Chưa phân loại

Hướng xử lý khi heo con bị chảy máu ở rốn

Heo con mới sinh nếu bị chảy máu ở rốn quá nhiều sẽ dẫn đến thiếu máu nặng, kém phát triển, suy nhược thậm chí có thể dẫn đến tử vong sớm.

Trong điều kiện chăn nuôi bình thường thì điều này rất ít khi xảy ra. Nó chỉ xảy ra chủ yếu khi các điều kiện chăn nuôi không bình thường, dù vậy nó cũng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác. Một đợt bùng phát nghiêm trọng nhất cũng có thể làm tử vong đến 50% heo con sơ sinh trong trại.

Ô úm được làm bằng gỗ là nguyên nhân làm heo bị chảy máu ở rốn thường thấy nhất

Những kiểu sàn gỗ như trong hình hoàn toàn có thể gây chảy máu ở rốn cho heo con, đặc biệt là những rốn cắt còn hơi dài

Một heo con có dây rốn dài đã được kẹp chặt lại hoặc buộc thắt nút mà chưa cắt bỏ phần phía sau

Sau khi heo con vừa sinh ra, một phần máu sẽ đọng lại trong dây rốn. Bình thường dây rốn sẽ co thắt và “đẩy” máu ngược vào cơ thể chúng, ngay sau đó lập tức hình thành các cục máu đông trong dây rốn để tránh rò rỉ, chảy máu.

Nếu bất kỳ nguyên nhân nào tác động dẫn đến một trong 3 trường hợp sau:

– Nút thắt rốn của chúng ta không chặt (không thấy các cục máu đông đen lại ở phần thắt).

– Giãn mạch tái phát.

– Máu không đông.

1. Làm sao để nhận biết khi heo con bị chảy máu ở rốn?

Chỉ bằng quan sát chúng ta cũng có thể phát hiện ra. Thường nếu heo con bị chảy máu ở rốn, sẽ xuất hiện các vệt máu ở:

– Trên hệ thống sàn cứng của ô úm.

– Trên cơ thể những heo con khác.

– Trên cơ thể heo mẹ trong 2 – 4h đầu sau sinh.

Tuy nhiên nhiều trường hợp chúng ta không thể quan sát thấy các vệt máu một cách rõ ràng. Lúc này hãy quan sát các biểu hiện của heo con, nếu thấy heo con xanh xao, yếu ớt thì nhiều khả năng là heo đang mất máu.

Nhiều người chăn nuôi trực tiếp thậm chí không thể phân biệt được heo con xanh xao nhợt nhạt do mất máu với heo con bình thường vì đa phần heo con sơ sinh đều khá yếu ớt, nhợt nhạt. Nếu không phải là người nhiều kinh nghiệm, bạn rất khó để nhận biết. Tuy nhiên nếu bạn để ý, sẽ thấy những heo mẹ sinh ra heo con bị chảy máu ở rốn thường có tỷ lệ thai chết lưu tăng và thời gian sinh ra một heo con chậm hơn bình thường.

2. Nguyên nhân nào dẫn đến heo con bị chảy máu ở rốn?

Không xuất hiện cục máu đông trong lòng dây rốn.

Đây có thể là kết quả của một trong hai trường hợp sinh non hoặc rối loạn cơ chế đông máu do các tác nhân bên ngoài (như chất hóa học) tác động. Để ngăn ngừa heo nái đẻ non, ta có thể dùng Aspirin trước ngày sinh 7 ngày.

Khi heo con chảy máu ở rốn, ta rất khó để biết được đó là do thuốc gây ra hay do heo bị PRRS.

Nguyên nhân phổ biến nhất của trường hợp heo con chảy máu ở rốn tại nước Anh đa phần là do dây rốn bị tổn thương bởi mảnh nhựa hay vật liệu cứng có lẫn trong lớp mùn cưa lót chuồng. Bởi vậy nên tình trạng tổn thương dây rốn trên heo sơ sinh thường không phụ thuộc vào độ tuổi của heo nái, ngoài ra tình trạng này cũng ít khi thấy trên các đàn heo nuôi chăn thả ngoài trời mà đa phần xuất hiện trong các chuồng heo nái đẻ công nghiệp nuôi nhốt mặc dù môi trường nuôi ngoài trời có thể xuất hiện nhiều nguy cơ hơn.

Một số trường hợp khác dẫn đến máu không đông là do di truyền nhưng rất hiếm gặp.

Một số nhà sản xuất còn cho rằng có mối liên hệ mật thiết nào đó giữa hoocmone kích đẻ Prostaglandin với việc dây rốn chảy máu khi ta dùng hormone này để kích thích heo nái đẻ sớm trước khoảng 2 ngày.

Do dây rốn heo con tổn thương.

Heo con mới sinh thường khá hiếu động, di chuyển chưa vững vàng (đi lại thường liêu xiêu) nên đôi khi có thể làm vỡ các mạch máu và rò rỉ máu ở dây rốn.

Khi dây rốn chưa kịp cắt hoặc cắt quá dài làm nó quệt xuống đất, nó có thể bị kẹt vào sàn nhà hoặc bị heo mẹ dẫm, đè lên gây ra tổn thương.

Nói chung, chảy máu dây rốn chỉ là một trong những nguyên nhân làm heo con mất máu và trông nhợt nhạt, yếu, xơ xác nhưng chỉ bị từng cá thể heo con chứ không ảnh hưởng đến toàn bộ lứa heo.

3. Thiệt hại do chảy máu dây rốn gây ra.

Chảy máu dây rốn nếu nặng có thể dẫn đến tử vong luôn khi heo còn nhỏ, nếu không về lâu dài sẽ nâng tỷ lệ tử vong trong đàn lên 1 – 2%.

Thỉnh thoảng sẽ có một vài lứa bị chảy máu dây rốn và gây ra những thiệt hại đáng kể trước khi chúng ta kịp phát hiện ra vấn đề (vì thường ít ai để ý đến nguyên nhân này).

Việc tăng tỷ lệ tử vong lên tới 2% cần được xem xét và tính toán một cách kỹ lưỡng để tìm ra hướng xử lý hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nhất.

Thiếu máu cục bộ còn làm giảm khối lượng heo cai sữa lên đến 2 kg và là nguyên nhân làm kế phát một loạt các bệnh thứ cấp khác.

Ví dụ thực tế về một ca bệnh nghiêm trọng xảy ra trên một trang trại có hơn 300 heo con được người ta thống kê lại: có khoảng 160 heo con sơ sinh (>50%) bị chảy máu ở rốn và tử vong. Tổng thiệt hại ước tính lên tới 5600 bảng anh (tương đương hơn 180 triệu) hay 35 bảng anh/mỗi heo con (tương đương hơn 1,1 triệu/heo con).

Như vậy, dù ít gặp trong thực tế nhưng chúng ta cũng không thể chủ quan vì những thiệt hại của việc heo con bị chảy máu ở rốn gây ra là không hề nhỏ. Phần tiếp theo dưới đây sẽ giúp các bạn chủ động hơn trong việc phòng và kiểm soát khi trang trại xảy ra vấn đề.

4. Kiểm soát và phòng ngừa hiện tượng heo con bị chảy máu ở rốn.

Nếu bạn phát hiện trong ô chuồng đẻ có heo con bị chảy máu dây rốn, hãy bình tĩnh và tham khảo các cách xử lý dưới đây:

– Thay thế lót sàn là mùn cưa, gỗ bào trong ô úm của heo con bằng rơm băm nhỏ hoặc giấy vụn.

– Hạn chế kích thích heo nái đẻ sớm.

– Hủy bỏ bất kỳ nguồn nào có thể chứa thành phần thuốc kháng đông máu cho heo nái (mồi bẫy chuột, aspirin).

– Tiêm Vitamin K cho heo nái trước khi sinh khoảng 24h.

– Bổ sung thêm Vitamin C dạng viên cho heo nái trước khi sinh khoảng 7 ngày (Vitamin C có tác dụng giúp gia cố thành mạch, làm cho các thành mạch máu dai bền khó bị tổn thương hơn). Vì Vitamin C trong thức ăn không đủ nhiều và ổn định nên cần bổ sung thêm theo cách này. Liều dùng khoảng 5g Vitamin C/ heo nái mỗi ngày (những heo nái trên nếu muốn giết thịt thì phải sau 28 ngày cho lượng Vitamin C đào thải ra hết khỏi cơ thể heo).

– Dùng kẹp rốn chuyên dụng để ngưng cho heo con mất thêm máu.

– Tốt nhất là nên để dây rốn tự đứt một cách tự nhiên nhưng nếu dây quá dài thì chúng ta nên chủ động thắt lại, tránh tình trạng rốn dài quá dễ bị tổn thương.

– Không được cắt dây rốn quá sát với bụng heo con (cách bụng ít nhất là từ 4 cm và dài nhất cũng không nên vượt quá 15 cm).

– Tiêm sắt: Với những heo bị chảy máu quá nhiều chúng ta có thể cung cấp thêm sắt ngoài việc chăm sóc cẩn thận cho heo đó.

Thông thường kể cả heo không mất máu người ta cũng bổ sung thêm sắt cho heo con trong vòng 72 h kể từ khi sinh, sau đó 7 – 10 ngày người ta lại nhắc lại một mũi nữa.

Như vậy, dù là ít gặp trong thực tế nhưng dù sao chúng ta cũng cần phải có kiến thức thêm đối với trường hợp heo con bị chảy máu ở rốn để nếu trang trại có xảy ra vấn đề thì chí ít chúng ta cũng không lúng túng, không bị động và không phải chịu thiệt hại quá nhiều do việc thiếu thông tin trong chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa.

Nguồn: Vietdvm


Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.

Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.

    Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:

    – Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY

    – Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY

    – Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *