Chung tay hành động phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi
(Thế Giới Gia Cầm) – Hưởng ứng tuần lễ Kháng kháng sinh thế giới, chiều 18/11/2023 tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT – cơ quan chủ trì chính của Khung đối tác “Một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người” tổ chức Lễ mít tinh với chủ đề “Huy động hợp tác công – tư phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi”.
Các đại biểu tham gia Lễ mít tinh tại điểm cầu Hà Nội chiều 18/11/2023.
Bất cập vấn đề kiểm soát
Trong Khung đối tác “Một sức khoẻ về phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người” do 3 Bộ (Y tế, NN&PTNT, Tài nguyên và Môi trường) đồng chủ trì có nêu rõ mục tiêu: phòng chống kháng kháng sinh là nội dung đặc biệt quan trọng, được quy định tại nhiệm vụ số 3 trong 6 nhiệm vụ chính. Các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang gia tăng là một trong những mối đe dọa sức khỏe toàn cầu cấp bách nhất mà con người đang phải đối mặt.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 70% các bệnh truyền nhiễm mới nổi là bệnh truyền lây giữa con người và động vật, với nguồn gốc từ động vật và có khả năng lây truyền sang người. Dự báo năm 2050, các ca tử vong liên quan đến kháng thuốc kháng sinh sẽ tăng từ 700.000 ca lên đến hơn 10 triệu ca hàng năm, nhiều hơn cả số ca tử vong do ung thư và tiểu đường cộng lại.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Mặc dù đã và đang thực hiện kế hoạch hành động về kháng kháng sinh, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh cao nhất ở châu Á. Nguyên nhân xuất phát từ những bất cập trong cung ứng và kiểm soát sử dụng kháng sinh, hệ thống giám sát kháng kháng sinh chưa hoàn thiện.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh “các cấp, ngành, các thành phần kinh tế tại Việt Nam cần tăng cường phối hợp trong công tác phòng, chống kháng kháng sinh”.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng để giải quyết điều này đòi hỏi các cấp, ngành, các thành phần kinh tế nỗ lực chung tay, tăng cường phối hợp trong công tác phòng, chống kháng kháng sinh, đặc biệt là sự phối hợp với đối tác tư nhân phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi dựa trên cách tiếp cận Một sức khỏe, đặt trong mối tương quan con người, động vật, thực vật và môi trường.
Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm
Tại lễ mít tinh, ông Randolph Augustin, Giám đốc Văn phòng Sức khỏe, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ, ghi nhận nỗ lực của Việt Nam khi giải quyết vấn đề kháng thuốc kháng sinh trong khuôn khổ các mối đe dọa đại dịch mới nổi gần đây và hiện tại là Chương trình An ninh Y tế toàn cầu. Ông Randolph Augustin cũng mong muốn Việt Nam sẽ huy động thêm nhiều khu vực có động lực thực hiện hành động tương tự để chống lại tình trạng kháng kháng sinh.
Ông Nguyễn Song Hà, đại diện Văn phòng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam, cho biết: FAO đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để đảm bảo phổ biến thích hợp các quy định mới về sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, cũng như giám sát sự hiện diện của tình trạng kháng kháng sinh ở động vật và thực phẩm. Việc khuyến khích sử dụng kháng sinh có trách nhiệm trong chăn nuôi sẽ giúp giữ cho môi trường và thực phẩm không có dư lượng kháng sinh và vi khuẩn kháng kháng sinh. Ở cấp độ toàn cầu, nhiều tổ chức quốc tế cùng hợp tác để duy trì hiệu quả kháng khuẩn và đảm bảo khả năng tiếp cận bền vững và công bằng với thuốc kháng khuẩn để sử dụng có trách nhiệm và thận trọng đối với sức khỏe con người, động vật, thực vật, góp phần đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến trao chứng chỉ cho các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia Chương trình hợp tác công – tư kháng kháng sinh trong chăn nuôi.
Trong hành động phòng, chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi tại Việt Nam cũng đã nổi bật lên vai trò của khối tư nhân. Tại sự kiện lần này, Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, Tập đoàn DABACO, Hòa Phát, De Heus và nhiều doanh nghiệp đã cam kết áp dụng các nguyên tắc sử dụng kháng sinh; chung tay cùng Chính phủ thực hành tốt phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và coi đây là một phần trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng.
Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã trao chứng chỉ cho 24 doanh nghiệp, hiệp hội tham gia Chương trình hợp tác công – tư kháng kháng sinh trong chăn nuôi, trong đó có Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam.
Thùy Khánh
(Bài và ảnh)