Doanh nghiệp Pháp tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam
(Người Chăn Nuôi) – Sáng 19/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến làm việc với đoàn đại biểu Nghiệp đoàn Giới chủ Pháp (MEDEF) do ông Francois Corbin, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn làm trưởng đoàn.
Tại buổi làm việc, phía Nghiệp đoàn Giới chủ Pháp chia sẻ mong muốn tìm hiểu các cơ hội hợp tác sâu rộng với Việt Nam, đặc biệt là các ưu đãi của Việt Nam đối với ngành thức ăn chăn nuôi, dinh dưỡng vật nuôi và ngành sữa, qua đó giúp đánh giá tiềm năng đóng góp của khu vực tư nhân Pháp vào những lĩnh vực ưu tiên này.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tiếp đoàn Nghiệp đoàn giới chủ Pháp (MEDEF). Ảnh: Kiều Chi.
Về phía Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ sự cảm kích trước tình cảm đặc biệt mà Pháp luôn dành cho Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam luôn nỗ lực trở thành đối tác tin cậy của các quốc gia, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của cộng đồng quốc tế.
“Nông nghiệp là lĩnh vực được Chính phủ và Nhà nước đặc biệt quan tâm, và đang khẳng định lợi thế vượt trội. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến trên 7%, ngành nông nghiệp ước tăng khoảng 4%. Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 62 tỷ USD trong năm 2024, có vị thế vững chắc trên thị trường toàn cầu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tiềm năng và lợi thế trong lĩnh vực chăn nuôi của Việt Nam còn rất lớn khi đã xây dựng được môi trường pháp lý đầy đủ, bao gồm hệ thống luật, nghị định, thông tư và chiến lược, đề án; các lĩnh vực liên quan như công nghiệp giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ chế biến, xử lý môi trường, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành.
Không chỉ vậy, thời gian tới, các doanh nghiệp Pháp sẽ đến tính phương án xây dựng cơ sở sản xuất các sản phẩm từ sữa, thịt, thủy sản tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu toàn cầu; nghiên cứu và triển khai các mô hình hiện đại, giúp ngành nông nghiệp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Nghiệp đoàn Giới chủ Pháp Francois Corbin đánh giá cao tiềm năng lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh việc Pháp sở hữu kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực như chế biến sâu, đảm bảo an ninh lương thực và giảm thiểu carbon, phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp tư nhân Pháp đang tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư giữa hai quốc gia, một trong số đó là Tập đoàn OLMIX”.
Chia sẻ tại cuộc gặp gỡ lần này, đại diện Tập đoàn OLMIX cam kết sẽ cùng Việt Nam nâng cao chuỗi thực phẩm sạch nhờ vào tảo biển trong việc giảm phát thải carbon ngành nông nghiệp, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu và xử lý khí methane tại các ao/đầm nuôi tôm, đồng thời tối ưu hóa việc khai thác giá trị từ tảo, hướng đến sản xuất bền vững.
Được biết, OLMIX có trụ sở tại Pháp, chuyên về chăm sóc vật nuôi và cây trồng, với sự hiện diện thương mại tại 100 quốc gia và có các nhà máy đặt tại châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Năm 2023, OLMIX đạt được doanh thu 200 triệu Euro với hơn 900 nhân viên. Tại Việt Nam, OLMIX đã hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam với đội ngũ 200 nhân viên, trải rộng trên 50 tỉnh, thành. Olmix có một nhà máy đạt chứng nhận FAMI QS tại Bình Dương chuyên sản xuất phụ gia, thức ăn chăn nuôi để cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang thị trường châu Á với hơn 11 quốc gia, từ Trung Quốc đến Đông Nam Á. Ngoài ra, công ty có một nhà máy san chia thuốc thú y đạt chuẩn GMP-GSP-GLP WHO, một phòng thí nghiệm chẩn đoán bệnh Vipha.Lab và một trung tâm công nghệ chủng ngừa vaccine VTS.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký kết, những nội dung trao đổi giữa hai bên dịp này được kỳ vọng phù hợp với nhu cầu, thế mạnh của ngành nông nghiệp Việt Nam, qua đó tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư cho hai bên.
Minh Khuê