Chuyển đổi số: Động lực phát triển chăn nuôi bền vững
(Thế Giới Gia Cầm) – Chăn nuôi là một trong hai lĩnh vực được Bộ NN&PTNT lựa chọn tiên phong thực hiện chuyển đổi số. Thời gian qua, công tác chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi tại các địa phương bước đầu mang lại những kết quả tích cực.
Minh bạch và chủ động
Tại Ninh Thuận, trước đây cán bộ thú y khi điều tra thu thập số liệu sẽ ghi chép vào sổ, tổng hợp báo cáo định kỳ hay đột xuất về Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh. Cách làm này rất mất thời gian và dễ nhầm lẫn, thậm chí chậm trễ ảnh hưởng tới việc đánh giá, dự báo, cảnh báo phát triển chăn nuôi.
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của Sở NN&PTNT Ninh Thuận năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận phối hợp với Công ty Phần mềm Ninh Thuận tập huấn ứng dụng phần mềm, trên cơ sở nâng cấp phần mềm công tác đăng ký và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, đồng thời bổ sung phần mềm nội dung quản lý trong công tác chăn nuôi, giám sát dịch bệnh động vật. Điều này sẽ giúp cập nhật số liệu chăn nuôi chính xác, đồng thời hỗ trợ tốt cho công tác kiểm tra, giám sát, phòng ngừa, khoanh vùng và kiểm soát dịch bệnh được thuận lợi.
Còn tại Quảng Trị, từ năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình chăn nuôi heo an toàn sinh học theo hướng hữu cơ trên nền đệm lót sinh học có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Trung tâm cũng hỗ trợ nông dân máy hút chân không, dán nhãn mác, logo, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kết nối với các doanh nghiệp, các cửa hàng nông sản. Người tiêu dùng chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR code là có thể dễ dàng tra cứu toàn bộ thông tin của sản phẩm từ cơ sở sản xuất, quá trình chăn nuôi, giết mổ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai nhiều mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao áp dụng công nghệ số, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật tới gần với người dân, giúp họ quản lý tốt dịch bệnh, tiết kiệm chi phí.
Chuyển đổi số tại một trang trại heo đã giúp giảm chi phí vận hành, tối ưu chất lượng sản phẩm đầu ra. Ảnh: ST.
Tại tỉnh Đồng Nai, năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025. Qua đó, thiết lập mô hình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm có nguồn gốc động vật trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm từ khâu chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh và tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Kết quả, đến nay Đồng Nai có gần 1,2 nghìn cá nhân, tổ chức gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ, cơ sở giết mổ heo, thương nhân thu mua heo, cơ sở chăn nuôi, bếp ăn tập thể khu công nghiệp, bếp ăn trường học… đã đăng ký tham gia và được cấp tài khoản. Tính đến cuối tháng 6/2023, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 47,5 ngàn con heo được truy xuất nguồn gốc.
Trụ cột phát triển ngành
Ngày 17/6/2022, Bộ NN&PTNT phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam phát động “Lễ triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi”. Trên cơ sở này, Cục Chăn nuôi xây dựng, triển khai thí điểm phần mềm làm công cụ thu thập, cập nhật, khai báo, hình thành nên cơ sở dữ liệu về thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi. Đến nay, phần mềm đã được triển khai thí điểm tại 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 269 nhà máy thức ăn chăn nuôi trên cả nước; đã cấp 600 tài khoản để cập nhật cơ sở dữ liệu đến các nhà máy, cán bộ chăn nuôi thú y cấp xã và các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn… Hệ thống Cơ sở dữ liệu chăn nuôi sẽ là nền tảng quan trọng cho việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức phát triển chăn nuôi theo định hướng, tín hiệu, nhu cầu của thị trường; đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn thực phẩm.
Trang trại gà Bình Minh, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, đơn vị đầu tiên thực hiện chuyển đổi số trong chăn nuôi trang trại của tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Tấn Châu.
Tại hội nghị khoa học chăn nuôi – thú y toàn quốc diễn ra cách đây không lâu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Chăn nuôi là cực tăng trưởng quan trọng của ngành nông nghiệp. Để tái cơ cấu ngành chăn nuôi thì khoa học công nghệ là yêu cầu, đòi hỏi quan trọng. Các doanh nghiệp đầu tư phải hướng đến chăn nuôi công nghệ cao, theo chuỗi giá trị, tuần hoàn, chuyển đổi số, để hướng đến xuất khẩu.
Cũng tại hội nghị này, ThS Lê Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc công nghệ thông tin Công ty Cổ phần GreenFeed Việt Nam, cho biết những năm gần đây, chuyển đổi số dần trở thành động lực chuyển đổi chính trong ngành chăn nuôi, giúp tái định hình các mô hình chăn nuôi truyền thống và tạo ra những cơ hội tăng trưởng theo hướng bền vững. Mở ra một cơ hội nâng tầm ngành chăn nuôi Việt Nam theo hướng hiệu quả, bền vững và phúc lợi động vật, đồng thời có tiềm năng trở thành trụ cột phát triển ngành chăn nuôi quốc gia trong tương lai.
>> Ứng dụng phần mềm quản lý chăn nuôi tại các địa phương đã và đang tạo bước chuyển biến mới trong công tác quản lý của ngành, tạo thuận lợi cho việc truy cập dữ liệu lịch sử chăn nuôi và lịch sử diễn biến dịch bệnh, giúp cơ quan quản lý chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
Thùy Khánh
(Tổng hợp)