Ngành chăn nuôi cần chớp thời cơ bứt phá
(Thế Giới Gia Cầm) – Đây là phát biểu chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Cục Chăn nuôi diễn ra sáng 6/3/2024.
Năm 2024, cạnh tranh sẽ càng lớn
Báo cáo tại cuộc họp, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết: Năm 2023, trong bối cảnh có nhiều khó khăn tác động, nhưng nhờ nhanh chóng thích ứng với từng thời điểm nên ngành chăn nuôi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng đạt 5,72%; đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp. Ngoại trừ đàn trâu tiếp tục xu hướng giảm, các vật nuôi chính khác đều tăng. Thời điểm tháng 12/2023, đàn heo tăng 4,2% so với năm 2022 (đạt 26,3 triệu con, chưa tính khoảng 4 triệu heo con theo mẹ); đàn gia cầm tăng 3,3% (đạt 558,9 triệu con); đàn bò tăng 0,6% (đạt 6,4 triệu con).
Các đại biểu tham dự cuộc Họp triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Cục Chăn nuôi.
Năm 2023, ngành chăn nuôi đã cung cấp 7,79 triệu tấn thịt hơi các loại, tăng 6,38% so với năm 2022; Sản lượng sữa tươi năm 2023 đạt 1,17 triệu tấn, tăng 3,6%; Trứng 19,2 tỷ quả, tăng 5,2%. Tổng giá trị nhập khẩu 3,53 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm 2022.
Dự báo năm 2024, dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp; chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước có thể vẫn ở mức cao. Ngoài ra, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký, 2 hiệp định đang trong giai đoạn đàm phán, trong đó, khu vực CPTTP và EVFTA đều là những nước có không gian chăn nuôi lớn. Điều này sẽ gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Hơn nữa, cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng, đa dạng sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và châu Âu như thịt gà, thịt heo xuất vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn đặt một số chỉ tiêu phát triển chính như: Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 8,06 triệu tấn, tăng 3,5%; Sản lượng trứng các loại khoảng 19,68 tỷ quả, tăng 2,4%; Sản lượng sữa đạt trên 1,21 triệu tấn tăng 4,3%; Sản lượng mật ong là 25,8 ngàn tấn tăng 9,8%; Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt trên 20,5 triệu tấn, tăng 2,5% so với năm 2023.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm
Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng cho biết, Cục sẽ triển khai tái cơ cấu ngành chăn nuôi, triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045, đặc biệt triển khai các đề án ưu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phù hợp với bối cảnh mới, tiến trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng; phát triển chăn nuôi theo định hướng thị trường; phát huy thế mạnh của từng vùng, từng vật nuôi chủ lực; nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững.
Cùng đó, tận dụng tư liệu sản xuất là đất dành cho chăn nuôi tập trung đã được Luật Đất đai sửa đổi cụ thể hóa trong 6 điều để quy hoạch vùng chăn nuôi, vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi, giảm phụ thuộc và triển khai đồng bộ các giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi gia súc ăn cỏ nhằm đáp ứng cơ bản các loại thực phẩm thiết yếu (thịt, trứng, sữa) cho tiêu dùng nội địa, đảm bảo an sinh xã hội và tập trung nguồn lực thiết yếu để xây dựng các điều kiện sản xuất theo yêu cầu của thị trường, đặc biệt tăng cường xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi đặc thù và có lợi thế. Đồng thời, rà soát các nội dung thuộc Chương trình giống, giống gốc vật nuôi trình Bộ NN&PTNT phê duyệt và phối hợp tổ chức triển khai thực hiện trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt và tuân thủ quy định của Nhà nước. Góp phần nâng cao thu nhập của nông dân, gắn phát triển chăn nuôi với xây dựng nông thôn mới và chống biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá: Trong những năm qua, ngành chăn nuôi luôn nối tiếp kết quả phát triển ở mức cao, sản lượng thịt, trứng, sữa đều rất ấn tượng. Tuy nhiên, chúng ta không nên hài lòng với những gì mình đã đạt được mà cần phải tích cực chuyển đổi, đẩy nhanh tiến độ, tiếp tục bứt phá. Để chăn nuôi phát triển bền vững cần giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thức ăn nhập khẩu, quản lý nâng cao chất lượng chọn tạo giống, tăng cường chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính để quản lý thông tin sâu rộng…
Ngoài ra, yếu tố môi trường trong chăn nuôi cũng rất quan trọng. Để hướng tới cam kết của Việt Nam với thế giới đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025, ngành chăn nuôi cần xử lý tốt môi trường và nâng cao nhận thức của người dân.
“Mới đây, 4 đề án chăn nuôi đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành gồm: Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030; Đề án Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030; Đề án Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030; Đề án ưu tiên Đẩy mạnh hoạt động Khoa học và Công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030. Cục Chăn nuôi cần nhanh chóng có kế hoạch cụ thể để triển khai nội dung trong từng đề án sao cho hiệu quả, khó khăn ở đâu thì đề xuất Bộ để tháo gỡ ở đó”. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo.
>> Năm 2024, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng khoảng 4,0 – 5,0% so với năm 2023, tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp ước đạt 28 – 30%.
Thùy Khánh
(Bài và ảnh)