Thị trường

Xuất khẩu gia cầm: Nhiều tín hiệu vui

(Thế Giới Gia Cầm) – Năm 2023, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu, không chỉ tại các thị trường truyền thống mà còn được mở rộng sang nhiều thị trường mới, giàu tiềm năng.

Tăng trưởng khả quan

Năm 2023 ghi nhận thành công vượt bậc của ngành chăn nuôi khi giá trị xuất khẩu lên tới 515 triệu USD, tăng 26,2% so với năm 2022. Thành quả ấn tượng này đã đưa chăn nuôi vào nhóm có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao nhất toàn ngành nông nghiệp. 

Việt Nam hiện đã xuất khẩu chính ngạch một số loại động vật và sản phẩm động vật sang thị trường các nước, giá trị trung bình đạt trên 450 triệu USD/năm. Cụ thể, xuất khẩu tổ yến, sữa và sản phẩm sữa, lông vũ sang thị trường Trung Quốc; thịt gà chế biến và trứng gia cầm sang Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), các nước Liên minh Kinh tế Á – Âu, Mông Cổ; trứng (bao gồm cả trứng tươi và trứng qua chế biến) xuất khẩu sang hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ; heo sữa sang thị trường Hồng Kông; mật ong sang các nước Mỹ, EU…

xuất khẩu gia cầm

Ảnh minh họa

Riêng lĩnh vực gia cầm, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 4.634 tấn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm. Trong đó, Hồng Kông – Trung Quốc, Papua New Guinea, Campuchia đang là những thị trường chính. Gần đây nhất, các nước Hàn Quốc, Anh đã cử đoàn thanh tra sang làm việc với Cục Thú y, trực tiếp đánh giá hệ thống quản lý chăn nuôi, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm trong sản xuất thịt gà chế biến xuất khẩu của nước ta. Dự kiến ngay trong quý I/2024, khi hai thị trường này hoàn tất quy trình đánh giá, thịt gà Việt Nam sẽ được cấp phép xuất khẩu sang các nước này.

Tìm kiếm những cơ hội mới

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết, kể từ lần đầu đàm phán thành công xuất khẩu thịt gà chế biến nhiệt xuất khẩu sang Nhật Bản vào năm 2017, đến nay, thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm của Việt Nam đã thành công xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường. Hiện, Cục tiếp tục đàm phán mở cửa thêm các thị trường khác như Hàn Quốc, EU, Anh, Trung Đông. 

Theo các chuyên gia, bài toán then chốt trong việc gia tăng thị phần xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi nói chung, gia cầm nói riêng là vấn đề xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh. Đến nay, cả nước có 4.037 cơ sở, vùng được chứng nhận an toàn dịch bệnh tại 57 tỉnh, thành phố, trong đó, có 1 vùng an toàn dịch bệnh cấp tỉnh, 39 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện, 180 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã và 1.991 cơ sở an toàn dịch bệnh.

Năm 2023, Cục Thú y, Sở NN&PTNT các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Tây Ninh, Long An và Công ty TNHH De Heus đã cùng ký thỏa thuận phối hợp tổ chức xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh để hướng đến xuất khẩu cũng như phục vụ thị trường trong nước, giai đoạn 2023 – 2028 theo đúng quy định của Tổ chức Thú y Thế giới. Lộ trình đến tháng 12/2025 sẽ hoàn thiện và được nước nhập khẩu chấp nhận chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh của Việt Nam.

Ngày 25/7/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, giai đoạn 2023 – 2030. Đây là cơ sở đặc biệt quan trọng để các địa phương, doanh nghiệp bố trí nguồn lực để xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh trong những năm tới.

 

Hải Lý

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *