Nam Á: Trứng nội chật vật cạnh tranh với hàng ngoại
(Thế Giới Gia Cầm) – Thị trường trứng gia cầm Nam Á sôi động hơn khi Bangladesh và Sri Lanka mở cửa biên giới để nhập khẩu. Điều này gây áp lực lớn đến ngành sản xuất trong nước, nhưng trứng nội, không còn cách nào khác, phải học cách “sống chung” với hàng ngoại.
Nông dân chăn nuôi gà đẻ tại Nam Á cho rằng, một khi cửa đã mở ra sẽ rất khó đóng lại. Do đó, thay vì kêu gọi chính quyền hạn chế nhập khẩu trứng, họ đã tìm ra những chiến lược sản xuất để có thể trụ vững trước bão hàng ngoại.
Củng cố năng lực
Trứng, nguồn protein giá phải chăng nhất, đã từng trải qua những đợt bão giá chưa từng có trong vài năm qua. Nhiều chuyên gia thị trường gọi đây là hiện tượng “lạm phát giá trứng”. Tại Sri Lanka, tình trạng thiếu hụt nguồn cung trứng gia cầm diễn ra khá nghiêm trọng và thường xuyên do sản xuất sụt giảm mạnh. Do đó, vào tháng 2/2023, chính quyền Sri Lanka phải mở cửa khẩu và tiếp nhận lô trứng đầu tiên từ Ấn Độ.
Kể từ đó, chi phí thức ăn chăn nuôi trong nước bắt đầu hạ nhiệt và nguồn cung gà con dần cải thiện. Zaffar Jeevunjee, Giám đốc điều hành công ty Switz Lanka cho biết nhiều trại nuôi đang tái đàn, nhưng tốc độ còn chậm do quy mô chăn nuôi gà đẻ tại quốc gia này chủ yếu là vừa và nhỏ.
Ông Zaffar Jeevunjee giải thích, ngành gia cầm luôn rơi vào tình trạng không ổn định, khi thừa khi thiếu. Nhưng nếu mở cửa nhập khẩu, thì ngành sản xuất trong nước sẽ còn bất ổn và khó dự đoán hơn khiến các kế hoạch đầu tư dài hạn bị cản trở. Ngoài ra, nhập khẩu cũng gây ra nhiều biến động lớn, khiến các hãng gia cầm nội địa khó lập kế hoạch sản xuất. Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố thúc đẩy xu hướng hợp nhất tạm thời trong ngành chăn nuôi gia cầm đẻ trứng ở Sri Lanka.
Ngược lại, ngành sản xuất trứng gia cầm của Pakistan lại có quy mô lớn hơn, trong đó các doanh nghiệp tích hợp giữ vai trò chủ đạo. Sohail Ahmed, Giám đốc công ty Noor Poultry, một trong những hãng sản xuất trứng quy mô nhất Pakistan cho biết tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp nhanh hơn sau cuộc khủng hoảng ngành trứng mặc dù Pakistan vẫn đang đối mặt bão giá thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, do giá trứng tăng cao trong năm nay, ngành trứng Pakistan đặt mục tiêu ổn định lợi nhuận trở lại vào năm 2024 và sẵn sàng cạnh tranh với trứng nhập khẩu.
Nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi là việc làm cấp thiết. Ảnh: Istock
Cải thiện hiệu quả
Tại Bangladesh, giá trứng gà dễ dàng tăng đột ngột chỉ sau một trận lũ lụt nhỏ hoặc sự cố giao thông khiến chính phủ buộc phải nhập khẩu. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung trứng tại Bangladesh trong thời gian gần đây cũng mở ra cơ hội cho hàng nhập khẩu. Khi thị trường chờ đợi những lô trứng ngoại đầu tiên, các nhà sản xuất trong nước cũng nỗ lực quản lý giá bán trứng thông qua mạng lưới phân phối ngắn hơn.
Theo Fazle Rahim Khan, cựu Giám đốc điều hành Aftab Bahumukhi, hầu hết các trang trại chăn nuôi đều ở vùng nông thôn cách xa thành phố. Điều này làm tăng chi phí trung gian trong khâu thu mua và phân phối trứng. Hiện, 80% nguồn cung trứng nội địa tại Bangladesh là các trang trại quy mô vừa và nhỏ. Để khắc phục chênh lệch giá trứng, ngành gia cầm trong Bangladesh cũng đang kêu gọi chính phủ thiết lập giá trứng cổng trại và tỷ suất lợi nhuận giữa thương lái và người bán lẻ.
Dự đoán thị trường
Việc nhập khẩu đột xuất là trở ngại với các hãng trứng địa phương, đồng thời cũng khiến các trang trại xuất khẩu trứng phải đau đầu. Theo công ty Namakkal của Ấn Độ, một trong những hãng xuất khẩu trứng lớn nhất cho Nam Á, cũng đang thận trọng thăm dò những thị trường mới.
PV Senthil, Giám đốc điều hành Bio Proteins ở Namakka, Ấn Độ cho biết, nhu cầu đột ngột từ Sri Lanka khiến xuất khẩu trứng của công ty này tăng 3 – 4%. Trước đó, hoạt động xuất khẩu trứng của doanh nghiệp này trì trệ bởi nhiều lệnh cấm liên quan đến dịch bệnh mặc dù Namakkal chưa bao giờ bùng phát dịch cúm gia cầm.
Do xuất khẩu giảm nên nhiều trang trại gà đẻ ở ở Namakka chỉ hoạt động 80% công suất. Tuy nhiên, sau khi Bangladesh và Pakistan mở cửa khẩu, các trang trại tại Ấn Độ đã tăng 100% công suất nhưng khá thận trọng trước quyết định mở rộng sản xuất bởi nhu cầu từ hai thị trường Nam Á nói trên không ổn định bằng một số thị trường thường xuyên nhập khẩu trứng như Singapore.
Do đó, PV Senthil khẳng định các nhà xuất khẩu hay nhập khẩu trứng sẽ hoạt động ổn định hơn nếu dự đoán được chu kỳ xuất, nhập khẩu hoặc nắm bắt được thông tin thường xuyên về nhu cầu thị trường.
Nhận trợ giúp khi khó khăn
Chuỗi cung ứng bị gián đoạn, cùng bất ổn kinh tế đã trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây. Để khắc phục vấn đề nguồn cung thực phẩm, các quốc gia có xu hướng gia tăng thương mại trong khu vực, rút ngắn khoảng cách vận chuyển hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, điều này gây ra áp lực và thách thức mới cho các hãng chăn nuôi trong nước. Các nhà sản xuất trứng ở Nam Á cũng không ngoại lệ, và hiện đang đối mặt cạnh tranh gay gắt để giành chỗ trên các kệ hàng trong siêu thị.
“Chính phủ chỉ can thiệp khi giá trứng tăng vọt, cũng là lúc người chăn nuôi kiếm được tiền, chứ không phải khi họ thua lỗ”, một nông dân Sri Lanka nhận xét. Mặc dù điều này giúp bình ổn thị trường và người tiêu dùng mua được nhiều trứng hơn, nhưng không thúc đẩy nông dân địa phương duy trì sản xuất để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Do đó, các hiệp hội chăn nuôi đã vận động chính phủ ban hành chính sách ưu đãi nhập khẩu hoặc giảm thuế đối với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để giúp họ cạnh tranh tốt hơn với hàng nhập khẩu.
Dũng Nguyên
Theo AsiaPoultry