Nuôi vịt trên sàn lưới
Ðây là phương thức nuôi khá mới, cho năng suất và sản lượng cao. Không phụ thuộc ao hồ, đồng nước và đặc biệt là giữ gìn vệ sinh môi trường.
Chuồng trại
Chọn địa điểm làm chuồng cao ráo, độ dốc vừa phải. Khu vực làm chuồng yên tĩnh, đảm bảo vệ sinh. Chuồng phải thoáng mát sạch sẽ, khô ráo, tránh mưa tạt gió lùa. Hướng xây dựng chuồng tốt nhất là hướng đông để có thể đón ánh nắng buổi sáng và tránh ánh nắng gay gắt vào buổi chiều, thời gian chiếu sáng khoảng 3 giờ trong ngày.
Chuồng úm phải có nắp đậy để tránh mèo, chuột chui vào. Ðảm bảo bố trí thoáng mát, không bị ẩm ướt.
Sàn nuôi vịt được chăng lưới trên hệ thống đà vững chắc cao trên 50 cm so với mặt sàn xi măng. Nền chuồng bằng xi măng có độ dốc 3% và với một hệ thống thoát nước. Trải trấu, rơm vụn bên dưới, trên mặt sàn căng lưới mềm chuyên dùng cho chăn nuôi. Dùng lưới có đường kính 1 cm. Phân lô trên chuồng phù hợp với đàn vịt.
Diện tích xung quanh được xây tường hoặc cũng có thể giăng lưới B40 khoảng ba bề, bề còn lại xây tường. Sát vách đặt các máng nước uống hơi cao so mặt sàn, vịt đứng uống mà không lội vào được.
Chọn giống
Từ các trại sản xuất đạt tiêu chuẩn, được tiêm phòng đầy đủ. Chọn những con lông bông và mịn, mắt sáng, to, lanh lợi, chân bóng mượt, nhanh nhẹn khỏe mạnh. Không chọn con bị dị tật, quá bé hoặc quá to so với trung bình của con giống như: Hở rốn, yếu, khèo chân, nặng bụng bết lông…
Nên lựa chọn vịt được 3 – 5 ngày tuổi, khi bắt đầu ăn mạnh.
Úm vịt
Vịt con 3 – 7 ngày tuổi, nếu không có chuồng úm chúng ta có thể úm vịt bằng cách quây vịt, tiện việc sưởi ấm vịt. Vịt con được nhốt trong một cái quây khoảng 100 – 300 con. Quây được làm báng tre, thành quây cao khoảng 0,3 – 0,5 m. Máng ăn và máng uống, bóng đèn bố trí đều trong quây úm. Úm được l tuần giảm bớt bóng đèn, tập cho vịt bơi lội được từ từ.
Cho ăn
Khi vịt ở giai đoạn 3 – 21 ngày: Tập cho vịt ăn thêm rau xanh và quen với nước, thời gian tăng dần 5 – 10 phút, vào những lúc nắng ấm.
Hàng ngày kiểm tra lượng thức ăn dư thừa, thiếu để điều chỉnh cho hợp lý.
Luôn giữ cho chuồng úm khô ráo sạch sẽ, tránh gió lùa, nước uống phải sạch sẽ, nhiệt độ úm trong khoảng 32 – 340C.
Khẩu phần ăn của vịt, kết hợp giữa thức ăn cám công nghiệp đủ tiêu chuẩn với thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp như rau muống, trái cây băm nhỏ lẫn ngô cám, nên đàn vịt lớn nhanh. Lượng thức ăn khoảng 180 – 200 g/con/ngày. Từ lúc thả giống đến khi xuất chuồng trong vòng 2 tháng. Thức ăn chuyên dùng cho vịt nuôi thịt do nhà sản xuất uy tín đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng theo ngày tuổi vịt.
Cho ăn ăn 3 – 4 bữa trong ngày.
Có thể tận dụng ăn 50% thức ăn viên + 50% lúa, xác mì, cua, ốc, rau xanh… Ngoài ra, người nuôi cũng cần trộn thêm khoáng, premix, bột đậu nành trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Chăm sóc
Nước uống phải đảm bảo có đầy đủ suốt ngày đêm, vịt không thể ăn mà không có nước uống. Ðảm bảo nước không lạnh quá dưới 120C cho vịt tuần đầu, không dưới 8 – 100C ở tuần tuổi 2, 3 nhưng cũng không quá 20 – 220C.
Ở vị trí cho vịt ăn có trải tấm bạt vuông mỗi bề 1,5 m để hứng những hạt thức ăn dính theo mỏ vịt văng ra. Giữa tấm bạt đặt trống ăn hình trụ rỗng, thức ăn viên từ lòng trống tự động cấp xuống máng hình vành khuyên. Vịt đứng xung quanh máng lấy thức ăn, ít hoặc không có sự tranh dành.
Trong hình thức nuôi này, chất thải tươi của vịt sẽ rơi xuống nền sàn xi măng. Vì vậy, hàng ngày cần vệ sinh sạch sẽ, gom khô như phân chim. Hàng tuần tổng vệ sinh và khử trùng 1 lần.
Ðể đáp ứng nhu cầu cho vịt tắm, ở góc sàn xây lắp bể cạn với sức chứa khoảng vài chục con, vịt thay phiên nhau tắm, khi thấy nước thiếu thì vặn bơm bổ sung. Nước cần được thay hàng ngày. Nước thải sẽ được gom xử lý hoặc trực tiếp tưới cây. Sau khi tắm, bầy vịt ra sàn lưới ngoài trời rỉa lông, phơi nắng.
Hàng ngày kiểm tra sức khỏe đàn vịt bằng mắt và cảm quan vào buổi sáng. Nếu phát hiện cá thể nào đi đứng khó khăn, xõa cánh, chảy nước mắt, phân dính lông, phân trắng… cho cách ly ngay, theo dõi và xử lý.
Phòng bệnh
Tiêm phòng vaccine dịch tả cho vịt ở ngày tuổi 14 – 15, tiêm phòng vaccine tụ huyết trùng 2 lần cách nhau 15 – 20 ngày khi vịt đã được 25 ngày tuổi. Trừ các bệnh khác như E.Coli, tiêu chảy, thương hàn, hô hấp bằng các loại thuốc đặc hiệu. Khi đàn vịt bị nhiễm bệnh cần tách riêng những con bị bệnh nặng nhốt riêng, điều trị 3 – 5 ngày cho khỏi rồi mới thả chung vào đàn. Những con còn lại cho uống liều phòng bệnh (bằng 1/2 liều trị), thời gian 1 – 2 ngày/lần.
Ðịnh kỳ bổ sung vitamin nhằm tăng cường sức đề kháng cho vịt.
Trong trường hợp nuôi nhiều đàn, nhiều lứa trong một trại, những đàn mới nhập trại phải được nuôi cách ly ít nhất trong 2 tuần đầu. Trong thời gian này, nếu thấy đàn vịt vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện dịch bệnh mới nhập vào khu vực nuôi của chuồng.
Thu hoạch
Sau hai tháng nuôi, vịt có thể đạt khối lượng trung bình 2,8 – 3,5 kg/con thì có thể xuất bán. Tiến hành khử trùng chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi. Trước khi nuôi đàn kế tiếp để trống chuồng 10 – 15 ngày.
So với cách nuôi truyền thống thì phương thức nuôi vịt trên sàn lưới đảm bảo được đầu con, dễ kiểm soát dịch bệnh, tỷ lệ nuôi sống đến lúc bán đạt trên 95%, đàn vịt lớn đều, dễ bán, hiệu quả kinh tế cao. |
Kim Tiến
Nguồn: Tapchigiacam.vn
Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.
Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:
– Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY
– Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY
– Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY