5 sự kiện nổi bật ngành gia cầm năm 2023
(Thế Giới Gia Cầm) – Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng 2023 vẫn được coi là một năm khá thành công của ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam. Tổng đàn tăng trưởng, thị trường rộng mở với nhiều mặt hàng mới thành công xuất khẩu chính ngạch. Cùng Tạp chí Thế giới Gia cầm điểm lại những sự kiện nổi bật của ngành hàng này trong năm qua.
-
Sản xuất duy trì đà tăng trưởng
Theo số liệu ước tính của Cục Chăn nuôi, năm 2023, tổng đàn gia cầm cả nước 558,6 triệu con, tăng 2,6% so với năm 2022. Sản lượng thịt gia cầm năm qua đạt 2,24 triệu tấn. Cùng đó, sản lượng trứng ước đạt 18,98 tỷ quả, tăng 3,9% so với năm 2022. Mức tăng này của ngành gia cầm khá ấn tượng trong bối cảnh khó khăn tứ phía, giá thành sản xuất cao, thị trường bấp bênh khiến giá đầu ra sản phẩm sụt giảm, không ít hộ chăn nuôi vừa và nhỏ buộc phải ngừng sản xuất.
-
Xuất khẩu tạo đột phá
Số liệu thống kê cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thịt gia cầm tăng mạnh, sản lượng đạt hơn 4.000 tấn, trị giá 10,55 triệu USD; tăng 250% về lượng và tăng 315,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022… Ước tính cả năm, xuất khẩu thịt gia cầm đạt hơn 4.600 tấn, tăng 115% so với năm 2022. Ngoài ra, xuất khẩu trứng gia cầm cũng ghi nhận tăng trưởng, 11 tháng đầu năm đạt 31,4 triệu quả (95,4% là trứng gà), tăng hơn 3,1 lần cùng kỳ 2022. Sự tăng trưởng này có lẽ đến từ thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), bởi tháng 7/2023, Hồng Kông cho phép trứng gia cầm và sản phẩm trứng gia cầm của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường sau 4 năm bị cấm (Thị trường Hồng Kông chiếm khoảng 70% lượng trứng xuất khẩu của Việt Nam).
-
Sản phẩm yến sào ghi dấu ấn
Ngày 16/11/2023, sau 5 năm đàm phán, những lô sản phẩm tổ yến đầu tiên của Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Sự kiện này ghi dấu ấn quan trọng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, đồng thời cũng là một dấu mốc đặc biệt của ngành yến nước ta. Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Anavest Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số cho phép xuất khẩu hai nhóm sản phẩm tổ yến, gồm: tổ yến tinh chế và yến hũ chưng sẵn vào nước này.
-
Nhập lậu gà giống diễn ra nghiêm trọng
Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2023 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 131 vụ, bắt giữ 159.979 con gia súc, gia cầm, 43.912 quả trứng, 116.183 kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc được nhập vào Việt Nam. Trong đó, tỉnh Lạng Sơn phát hiện và bắt giữ 101.800 con gia cầm giống, 4.000 gia cầm thịt; tỉnh Cao Bằng phát hiện 39.000 gia cầm giống, 16.012 quả trứng giống… Số liệu của Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cho thấy, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 – 250.000 tấn/năm; và mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta. Thời điểm cuối năm, tình trạng nhập lậu càng diễn biến phức tạp.
-
Lần đầu tiên xuất khẩu thành công trứng lỏng
Ngày 27/5/2023, Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt đã xuất khẩu thành công một container trứng lỏng thanh trùng sang Hàn Quốc. Đây được coi là bước đi mới trong xuất khẩu sản phẩm gia cầm của nước ta. Theo đại diện Công ty này thì chế biến trứng gia cầm là lĩnh vực mới, ít cạnh tranh hơn và nếu làm tốt, triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp rất lớn. Điểm đáng tếc là do sản phẩm còn khá mới nên nhà nhập khẩu yêu cầu phải đóng mẫu mã theo yêu cầu và lấy thương hiệu của họ.
Phan Thảo