Kiến thức Chăn nuôi

Bệnh do chấn thương cơ học ở đà điểu

Chấn thương cơ học gây ra tổn thương ở đà điểu là nguyên nhân gây giảm giá trị kinh tế, nó không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ nuôi sống, mà còn gây thiệt hại cho khả năng tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt về da và thịt. Ðiều này có thể khắc phục được khi chuồng trại và kỹ thuật chăn nuôi đảm bảo đúng yêu cầu.

Nguyên nhân

– Do hoảng loạn, đâm phải trụ rào hoặc cây bóng mát.

– Do quá trình bắt, thao tác không đúng kỹ thuật.

– Do chuồng trại xây dựng không đúng cách, có những vật sắc nhọn trên hàng rào.

Trong các trang trại nuôi dưỡng đà điểu non, chất liệu nền và tường không thích hợp có thể gây nên tai nạn. Nền ướt và trơn sẽ dẫn đến con vật bị gãy chân, què, trật khớp.

Khi đà điểu đang chạy nhảy, do một nguyên nhân nào đó làm chúng sợ hãi, chúng sẽ chạy toán loạn; Giẫm đạp lên nhau khi cửa ra vào không đủ rộng. Những vấn đề gây nên chân đà điểu không bình thường do tai nạn chiếm 90%.

Mật độ đàn quá cao, sẽ làm tăng độ thiệt hại do thương tổn. Việc có các cột ở hàng rào và đường chạy hẹp cũng gây nên thương tổn. Hàng rào không phù hợp cũng có thể có các tác động trái ngược: Gây thiệt hại về da, tăng tỷ lệ chết; Ðà điểu sợ hãi do tiếng động cơ máy bay, trực thăng cũng như các con vật không quen thuộc khác như: Ngựa, trâu, bò, đó cũng là nguyên nhân gây tổn thương và chết. Nhân tố này gây nên có thể do ảnh hưởng bố trí vị trí của trang trại. Dẫn tới việc đà điểu bị rách da, gãy chân, gãy cánh.

Vì vậy, phương tiện chăm sóc cũng đòi hỏi thích hợp: Ðộ cao, độ chắc chắn… cũng nhằm hạn chế tối đa stress và thiệt hại cho đà điểu.

Vết thương ngoài da

Biện pháp can thiệp: Tiêm Novocain xung quanh vùng tổn thương (giảm đau). Xử lý vết thương: Dùng nước muối hoặc cồn 700 để sát trùng vết thương và khu vực quanh vết thương. Dùng kéo cắt sửa cho vết thương gọn, rắc bột kháng sinh (dùng Streptomycin: 1 – 2 g), tiếp theo khâu kín vết thương (2 – 3 cm) khâu một mối. Kiểm tra lại vết thương sau xử lý, tiêm Penicillin, 1 triệu UI/50 kg P/lần (chỉ cần tiêm một lần).

Do đà điểu là động vật đi bằng 2 chân, nên bất kỳ một ảnh hưởng nào tác động đến chân đều ảnh hưởng lớn đến tốc độ sinh trưởng, khả năng nuôi sống và hiệu quả sản xuất của con giống trưởng thành Black (1995). Do đó, trong hầu hết các trường hợp phòng ngừa bao giờ cũng cho hiệu quả tốt hơn điều trị.

Trường hợp bị gãy cánh

Biện pháp can thiệp: Trường hợp vết gãy cách xa gốc cánh, chưa làm thủng da, đứt mạch máu: Sau khoảng 20 – 40 ngày, tùy theo độ tuổi con vật thì có thể tháo băng. Hàng ngày theo dõi, thấy vết thương thâm đen, sưng to, bên trong có dịch thì có thể vết thương đã bị nhiễm trùng, lúc này cần xử lý cắt bỏ phần cánh hư. Dùng 2 nẹp tre nẹp 2 bên, cố định xương lại làm sao khi thả ra 2 đầu xương gãy ăn khớp với nhau, không dịch chuyển được.

Khống chế đà điểu để điều trị

Khi vận chuyển, khám chữa bệnh hoặc đánh giá khả năng sinh sản… cần phải khống chế chúng. Trước khi bắt đà điểu phải cần nhẹ nhàng lùa chúng vào những góc hẹp. Có thể dùng tấm ván chắn đối với những con nhỏ, thao tác bắt giữ có thể áp dụng một trong các cách như sau:

– Ðứng cạnh đà điểu, mặt hướng về phía trước cùng chiều với chúng, giữ một tay dưới ngực và tay còn lại giữ phần xương khum nâng con đà điểu lên.

– Dùng 2 đùi kẹp đà điểu, mặt hướng về phía trước cùng hướng chúng, 2 tay giữ 2 cánh.

– Trường hợp đà điểu lớn đến mức không dùng cách trên được thì ta đứng cạch chúng, 2 tay giữ cánh.

– Trường hợp lớn không bắt được bằng tay thì phải dùng móc hình chữ S móc vào cổ đà điểu, sau đó người kẹp 2 bên mỗi người giữ 1 cánh khống chế chúng đứng im.

Lưu ý:

Với đà điểu nhỏ, có thể ép chúng vào góc chuồng để không lùi được sau đó dùng khăn trùm lên đầu có tác dụng che mắt làm chúng mất phương hướng và dễ bị khuất phục.

Khi dùng móc bắt đà điểu không được giật mạnh (tránh gãy cổ đà điểu) vì chúng cố lùi và vùng vẫy rất mạnh, khi đó ta giữ móc và tiến một hai bước, đồng thời kéo vừa phải cho chúng đứng lại.

Phạm Hải

Nguồn: tapchigiacam.com


Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.

Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.

    Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:

    – Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY

    – Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY

    – Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *