Thái Nguyên: Tăng giá trị cho thương hiệu “Gà đồi Phú Bình”
Để khai thác và phát huy hiệu quả nhãn hiệu tập thể “Gà đồi Phú Bình”, những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, nhiều hộ chăn nuôi gà đồi trên địa bàn huyện đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Ba năm trở lại đây, nhờ chuyển từ chăn nuôi gà thả đồi theo phương pháp truyền thống sang quy trình VietGAP, theo hướng an toàn sinh học, chất lượng và giá trị sản phẩm gà đồi của gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn, ở xã Tân Khánh (Phú Bình), được nâng lên đáng kể.
Ông Đoàn chia sẻ: Thời gian gần đây, toàn bộ gà nhập đầu vào của tôi đều đồng nhất về giống, có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng. Thức ăn cho gà là ngô kết hợp với cám. Việc tiêm phòng cho gà được tuân thủ theo đúng quy trình. Nhờ vậy, con gà ít bị bệnh, chất lượng thịt gà thơm ngon hơn, đảm bảo an toàn thực phẩm. Giá xuất bán gà đạt trung bình từ 60 đến gần 90 nghìn đồng/kg, cao hơn 20% so với trước đây.
Nhờ chăn nuôi gà thả đồi theo tiêu chuẩn VietGAP, hiện nay, giá xuất bán gà của gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn, ở xã Tân Khánh (Phú Bình) đã tăng 20% so với trước đây.
Không dừng ở việc nâng cao chất lượng gà thịt, trên địa bàn huyện Phú Bình đã có một số cơ sở chăn nuôi, hợp tác xã phát triển sản phẩm chế biến sâu từ thịt gà. Ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Hợp tác xã gà đồi hữu cơ Tân Phú, cho biết: Nhận thấy nhu cầu mua các sản phẩm chế biến sẵn của khách hàng ngày càng cao, chúng tôi đã học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình, cơ sở chế biến sâu thịt gà.
Hiện nay, Hợp tác xã gà đồi hữu cơ Tân Phú đã chế biến sâu được 7 sản phẩm từ thịt gà, trong đó có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao là khô gà lá chanh và gà đồi Tân Phú. Các sản phẩm chế biến sâu nhận được nhiều đơn hàng của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, với giá bán dao động từ 80-300 nghìn/sản phẩm.
Huyện Phú Bình hiện có trên 13 nghìn hộ chăn nuôi gà, chủ yếu là nuôi theo hình thức thả đồi, với tổng đàn khoảng 4,5 triệu con (tăng 1,2 triệu con so với năm 2020). Sản lượng gia cầm xuất bán từ đầu năm đến nay đạt 20 nghìn tấn (tăng 8,4 nghìn tấn so với năm 2020). Giá thịt gà hơi xuất chuồng duy trì từ 50 đến 90 nghìn đồng/kg (tùy thời điểm). Hiện nay, sản phẩm gà đồi Phú Bình đã tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị và chợ đầu mối lớn ở trong và ngoài tỉnh.
Xác định gà đồi là 1 trong 8 sản phẩm chủ lực của địa phương, từ năm 2021 đến nay, huyện Phú Bình chú trọng xây dựng các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Hàng năm, từ các nguồn vốn lồng ghép, UBND huyện phân bổ kinh phí để hỗ trợ các mô hình chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ, đặc biệt là phát triển các sản phẩm OCOP.
Cùng với đó, huyện triển khai thực hiện Dự án xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh với tổng kinh phí 11 tỷ đồng, Dự án phát triển gà đồi tại 2 xã Tân Kim, Tân Khánh với tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện đã có 8 cơ sở chăn nuôi gà đạt tiêu chuẩn VietGAP, 3 sản phẩm thịt gà đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Bà Trần Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện để người dân phát triển chăn nuôi với quy mô tập trung; liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh quảng bá, kết nối cung – cầu tiêu thụ sản phẩm. Huyện phấn đấu đến năm 2025, sản lượng thịt gà hơi đạt 21 nghìn tấn; giá trị sản phẩm gà đạt gần 1,6 nghìn tỷ đồng/năm…
>> Cuối tháng 11 này, lần đầu tiên UBND huyện Phú Bình sẽ phối hợp với Sở Công Thương tổ chức Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ gà đồi Phú Bình và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Qua đó góp phần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm gà đồi và nâng cao giá trị thương hiệu “Gà đồi Phú Bình” cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác.
Nguồn: Báo Thái Nguyên