Chăm sóc, nuôi dưỡng vịt siêu trứng
Ðể vịt đẻ trứng liên tục, chất lượng trứng cao, cần lưu ý và nắm vững đến kỹ thuật trong khâu chăm sóc và nuôi dưỡng từ lựa chọn giống vịt phù hợp, chuồng trại, dinh dưỡng…
Lựa chọn giống vịt
Hiện nay, các giống vịt được nuôi hướng trứng, dựa theo sản lượng trứng mà chúng có thể đạt, bao gồm các giống sau:
Vịt cỏ: Là một trong những giống vịt nuôi lâu đời nhất và phổ biến nhất ở nước ta. Nuôi vịt cỏ để lấy trứng và kết hợp lấy thịt theo thời vụ (vịt chạy đồng). Vịt cỏ bắt đầu đẻ trứng sau 140 ngày tuổi, vịt đực nặng 1,5 – 1,7 kg/con, vịt mái nặng 1,4 – 1,5 kg/con. Sản lượng trứng 200 – 225 quả/mái/năm. Trứng nhỏ, khối lượng 64 – 65 g/quả. Trứng có tỷ lệ phôi cao.
Vịt Khaki Campbell: Có nguồn gốc từ Anh, được nhập nội vào nước ta cuối năm 1989. Trong điều kiện sản xuất đại trà, vịt bắt đầu đẻ lúc 140 – 150 ngày tuổi. Sản lượng trứng 250 – 280 quả/mái/năm. Khối lượng trứng 65 – 75 g/quả. Trứng có tỷ lệ phôi cao trên 90%. Tỷ lệ nuôi sống đạt trên 94%.
Vịt CV 2.000 Layer: Nhập vào nước ta năm 1997. Vịt bắt đầu đẻ trứng lúc 154 ngày tuổi. Khối lượng vịt vào đẻ đạt 1,8 – 2 kg/con. Sản lượng trứng 285 – 300 quả/mái/năm, trứng to, khối lượng 70 – 75 g/quả. Vịt CV 2000 Layer thích hợp nuôi nhốt kết hợp chăn thả, nhất là 2 dòng có triển vọng CVL1, CVL4.
Chuồng trại
Ðảm bảo thoáng mát, ấm và kín vào mùa đông, mát về mùa hè. Có thể xây gạch hoặc làm bằng tre, gỗ. Mái chuồng lợp ngói, fibro ximăng, lá cọ, rạ đều được. Nền chuồng phải cao, không gồ gề được lát bằng gạch hoặc xi măng nhám, chát động chuồng phải khô sạch.
Diện tích chuồng nếu nuôi nhốt: 1 m2 cho 30 – 32 vịt dưới 10 ngày tuổi; 18 – 20 vịt từ 11 – 20 ngày tuổi; 4 – 5 vịt từ 21 ngày tuổi trở lên. Diện tích sân chơi nếu chăn thả là 20 m2 cho vịt từ 20 ngày tuổi trở lên.
Vệ sinh chuồng sau mỗi lứa nuôi gồm các công việc sau:
+ Cọ rửa sạch sẽ chuồng rồi để khô ráo thì tẩy uế.
+ Phun thuốc sát trùng bằng Formol 2% hoặc Crezil 5%.
+ Quét vôi lên vách tường cao 0,8 – 1 m.
Cho vịt ăn, uống ở ngoài chuồng để giữ chuồng được khô sạch. Sau khi vệ sinh chuồng, cần để trống chuồng 5 – 7 ngày mới nuôi lứa khác. Chất độn chuồng phải được phơi khô và được xử lý bằng Formol 2%. Chuồng được độn dày 5 – 8 cm tùy theo thời tiết từng mùa và theo tuổi vịt.
Nuôi dưỡng, chăm sóc vịt đẻ (từ 21 tuần tuổi trở lên)
Thông thường quy trình nuôi vịt sinh sản được chia là 3 giai đoạn chính:
– Giai đoạn vịt con: 1 – 8 tuần tuổi
– Giai đoạn vịt hậu bị: 9 – 24 tuần tuổi
– Giai đoạn vịt đẻ: Tính từ lúc vịt đẻ được 5% đến hết một chu kỳ đẻ (66 tuần tuổi đối với vịt hướng thịt và 72 tuần tuổi đối với vịt hướng trứng).
Chọn vịt đẻ: Khi vịt được 18 tuần tuổi chọn những con khỏe mạnh, ngoại hình đẹp, đầu thẳng, mông nở, chăn chắc, mắt sáng, nhanh nhẹn để làm vịt mái đẻ.
Nhu cầu dinh dưỡng ở mỗi giai đoạn của vịt là khác nhau. Tuy nhiên nhìn chung nhu cầu về năng lượng, protein, axit amin của vịt thấp hơn gà. Nhu cầu về các loại Vitamin A, D, PP của vịt cao hơn gà.
Khi chăm sóc vịt con, cần lưu ý giai đoạn vịt con 1 – 8 tuần tuổi. Ở giai đoạn này vịt rất nhạy cảm khi thiếu Vitamin H và axit folic trong thức ăn. Ở giai đoạn 8 – 20 tuần tuổi, vịt giống hậu bị cần hạn chế giảm 20% với chất lượng thức ăn, 15% protein và 2.600 Kcal năng lượng trao đổi.
Người nuôi có thể tham khảo khẩu phần thức ăn cho vịt đẻ trứng như sau:
– Vịt 1 – 21 ngày tuổi dùng thức ăn đậm đặc có 28% protein trộn với cơm.
– Vịt 22 ngày tuổi: 70 – 80 g/con/ngày, vào vụ gặt thì không cần cho thêm thóc.
– Vịt 70 – 126 ngày tuổi: 50 g/con/ngày (ăn hạn chế).
– Vịt 127 ngày tuổi cho đến khi dựng đẻ: 100 – 140 g/con/ngày.
– Vịt vào đẻ ổn định: 130 – 135 g/con/ngày.
Nuôi vịt siêu trứng, thay vì sử dụng 100% cám công nghiệp đắt đỏ, nên tận dụng nông sản, phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế biến. Những nguồn nguyên liệu này có giá thành phải chăng, dễ kiếm, có thể trực tiếp sản xuất. Trong khi đó, khi chế biến đúng cách vẫn đảm bảo cân bằng hàm lượng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn. Cung cấp năng lượng duy trì, phát triển và sản lượng trứng đều cho đàn vịt. Cụ thể, thức ăn nuôi vịt đẻ trứng được phân thành các nhóm:
– Thức ăn cung cấp năng lượng: Cơm, thóc, ngô, khoai, sắn, hạt ngũ cốc, tấm…
– Thức ăn thô xanh: Các loại rau xanh (bắp cải, su hào, rau muống); Bèo tây, rau lang, cỏ non, thân cây chuối…
– Thức ăn từ động vật tươi (mồi cho vịt đẻ trứng): Cua, ốc, cá tạp, hến, đầu vỏ tôm tép, ếch, nhái, giun đất, mỗi, trùn quế… Có thể tận dụng ốc bươu vàng đập lấy phần thịt bên trong cho đàn vịt.
– Thức ăn bổ sung: Vitamin, premix khoáng, chế phẩm sinh học, bột máu, bột xương, bột sò…
Từ các nhóm thức ăn kể trên, chúng ta có thể phối trộn chế biến thành hỗn hợp cám dạng viên hoặc băm nhỏ. Mục đích kích thích đàn vịt ăn nhiều. Ðồng thời cân bằng hàm lượng dinh dưỡng cho tất cả các khẩu phần ăn.
Nuôi nhốt: Giai đoạn vịt đẻ cho ăn thức ăn hỗn hợp dạng bột hay dạng viên. Có thể cho ăn thức ăn đậm đặc phối trộn phụ phẩm theo hướng dẫn. Lượng thức ăn 130 – 150 g/con/ngày.
Nuôi chăn thả: Quy mô đàn phụ thuộc vào chất lượng, diện tích đồng bãi chăn thả và lao động. Nói chung khoảng 100 – 120 con/đàn là vừa. Vịt Khaki Campbell ham kiếm mồi dễ đi tản mạn xa đàn nên bị lạc, cần theo dõi, quản lý tốt khi chăn thả.
Cho vịt ăn thêm vào buổi chiều sau 1 ngày chăn thả. Thức ăn thêm bằng thóc và mồi tươi.
Thời gian chiếu sáng
Theo tiêu chuẩn là 17 giờ/ngày. Ngoài thời gian chiếu sáng ước tính 12 – 14 giờ/ngày, cần bổ sung thêm chiếu sáng nhân tạo bằng đèn có công suất 3 – 5 W/m2 cho đàn vịt phát triển.
Thu nhặt trứng
Vịt thường đẻ vào ban đêm, thu nhặt trứng vào lúc 6 – 7 giờ sáng để trứng không bị vịt làm bẩn hoặc bị vỡ. Trứng xếp vào khay, để nơi cao ráo, thoáng mát sẽ làm cho trứng tươi lâu hơn. Nếu trứng để ấp thì phải chuyển vào lò trước 5 ngày kể từ sau khi vịt đẻ.
Phòng bệnh
Sau mỗi lứa nuôi, cần dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Cọ rửa bằng nước sạch, tẩy uế, phun thuốc khử trùng. Sau khi làm sạch, để chuồng khô và trống 7 – 10 ngày thì mới nuôi đợt mới để tránh mầm bệnh.
Tiêm vaccine đầy đủ theo từng ngày tuổi để phòng bệnh cho đàn vịt.
Phương Ðông
Nguồn: tapchigiacam.com
Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.
Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:
– Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY
– Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY
– Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY