Phòng trừ bệnh cho tằm vụ xuân
Trong vụ xuân, con tằm hay mắc bệnh vôi, bệnh bủng, ngộ độc thức ăn. Các bệnh này đều nguy hiểm, khó chữa trị. Ðể giảm thiểu tằm bệnh, nâng cao năng suất và chất lượng kén tơ, cần thực hiện tốt những biện pháp chủ yếu sau:
Phòng bệnh
Chăm sóc dâu đầy đủ; bón cân đối các loại phân đạm – lân – kali, đủ định lượng, đúng lúc và đúng cách. Hái dâu đúng kỹ thuật và theo yêu cầu tuổi tằm: tằm nhỏ (tuổi 1 đến tuổi 3) ăn lá dâu non, tằm lớn (tuổi 4 – tuổi 5) ăn lá dâu thành thục và lá già. Sát trùng nhà cửa và dụng cụ nuôi tằm bằng dung dịch foocmol 0,2% trước và sau mỗi lứa nuôi.
Nuôi giống tằm lưỡng hệ Trung Quốc có sức đề kháng tốt, năng suất cao, chất lượng tơ tốt. Để tằm trên nong với mật độ thích hợp, cho ăn đủ bữa trong một ngày đêm (6 – 7 bữa với tằm con, 5 – 6 bữa với tằm lớn), thay phân hàng ngày vào buổi sáng, duy trì nhiệt độ trong nhà tằm từ 25 – 28oC. Ban đêm nhiệt độ xuống thấp, để lò than hửng đã hết khói trong nhà tằm nhằm tăng nhiệt độ. Dùng thuốc cloruavôi rắc lên nong tằm đã dậy đều sau mỗi lần ngủ lột xác để sát trùng. Theo dõi diễn biến sinh trưởng và phát triển của tằm hàng ngày để phát hiện kịp thời tằm bệnh và có biện pháp điều trị hiệu quả.
Trừ bệnh
Bệnh tằm vôi: Do một loại nấm gây ra, làm cho tằm kém ăn, phát triển chậm, còi cọc, ngủ và thức không đều, không lột xác rồi chết. Điều trị: nhặt hết những con tằm bị bệnh đem tiêu hủy với vôi bột dưới hố đất ở xa nhà nuôi tằm. Phun thuốc trị bệnh vôi vào các nong tằm 2 lần/ngày (sáng, tối); rắc thuốc cloruavôi vào các nong tằm để sát trùng 1 lần/ngày trước khi thay phân; cho ăn lá dâu tươi ngon để tằm nâng cao sức đề kháng.
Bệnh bủng: Con tằm bị bệnh ăn kém rồi bỏ ăn, phát triển chậm, trốn ngủ, bò lên mặt nong, các đốt thân bị phù thũng rồi xì mủ trắng làm tằm chết, bệnh lây lan nhanh. Điều trị: nhặt hết những con tằm bị bệnh đem tiêu hủy. Dùng thuốc Cloramphenicon hoặc Peniciline, Steptomicine, pha nồng độ 0,2 – 0,3 % phun sương đều vào lá dâu rồi cho tằm ăn 2 lần/ngày; rắc thuốc Cloruavôi vào các nong tằm trước khi thay phân để sát trùng; cho ăn lá dâu tươi ngon.
Tằm bị ngộ độc: Do ăn lá dâu nhiễm thuốc trừ sâu. Khi ngộ độc con tằm quằn quại, ngừng ăn, miệng ứa dịch, lòi hậu môn, phân mềm, hô hấp tăng, tuần hoàn rối loạn rồi chết, xác chết màu thâm tím. Điều trị: Chuyển tằm sang nong sạch; tiêu hủy lá dâu và phân trên các nong cũ. Phun sương đều nước đường kết tinh 3%, nước dừa nạo, nước đậu xanh pha loãng vào lá dâu rồi cho tằm ăn 2 – 3 bữa liền để giải độc; ngừng hái lá những ruộng dâu đã bị nhiễm thuốc trừ sâu trong khoảng thời gian từ 7 đến 10 ngày mới hái lại.
Trần Duy Khả
Nguồn:Trung tâm KNKN tỉnh Bình Định
Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.
Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:
– Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY
– Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY
– Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY