Indonesia: Khủng hoảng thị trường thức ăn chăn nuôi
(Thế Giới Gia Cầm) – Theo truyền thông địa phương, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi Indonesia đang gặp khó về đầu ra do người chăn nuôi gia cầm trong nước tiêu hủy gà mái và tạm dừng sản xuất trước áp lực chi phí tăng quá cao.
Theo ghi nhận của Asian Agribiz, tổng đàn gia cầm của Indonesia sụt giảm mạnh và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi trên toàn thị trường. Trong quý đầu năm 2024, doanh số bán thức ăn chăn nuôi gia cầm cũng lao dốc gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dư cung và chi phí tăng cao
Theo truyền thông Indonesia, ngành gia cầm trong nước đang vật lộn với cơn bão dư thừa nguồn cung và chi phí đầu vào tăng vọt. Nhiều trang trại gia cầm đang lùi dần về điểm hòa vốn, thậm chí phải đối mặt nguy cơ thua lỗ. Do đó, các trại nuôi đồng loạt tiêu hủy đàn gà mái để thu hẹp quy mô hoặc tạm dừng sản xuất. Đây được xem là một giải pháp “cùng đường” để giảm bớt gánh nặng chi phí đang ngày càng gia tăng.
Bộ Nông nghiệp Indonesia nhận định, tình hình nói trên sẽ khó cải thiện ít nhất đến cuối năm nay, đồng thời trích dẫn kết quả thống kê gần đây của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm cho thấy, nguồn cung gà con một ngày tuổi hiện đang dư thừa gần 567 triệu con.
Theo cơ quan này, tình trạng dư thừa nguồn cung chủ yếu do nhu cầu suy yếu trên thị trường trứng gia cầm. Musbar Mesdi, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gà đẻ trứng Indoneisa, cảnh báo về khoảng cách chênh lệch giữa sự gia tăng chi phí hoạt động mà nông dân đang gánh chịu và thực trạng sức mua của người dân Indonesia.
Giá ngô đắt đỏ
Musbar Mesdi, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gà đẻ trứng Indoneisa cho biết, yếu tố chính gây tổn hại đến doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm chính là giá ngô leo thang. Hiện, giá nguyên liệu này đang dao động trong khoảng 8.000 – 8400 rupee/kg (0,5 – 0,52 USD). Sau cùng, khủng hoảng ngành thức ăn chăn nuôi Indonesia hiện nay cũng là một phần hậu quả của hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino. Giá ngô leo thang là minh chứng cho thấy những nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết hiện tượng khí hậu này về cơ bản đã thất bại.
Kể từ đầu năm 2024, người chăn nuôi gia cầm Indonesia phải “oằn mình” gánh chi phí thức ăn tăng vọt do hạn hán nghiêm trọng tại nước này đã làm giảm đáng kể sản lượng ngô – nguyên liệu thức ăn chăn nuôi gia cầm chính.
Desianto Budi Utomo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi Indonesia cho biết, giá ngô nguyên liệu nhảy vọt buộc các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi phải chuyển sang lúa mì thay thế. Hiện, Indonesia chủ yếu nhập khẩu lúa mì từ khu vực Biển Đen và Australia. Năm 2023, tỷ trọng ngô trong thức ăn chăn nuôi gia cầm của Indonesia giảm xuống 38,3% từ mức 45,7% so với năm trước, Hiệp hội Doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi cho biết. Dự kiến, xu hướng này vẫn tiếp diễn trong năm 2024.
Gia cầm chiếm 65% khối lượng protein tiêu thụ trung bình của người dân Indonesia. Đối với một quốc gia có 275 triệu dân, điều này đồng nghĩa để đáp ứng nhu cầu trong nước, Indonesia phải cần đến 16 triệu tấn ngô mỗi năm để chăn nuôi gia cầm. Ông Utomo cảnh báo rằng, một số vấn đề tồn tại lâu dài như thiếu hạt giống chất lượng cao, và các vấn đề cơ giới hóa ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục gây áp lực lên ngành thức ăn chăn nuôi và gia cầm của Indonesia.
Vũ Đức
Theo Worldpoultry