Tin tức

Chủ động phòng chống dịch bệnh, đảm bảo nguồn cung thực phẩm

(Thế Giới Gia Cầm) – Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, hoạt động chăn nuôi 7 tháng đầu năm nay trên cả nước diễn ra thuận lợi. Nổi bật là giá thịt hơi nhiều loại gia súc, gia cầm tăng, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi cũng tăng. Tuy nhiên, để duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì việc chủ động kiểm soát dịch bệnh rất quan trọng. 

Chăn nuôi tiếp tục được duy trì 

Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, tình hình chăn nuôi tháng 7 không có nhiều biến động, chăn nuôi trâu, bò trong tháng có xu hướng giảm, chủ yếu do điều kiện chăn nuôi khó khăn, chi phí chăn nuôi cao, lợi nhuận mang lại thấp, dẫn đến việc giảm số lượng đầu con. Tuy nhiên, đàn bò sữa vẫn duy trì ổn định.

 Chăn nuôi heo và gia cầm phát triển ổn định. Trong đó, chỉ số giá thịt heo hơi tháng 7/2024 tăng 0,53% so với tháng trước và tăng 6,49% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính tổng số heo của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 7/2024 tăng 3,0% so với cùng thời điểm năm 2023; tổng số gia cầm tăng 2,6%; tổng số bò giảm 0,4%; tổng số trâu giảm 3,6%. 

Tích lũy 7 tháng qua, đối với lĩnh vực chăn nuôi, đàn trâu giảm khoảng 3,6%, đàn bò giảm khoảng 0,4%, đàn heo tăng 3%, đàn gia cầm tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 7 đạt 47,4 triệu USD (tăng 9,3%). Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu chăn nuôi đạt 288 triệu USD, tăng 4,8%. 

Tốc độ tăng/giảm số lượng gia súc, gia cầm cuối tháng 7

Tốc độ tăng/giảm số lượng gia súc, gia cầm cuối tháng 7 so với cùng thời điểm năm ngoái. Ảnh: TCTK

Giá thịt heo tăng 0,79% cũng đã kéo theo giá mỡ động vật tăng 1,45%; thịt quay, giò chả tăng 0,49%; nội tạng động vật tăng 0,39%. Giá trứng tươi các loại tăng 1,99% và trứng đã chế biến tăng 0,31%; giá sữa, bơ, phô mai tăng 0,11%. 

Bộ NN&PTNT nhận định, trong 7 tháng đầu năm, mặc dù chúng ta phải đối diện với nhiều thách thức, ngoài những khó khăn trong nước như dịch bệnh, thiên tai bão lũ, vật tư đầu vào, tình hình thế giới nhiều biến động, tuy nhiên ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. 

Tính đến ngày 23/7, cả nước không có dịch tai xanh; có 1 ổ dịch cúm gia cầm tại Tiền Giang; có 348 ổ dịch tả heo châu Phi tại 25 tỉnh, thành phố; có 1 ổ dịch lở mồm long móng tại Tiền Giang và 9 ổ dịch viêm da nổi cục tại 8 tỉnh chưa qua 21 ngày. Trong 7 tháng đầu năm đã có 63.765 con gia súc, gia cầm bị chết và tiêu hủy.

Chủ động kiểm soát dịch bệnh bằng vắc xin

Đáng quan tâm nhất thời điểm gần đây là diễn biến của dịch tả heo châu Phi. Thực hiện Chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh này, Bộ NN&PTNT đã thành lập 35 đoàn công tác đến kiểm tra thực tế tại 35 tỉnh, thành phố. 

Kết quả cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh lây lan diện rộng và nguy cơ tiếp tục diễn biến phức tạp. Đó là, địa phương chưa công bố dịch cấp huyện, cấp tỉnh và tổ chức chống dịch theo đúng quy định; việc giám sát, phát hiện, báo cáo dịch bệnh chưa kịp thời. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng người dân bán chạy heo bệnh, nghi mắc bệnh, người mua heo và phương tiện vận chuyển heo làm dịch bệnh lây lan diện rộng, công tác quản lý giết mổ, vận chuyển heo trong vùng dịch chưa thực hiện theo quy định. Dịch bệnh xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi an toàn sinh học.

vắc xin dịch tả heo châu Phi

Sản phẩm vắc xin dịch tả heo châu Phi của Việt Nam đã được xuất khẩu. Ảnh: Thùy Khánh

Chia sẻ thông tin với báo chí trong cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, dịch tả heo diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, còn tại Việt Nam, dịch bệnh bùng phát diện rộng trong các năm 2019, 2020 đã khiến chúng ta mất đi hơn 9% sản lượng thịt, điều này đã ảnh hưởng đến chỉ số tiêu dùng CPI rất rõ. Thời gian gần đây, dịch tả heo châu Phi cũng xảy ra tại một số tỉnh như Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Nam và mới đây nhất là tại Hải Phòng. Việc các địa phương thực hiện tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn heo sẽ tạo ra lá chắn thép để đẩy lùi dịch bệnh hiệu quả. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ, Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công và thương mại loại vắc xin dịch tả heo châu Phi. Quá trình nghiên cứu vắc xin được thực hiện rất công phu với mức độ bảo hộ đạt trên 93%. Mới đây, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Tiến dẫn đầu đã đi kiểm tra tại một số trại nuôi heo của tỉnh Hòa Bình thì nhận thấy, với các trại đầu tư tiêm vắc xin cho kết quả heo sống 100%, trong khi đó, với trại không tiêm thì heo bị chết hết. 

“Đây cũng là minh chứng cho việc, sau quá trình nghiên cứu, đánh giá, khảo nghiệm, kiểm nghiệm, vắc xin dịch tả heo châu Phi đã phát huy hiệu quả, giúp vật nuôi đáp ứng miễn dịch. Tuy nhiên, hiện nay, mức độ tiêm vắc xin tại nhiều địa phương còn rất hạn chế, do vậy, nguy cơ lây truyền của dịch bệnh cũng rất lớn. Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT đã có chỉ thị chuyên biệt về phòng, chống dịch tả heo châu Phi, đồng thời đẩy mạnh truyền thông để chuyển tải chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh này nhanh chóng đi vào cuộc sống”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định. 

Được biết, dự kiến trong tháng 8, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức hội nghị phát triển chăn nuôi heo giai đoạn từ nay đến cuối năm để đưa ra các giải pháp góp phần đảm bảo nguồn cung và hướng đến xuất khẩu. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu thức ăn chăn nuôi và sản phẩm chăn nuôi đầu năm đều tăng. Do vậy, người dân có thể yên tâm về nguồn thực phẩm trong nước sẽ đảm bảo, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau Tết”.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *