ngày trước khi đẻ, vú của heo mẹ căng, âm hộ sưng, bụng tụt xuống, heo ăn ít, có thể có sữa non tiết ra, heo đi lại nhiều lần trong chuồng, khi heo nằm xuống nước nhờn từ âm đạo chảy ra, thở mệt nhọc, đây là triệu chứng sắp đẻ.
– Chuẩn bị cho heo vào chuồng đẻ:
+ Chuồng heo nái đẻ phải đảm bảo kích thước dài 2,4m x rộng 1,8m; ô chuồng chia làm 3 ngăn theo chiều rộng (0,45m, 0,65m và 0,7m), chuồng phải được rửa sạch và phun xịt sát trùng trước khi đưa nái vào đẻ, cần đưa nái vào chuồng đẻ trước để quen chuồng từ 5 – 7 ngày.
+ Heo trước khi đẻ phải được tắm ghẻ và tẩy giun sán (tẩy giun 10 ngày trước đẻ và tắm ghẻ trước đẻ từ 10 – 14 ngày). Heo sắp đẻ phải được tắm rửa sạch sẽ, lau sạch bầu vú và xung quanh âm hộ. Chổ đẻ cho heo nái phải yên tĩnh, giảm bớt ánh sáng.
+ Nuôi dưỡng nái đẻ và nuôi con: Khẩu phần ăn cần đảm bảo cân đối các thành phần dinh dưỡng với tỷ lệ đạm 15 – 16%, năng lượng trao đổi 3000 – 3100 Kcal/kg.
III. Vệ sinh phòng bệnh
Thực hiện vệ sinh chuồng trại hằng ngày và định kỳ phun xịt thuốc sát trùng 1 tuần 2 lần, hạn chế người lạ ra vào khu vực chăn nuôi. Định kỳ 6 tháng tiêm phòng các loại vaccin dịch tả, lỡ mồm long móng cho heo nái. Riêng bệnh do Parvovirus tiêm 1 liều heo nái hậu bị lúc 150 ngày tuổi và 12 – 14 ngày sau khi sinh. Chích sắt cho heo con lúc 3 và 10 ngày tuổi.
Nguồn:Nghề Nông