Tin tức

Đẩy nhanh tiến độ triển khai 3 đề án lớn ngành chăn nuôi

(Thế Giới Gia Cầm) – Đây là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại cuộc họp báo cáo về kế hoạch triển khai 3 Đề án chăn nuôi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt diễn ra chiều ngày 3/5/2024.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết: Ngày 15/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1625/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030; ngày 30/12/2023 Thủ tướng ban hành Quyết định số 1740/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030 và Quyết định số 1741/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030 thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045.

3 đề án ngành chăn nuôi

Ngành chăn nuôi hướng đến mục tiêu xuất khẩu đạt 3 – 4 tỷ USD vào năm 2030. Ảnh: Vũ Sinh.

Để thực hiện các Quyết định trên, Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch chi tiết nhằm triển khai kịp thời, hiệu quả các Đề án. Trong đó, Bộ NN&PTNT giao Cục Chăn nuôi là đơn vị đầu mối, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong Bộ, các Bộ, ngành có liên quan và địa phương tổ chức theo dõi, đôn đốc, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch; báo cáo và tham mưu Lãnh đạo Bộ xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Trong đó, đối với Đề án phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030, Bộ NN&PTNT đưa ra một số nhiệm vụ thực hiện các dự án ưu tiên, giao Cục Chăn nuôi chủ trì phối hợp cùng các đơn vị bao gồm: Nâng cao năng lực sản xuất giống vật nuôi quy mô công nghiệp có khả năng chọn tạo giống có năng suất cao mang thương hiệu Việt Nam; Tổng điều tra xây dựng bản đồ ngân hàng giống vật nuôi bản địa quốc gia để khai thác và phát triển theo lợi thế, đặc trưng vùng, miền; Đồng thời nâng cao năng lực nuôi giữ giống vật nuôi quốc gia đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học phục vụ chiến lược phát triển chăn nuôi gia đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045; Xây dựng và phát triển hệ thống giống bò thịt; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giống vật nuôi nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp giống vật nuôi; Cùng đó, nâng cao năng lực kiểm tra năng suất, khảo nghiệm, kiểm định giống vật nuôi; Tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ cho mỗi vùng miền của Việt Nam.

Với Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030, có 4 dự án trọng tâm bao gồm: Đánh giá trình độ công nghệ và đề xuất giải pháp cải tiến công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp; Phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn bổ sung; Phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi; Phát triển vùng sản xuất nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi.

Đối với Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030, Bộ NN&PTNT giao Cục Chăn nuôi chủ trì phối hợp cùng các đơn vị khảo sát, đánh giá định kỳ trong các năm 2025, năm 2027, năm 2029 về điều kiện vệ sinh an toàn dịch bệnh, an toàn chất lượng; trình độ năng lực công nghệ về giết mổ, chế biến các sản phẩm chăn nuôi; Đồng thời xúc tiến đầu tư xây dựng hệ thống kiểm tra chất lượng và trung tâm giao dịch, đấu giá sản phẩm chăn nuôi; Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử sản phẩm chăn nuôi; bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn; chính sách đặc thù của lĩnh vực giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Ngoài ra, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn, chính sách đặc thù của lĩnh vực giết mổ sản phẩm chăn nuôi; lĩnh vực chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá: Trong nhiều năm qua, ngành chăn nuôi đã có những sự phát triển tiến bộ vượt bậc, đảm bảo tăng trưởng ổn định, luôn là trụ đỡ quan trọng của ngành nông nghiệp. Đây là nền tảng quan trọng để toàn ngành tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Chúng ta đã có 3 Đề án lớn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, về phát triển công nghiệp giống, thức ăn, chế biến, khoa học công nghệ. Các Đề án này là tiền đề, cơ sở góp phần đưa sản xuất chăn nuôi ở Việt Nam vươn tầm thế giới.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, do nguồn lực của chúng ta còn hạn chế, vậy nên các đơn vị liên quan cần xác định rõ các nhiệm vụ, cụ thể hóa nội dung công việc, bố trí thời gian phù hợp trong từng giai đoạn với các kế hoạch rõ ràng, không nói chung chung. Cùng đó, các đơn vị cần lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của các Đề án vào chương trình, kế hoạch, hoạt động có liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *