Gia cầm giống lậu khuynh đảo ngành chăn nuôi – Mùa hốt bạc của dân buôn gà, vịt Trung Quốc
Phóng viên bất ngờ khi ở đâu cũng mua được gà, vịt giống Trung Quốc, cần bao nhiêu cũng có, thậm chí càng mua nhiều càng dễ ‘ăn hàng’.
LTS: Ngành chăn nuôi gia cầm vừa trải qua cơn “thập tử nhất sinh” do đại dịch Covid-19 khiến giá rớt thảm, nông dân lỗ triền miên, nay lại bị giáng thêm đòn chí mạng bởi sự khuynh đảo của các giống gà, vịt nhập lậu. Ngày 18/5/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp ký Công điện số 426/CĐ-TTg về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ trưởng và Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình nhập vai tiếp cận những “trùm buôn”, đầu nậu gà, vịt giống “Tàu” khét tiếng ở miền Bắc và tại các điểm trung chuyển gà lậu, phóng viên Báo NNVN khá bất ngờ khi ở đâu cũng mua được gà, vịt giống “Tàu”, cần bao nhiêu cũng có, thậm chí càng mua nhiều càng dễ “ăn hàng”. Dường như, có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong “cuộc chiến” với gia cầm giống nhập lậu tại các tỉnh, thành phía Bắc.
Thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm cả nước bắt đầu vào con giống để phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán, cũng là lúc giới buôn gà, vịt, ngan nhập lậu ở chợ giống gia cầm Đại Xuyên (thôn Thượng Yên, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) – thủ phủ giống gia cầm miền Bắc – hốt bạc.
Gia cầm lậu ‘đánh chiếm’ chợ giống gia cầm lớn nhất miền Bắc
Ngã ba đường tàu giao Quốc lộ 1A với con phố nhỏ dẫn vào Trung tâm Giống gia cầm Đại Xuyên là điểm tập kết, trung chuyển gia cầm giống lớn nhất miền Bắc. Từ đây, con giống tỏa đi các vùng nông thôn khắp miền Trung và Tây Nguyên trở ra Bắc nhờ hệ thống đường sắt, đường bộ với nhiều tuyến xe liên tỉnh chạy qua.
Mới hơn 9h sáng nhưng đại lý Thúy Bộ đã tiêu thụ cả ngàn con vịt bơ giống “Tàu”. Ảnh: Hùng Khang.
Mới 6 giờ sáng nhưng xe máy, xe tải chở gà, vịt, ngan giống khắp các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ninh… ra vào nườm nượp. Tiếng gà, tiếng vịt, ngan kêu nháo nhác như vỡ chợ.
Những ngày chợ phiên vào Chủ nhật, thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần, cả chục vạn con gà được giao dịch. Ngoài các giống gà nội, rất nhiều cơ sở cung cấp gà, vịt, ngan giống nhập lậu từ Trung Quốc như gà chíp, K8, K9, gà Phượng; vịt bơ; ngan 74, ngan 76… Trong đó, những đại lý chuyên bán “hàng Tàu” có tiếng ở khu vực ngã 3 đường tàu phải kể tới đại lý Thúy Bộ, Ngọc Hải và Tuyên Hạnh…
Tiếp quản cơ ngơi từ bố mẹ, vợ chồng Linh và Đạt còn rất trẻ nhưng đã điều hành “tổng đại lý” giống gia cầm “khủng” có tên Thúy Bộ ở Đại Xuyên. Linh không ngần ngại tuyên bố với chúng tôi: “Nhà em nói chung hàng Tàu hết, hàng ta cũng có, nhưng vào chính vụ thì em toàn hàng Tàu. Đợt này đang chính vụ, làm không hết việc”.
Linh – chủ cơ sở buôn bán giống gia cầm Thúy Bộ cho biết, đang vào chính vụ nên mỗi ngày nhập cả vạn con giống có nguồn gốc từ Trung Quốc để giao cho khách hàng ở nhiều tỉnh phía Bắc. Ảnh: Hùng Khang.
Khi chúng tôi hỏi mỗi ngày đại lý về mấy nghìn con giống? Biểu cảm trên khuôn mặt Linh như bị người ta xúc phạm uy danh trong làng buôn con giống gia cầm, nên nói lớn: “Nghìn thế nào anh, chính vụ như thế này 3 – 4 vạn, cuối mùa đông thì không tới, nhưng bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 10 (theo lịch âm) phải như vậy”.
Vừa nói, Linh vừa mở điện thoại cho chúng tôi xem cảnh bốc hàng từ xe tải xuống và giới thiệu: “Đây này, nhà em về vịt bơ Tàu này, cả một container luôn. Sáng nào cũng thế, ngày 2 chuyến. 6h sáng một chuyến và 9h sáng một chuyến… Sáng ra hàng ô tô xuống tranh nhau lấy này, các tỉnh đến lấy này, 1 tuần 4 hôm (ngày chợ phiên) thì tranh nhau còn 3 hôm kia chỉ bình thường”. Ngan tàu thì cứ về 7.000 – 8.000 con một buổi sáng, còn gà chíp Tàu thì lúc nào cũng có, không giới hạn. Kể cả vịt bơ tàu cũng thế, lấy bao nhiêu cũng có. Gà chíp thì đảm bảo 100% là con trống hết, có cả chíp vừa nở và chíp choai (trọng lượng khoảng hơn một lạng).
Những con vịt bơ Tàu mệt lả sau khi di chuyển quãng đường hàng trăm km từ bên kia biên giới về “thủ phủ” gia cầm giống Đại Xuyên. Ảnh: Hùng Khang.
Chủ cơ sở Thúy Bộ gợi ý chúng tôi bán thêm con vịt pha ngan, đồng thời khẳng định: “Con đấy độc quyền chỉ nhà em có thôi. Ở đây không ai có luôn”.
Chúng tôi hỏi đây vẫn là hàng “Tàu” chứ? Linh bảo, “hàng Tàu hết”.
Để thuận tiện giao dịch, vợ chồng Linh – Đạt lập nhóm Zalo và mời khách hàng vào nhóm. Mỗi lần hàng về là Linh quay video rồi đăng lên nhóm để báo giá, bởi khác với giống gia cầm trong nước (thường ổn định về giá), các giống gia cầm nhập lậu mỗi ngày một giá khác nhau nên không thể báo trước.
Ngoài cơ sở Linh Đạt, Doản Phương, Tuyên Hạnh, chúng tôi còn ghi nhận nhiều cơ sở khác đang sẵn vịt bơ “Tàu” và công khai bán ngay trước cửa nhà như Ngọc Hải, Toản Bình…
“Bọn em có xe chuyên dụng, kể cả Mộc Châu (Sơn La) bọn em cân tất. Mình chỉ đi từ miền Trung đổ lại thôi, còn từ miền Trung hất vào miền Nam, nếu có khách đặt làm dự án thì chuyển bằng máy bay”, lời của Linh khiến chúng tôi nghi hoặc nên thắc mắc: “Máy bay làm sao dám nhận hàng của mình được”. Linh nói: “Dự án vẫn đóng đầy, nó đi hàng mấy trăm lồng anh ạ”.
– Vậy con gà chíp “Tàu” có đóng dự án không? (phóng viên hỏi)
– Đóng ác. Em có khách lấy vịt pha ngan đóng máy bay nhưng không về nổi. Đợi hàng về thôi, hàng về cái là lấy mấy nghìn luôn… Năm ngoái em đóng hàng nghìn con vịt đực đen gửi vào tận trong Lâm Đồng, hàng ướt vào đến nơi vẫn sống. Năm đấy còn không phải tiêm phòng luôn. (Linh chia sẻ).
Lần thứ 2 chúng tôi đến đại lý Thúy Bộ vào đúng lúc gà về, rất nhiều khách lấy hàng. Người lựa vịt bơ Tàu, người chọn gà chíp mận. Linh cũng tíu tít lọc bơ, lọc chíp cho khách. Những con giống vừa mới nở ra, vẫn còn ướt lông bị Linh túm cổ rồi ném vào các sọt nhựa như ném rác rưởi, thứ chẳng có giá trị gì. Những con vịt bị quăng quật, đau đớn nên kêu nháo nhác. “Con này nhập từ Trung Quốc nên nó to”, Linh nói.
Chúng tôi hỏi một người làm thuê cho đại lý Thúy Bộ “sáng nay về bao nhiêu con?”, người này gọn lỏn: “1 vạn con”.
Theo Linh, tất cả các giống gia cầm nhập từ bên kia biên giới về đều chưa được tiêm vacxin, bởi “thời gian đâu mà tiêm, tiêm 1 vạn con mất bố 1 ngày thì ngần ấy thời gian nó cũng về đến Việt Nam rồi”.
Chủ lò ấp cũng phải nhập “hàng Tàu”
Rời đại lý Thúy Bộ, tiếp tục vào vai người người có nhu cầu nhập gà chíp Tàu, chúng tôi được chủ cơ sở Doản Phương (chủ lò ấp trứng gia cầm ở thôn Thượng Yên, gần Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên) mời nước vối tiếp chuyện. Ông Doản giới thiệu “chíp Tàu nó đẹp lắm”, giá tùy theo từng phiên chợ, nhưng đang có xu hướng lên vì đang vào vụ (phục vụ nhu cầu dịp Tết).
Không thể cạnh tranh, ông Doản có thâm niên mấy chục năm làm nghề ấp nở gia cầm phải nhập con giống gà, vịt Tàu về kinh doanh. Ảnh: Hùng Khang.
Chúng tôi hỏi gà chíp này thường đi theo lối nào, ông Doản trả lời là “đi đường biển” và cập bến trao đổi giữa biển, vì biên giới họ soi camera. Chúng tôi tếu táo “kinh nhỉ, gà đi tàu biển” thì ông kể sâu thêm “đến phao số 0 thì hai bên trao đổi nhau, bây giờ thông thương mà, cứ kiếm được là làm”.
Hết giới thiệu gà chíp Tàu, ông Doản giới thiệu sang con vịt bơ Tàu: “Vịt bơ Trung Quốc về, bây giờ hơi đắt. Bơ Trung Quốc nó cũng có hai loại. Một loại chạy đồng, một loại bơ to. Bơ to thì giá 20.000 – 21.000 đồng/con (tùy phiên).
Ngan cũng có ngan Trung Quốc. Ngan có mấy loại, ngan ngan 71 và ngan 76. Ngan 76 thì to nhất, nhưng con ấy đa số không nhập trứng về được, về đây là nó đã bị khô rồi, đi gần thì được chứ đi xa như Cao Bằng, Lạng Sơn thì rủi ro cao. Không giống như con bơ mình bóc trứng gạo về nhà mình nở, nở ra phát mình đóng đi thì được. Nếu là ngan 71 thì nở tại đây.
Con này nở ra theo nguyên tắc chỉ 24 tiếng không ăn không uống. 25 – 27 tiếng không ăn không uống là đứt. Với lại để nó khát quá, về nó ụp nước một phát là nó bị tả cấp. Chết hết. Không thể sống được. Con nào thì con, nếu đi xa phải đóng con ướt, bắt đầu từ máy ra 24 tiếng vào đến Đắk Lắk thì mới sống được”.
Những lồng vịt bơ Tàu được cơ sở cung ứng con giống Ngọc Hải bày bán trong cửa hàng vào cuối phiên chợ. Ảnh: Hùng Khang.
“Chíp mình không nhập được trứng về để ấp chú nhỉ?” (chúng tôi hỏi). Ông Doản bảo: “Cũng đi về được nhưng khi mình qoăng quật vì đi theo đường biên giới thẳng theo ô tô, nó dập vỡ xong bị đứt phôi, tỷ lệ hỏng nhiều, không có lãi. Còn con ngan, con vịt dây chằng của nó khỏe, khó đứt hơn”.
Chúng tôi đến đến đại lý Tuyên Hạnh (gần đối diện nhà ông Doản) vào cuối phiên chợ, hiện đang sẵn vài trăm con bơ Tàu nhưng bị khô con. Bà chủ cơ sở báo giá, bơ Tàu loại 2 giá 16.000 đồng/con, còn loại 1 thì đắt hơn, 18.000 đồng/con.
Tưởng chúng tôi nhập hàng để quảng cáo bán online, nữ chủ nhà nói thẳng: Nếu là bơ Tàu thì khi về đến trại bị khô con rồi nên nuôi rất hao, nuôi thì tỷ lệ sống ít lắm, chỉ được một nửa thôi.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam