Châu Á: Tiêu thụ thịt gà sẽ lập đỉnh?
(Thế Giới Gia Cầm) – Lạm phát và suy thoái kinh tế đang thúc đẩy người tiêu dùng Nhật Bản chuyển từ các loại thịt đắt đỏ như thịt bò sang protein giá rẻ hơn như thịt gà. Xu hướng này sẽ xuất hiện ở các nước châu Á khác và tác động đến hoạt động sản xuất trong khu vực?
Protein giá rẻ
Trước đây, các nhà sản xuất ở châu Á ít tập trung vào một phân khúc sản phẩm protein cụ thể nên những loại protein giá rẻ như thịt gà chưa có cơ hội phát triển tương xứng với tiềm năng. Tuy nhiên gần đây ngành chăn nuôi gia cầm ở châu Á tăng cường sản xuất và nâng cao năng lực chế biến. Do đó, ngành gia cầm châu Á vẫn trụ vững trước những thách thức liên quan đến đại dịch COVID-19 và chi phí sản xuất cũng như thức ăn chăn nuôi leo thang.
Các hãng sản xuất đang đặt cược vào thịt gà, loại thịt có khả năng trở thành protein giá cả phải chăng nhất, mặc dù phải đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng thông minh. Lạm phát đã tạo ra một tư duy tài chính mới, nhưng người tiêu dùng sẽ không tiết kiệm chi phí cho những thực phẩm họ thực sự muốn. Thay vào đó, họ sẽ tìm kiếm những sản phẩm giá cả hợp lý nhưng vẫn đảm bảo giá trị dinh dưỡng tốt nhất. Chaweewan Kumpa, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến thương mại gia cầm của Thái Lan, cho biết: “Thịt gà là loại protein phổ biến và giá cả phù hợp với mọi phân khúc khách hàng. Trong khi đó, các hãng sản xuất liên tục tạo ra sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu”.
Nhu cầu tiêu thụ thịt gà tại châu Á đang ngày càng tăng.
Theo Chaweewan Kumpa, thị trường thịt gia cầm tăng trưởng 4 – 5% vào đầu năm nay. Thái Lan là những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gia cầm. Hiện, Malaysia cũng phải phụ thuộc vào nguồn cung gia cầm từ Thái Lan mới đủ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang Singapore. Alex Ding, đại diện hãng gia cầm Harumi Brand của Malaysia, chia sẻ: “Người tiêu dùng hiện đại và có học thức đang có xu hướng ăn nhiều thịt gà hơn vì lợi ích sức khỏe chứ không phải vì giá cá. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ thịt gà sẽ luôn duy trì ở mức cao”.
Tại một số nước châu Á như Sri Lanka và Bangladesh, thịt gà vẫn là loại protein giá rẻ nhất, mặc dù phải cạnh tranh với hải sản theo mùa. Ở Ấn Độ, mô hình chăn nuôi gia cầm trang trại đến bàn ăn và trải nghiệm bán lẻ cho khách hàng luôn đi kèm chiến dịch marketing để kích cầu. Trong khi đó, Indonesia cũng đang nâng cao chất lượng sản xuất và chế biến để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt gà đang ngày càng tăng.
Góc nhìn đa chiều
Nhiều chuyên gia cho rằng, phải dựa vào các dự báo tăng trưởng kinh tế và lạm phát trong năm nay mới hiểu tại sao tiêu thụ thịt gà có thể đạt đỉnh. Trong bài phát biểu khai mạc Triển vọng kinh tế khu vực vào tháng 1/2024, Krishna Srinivasan, Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại châu Á Thái Bình Dương đưa ra mức dự báo tăng trưởng 4,5% cho toàn khu vực này. Chuyên gia IMF cũng báo cáo tình trạng lạm phát hậu COVID-19 đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt ở các nền kinh tế mới nổi.
Tuy nhiên, điều này chưa đủ cơ sở để khẳng định người tiêu dùng sẽ chi tiêu nhiều hơn cho sản phẩm thịt, đặc biệt khi giá bán lẻ bao gồm nhiều chi phí khác. Ví dụ, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đều nhập khẩu thịt bò, nhưng chi phí sẽ cao hơn nếu các khoản đi kèm như thuế, cước vận chuyển, tỷ giá hối đoái và năng lượng bị đẩy lên. Trong khi đó, các hãng sản xuất thịt heo cũng buộc phải gia tăng chi phí an toàn sinh học và hiện đại hóa để phòng tránh dịch bệnh ASF. Những khoản chi phí phụ trội sẽ được chuyển sang người tiêu dùng, khiến thịt trở thành thực phẩm “khó mua” hơn.
Theo báo cáo của công ty phân tích thị trường Euromonitor International, người tiêu dùng khu vực châu Á Thái Bình Dương đều ngại rủi ro vì họ luôn lo lắng chi phí ngày càng tăng của các sản phẩm có trong thực đơn hàng ngày. Trước thực trạng nền kinh tế suy thoái như hiện nay, người dân châu Á Thái Bình Dương buộc phải thay đổi tư duy tài chính để trở thành những người tiêu dùng thông thái, vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí mà không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do đó, người dân châu Á sẽ cắt giảm chi tiêu cho các loại thịt đỏ và thịt heo, đồng thời chuyển sang thịt gia cầm khi nguồn cung trong khu vực ngày càng dồi dào hơn.
>> Alex Ding, đại diện hãng gia cầm Harumi Brand của Malaysia, chia sẻ: “Người tiêu dùng hiện đại và có học thức đang có xu hướng ăn nhiều thịt gà hơn vì lợi ích sức khỏe chứ không phải vì giá cá. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ thịt gà sẽ luôn duy trì ở mức cao”.
Vũ Đức
Theo Worldpoultry