Chăm sóc ngỗng con mới nở
Ngỗng mới nở có sức đề kháng kém, chịu nhiệt kém, nếu không chăm sóc tốt sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ sống cũng như tạo nên con giống năng suất có chất lượng cho toàn bộ quá trình nuôi sau này.
Nhiệt độ
Ngỗng con từ lứa tuổi sơ sinh đến 4 tháng tuổi khác với ngỗng bố mẹ, chúng rất sợ lạnh vì khả năng điều tiết thân nhiệt kém, cần được sưởi ấm thường xuyên để có sức đề kháng. Nên nhốt ngỗng mới nở trong quây kín bằng cót cao 0,8 – 1 m, che chắn cẩn thận, sử dụng lò sưởi hoặc bóng điện vừa để thắp sáng vừa để sưởi ấm.
Tuần đầu, nhiệt độ chuồng quây nên giữ ở mức 32 – 350C, các tuần sau có thể giảm dần nhiệt độ: Tuần thứ hai 27 – 290C; Tuần thứ ba 25 – 270C; Tuần thứ tư 23 – 250C.
Nếu dùng than hoặc trấu để sưởi cho ngỗng thì phải thiết kế lối thoát khói, không để ngỗng con bị ngạt bởi thiếu ôxy và ngộ độc khí than. Ðể nhận biết ngỗng con thời gian “gột” có đủ ấm hay không, chỉ cần quan sát nếu bị lạnh chúng sẽ nằm đè lên nhau thành từng đống. Còn nếu quá nóng chúng sẽ tránh xa nguồn nhiệt. Còn nhiệt độ vừa phải thì chúng đi lại, ăn, uống bình thường.
Mật độ
Chuồng “gột” ngỗng con cần đảm bảo mật độ nhiều nhất 10 – 15 con/m2 với ngỗng dưới 7 ngày tuổi; 6 – 8 con/m2 với ngỗng trên 7 ngày và dưới 1 tháng tuổi. Trong những tuần đầu tiên, chỉ nên nuôi nhốt ngỗng trong chuồng quây, không nên cho ra ngoài.
Thức ăn
Trong 3 ngày đầu chưa nên đưa ngỗng đi chăn vì lúc này chân ngỗng còn yếu, đi chưa vững. Thời gian này không nên cho ngỗng ăn thức ăn đạm động vật để cho khối lòng đỏ còn lại trong bụng tiêu hết, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức lớn của ngỗng sau này.
Thức ăn ngỗng thích nhất là rau xà lách. Có thể thái nhỏ rau xà lách bằng sợi bún, trộn với ít cám hoặc cột thành bó cả cây treo lên vừa tầm để ngỗng tự vặt lấy. Nên để thức ăn nhiều chỗ để ngỗng đỡ tranh nhau.
Thức ăn chủ yếu của ngỗng con là rau tươi thái nhỏ như: Lá su hào, lá cải bắp, bèo tấm… trộn lẫn với cám ngô hoặc gạo. Mỗi ngày cho ngỗng ăn 4 – 5 bữa và phải đủ lượng nước cho chúng uống hàng ngày.
Ðến tuần thứ ba, khi ngỗng đã cứng cáp hơn, có thể cho làm quen dần với môi trường xung quanh và chăn thả ở những nơi có rau cỏ mọc tự nhiên, nguồn nước sạch và có bóng râm.
Ngỗng con ăn rất khỏe và ăn liên tục. Buổi tối nên có đèn đủ sáng và đủ ấm thì ngỗng con có thể vẫn ăn uống. Sau 3 ngày tuổi, phải tiếp tục cho ngỗng ăn vì chưa đưa chúng đi chăn thả được. Lúc này thức ăn phải có đủ thành phần và được gọi là thức ăn khởi điểm. Ðây là một dạng thức ăn hỗn hợp gồm các thứ hạt nghiền (gạo, bắp nghiền, đậu mảnh). Kích thước hạt thức ăn không được quá 4 mm. Cho thêm khô dầu đậu tương, khô dầu đậu phộng và bột cá.
Nước uống cho ngỗng trong những ngày đầu rất quan trọng; Mỗi ngỗng con 1 – 5 ngày tuổi cần trung bình 50 ml trong 1 ngày đêm.
Sau 5 ngày tuổi, có thể đưa ngỗng đi chăn. Bãi chăn ngỗng con ở lứa tuổi này phải có nhiều cỏ non nhưng phải bằng phẳng và không quá rậm rạp. Ngỗng thích ăn cỏ gấu và cỏ gà non nhất. Những ngày trời mưa lạnh và gió to không cho ngỗng dưới 15 ngày tuổi ra đồng.
Phải tới 15 ngày tuổi mới có thể thả ngỗng đi ăn tự do được. Ðến tuổi này ngỗng con rất thích hoạt động, chúng luôn sục sạo tìm mồi, nhất là tìm cỏ, lá và củ. Số lượng thức ăn hàng ngày của ngỗng có thể lên đến 150 g, trong đó cỏ chiếm 100 g, nên cho ngỗng vặt cỏ tốt hơn là cho ăn rau trồng (rau muống, rau lang…).
Bích Hòa
Nguồn: tapchigiacam.com
Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.
Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:
– Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY
– Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY
– Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY