Kiến thức Chăn nuôi

Khắc phục hiện tượng chim cút đẻ trứng trắng

Hiện tượng chim cút đẻ trứng trắng làm suy giảm sức khỏe chim nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người nuôi.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này, tuy nhiên, xét về tính chất khả năng lây lan, có thể chia làm 2 nhóm tác nhân:

Nhóm tác nhân không truyền nhiễm: Chim cút bị thoái hóa giống; bị stress do môi trường; thức ăn thiếu hoặc mất cân đối dưỡng chất; chăm sóc chim không hợp lý.

Nhóm tác nhân truyền nhiễm: Chim cút bị nhiễm một số bệnh như bệnh bạch lỵ, thương hàn, dịch tả, viêm phế quản truyền nhiễm.

Triệu chứng

Chim cút đẻ trứng trắng là hiện tượng trứng chim đẻ ra không có sắc tố, không có hoa đặc trưng, thậm chí không có vỏ. Ðây là triệu chứng điển hình khi trong đàn thấy cả trứng bình thường lẫn trứng bạc màu và trứng không có vỏ vôi. Bên cạnh đó, quan sát kỹ sẽ thấy một số triệu chứng khác của bệnh như phân có màu vàng nhớt, chim bỏ ăn ủ rũ, có con còn bị liệt chân và có con thì nghẹo cổ đi giật lùi.

Trị bệnh

Khi chim bị bệnh, người nuôi có thể sử dụng kháng sinh điều trị bệnh do tác nhân vi khuẩn (bệnh bạch lỵ, thương hàn) và phòng những bệnh kế phát khi chim bị các bệnh do virus gây ra (dịch tả, viêm phế quản truyền nhiễm). Trường hợp nguyên nhân là do virus viêm phế quản truyền nhiễm gây ra: Ðây là bệnh do virus gây ra nhưng can thiệp kịp thời có thể giảm tối đa thiệt hại bằng cách cho uống vaccine, kháng sinh và thuốc trợ lực. Cho cả đàn uống ngay vaccine ND.IB. Thực hiện bằng cách bỏ hết nước uống ra, cho chim ăn bình thường. Sau khoảng 30 phút (mùa lạnh có thể cho nhịn uống lâu hơn) cho nước uống đã pha vaccine vào cho cả đàn uống sao cho trong khoảng 30 – 60 phút sau khi chim uống hết nước vaccine. Sau đó cho đàn cút uống nước bình thường. Trước và sau khi cho chim uống vaccine 2 ngày không được sát trùng chuồng nuôi.

Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm men tiêu hóa, thuốc bổ tổng hợp vào thức ăn hay nước uống của chim để khắc phục hiện tượng trên.

Phòng bệnh

Trong quá trình nuôi, cần kiểm soát được những vấn đề sau: con giống tốt, chăm sóc hợp lý, nguồn thức ăn đủ số lượng và chất lượng… thì đàn chim đẻ trứng đạt yêu cầu.

Cần lựa chọn con giống tốt, phải chọn con giống khỏe mạnh, ngoại hình đẹp, biết rõ nguồn gốc giúp tránh được tình trạng chim bị cận huyết, thoái hóa giống.

Trong quá trình nuôi, cung cấp đầy đủ dưỡng chất đáp ứng cho nhu cầu của chim. Bên cạnh đó, trong điều kiện môi trường bất lợi, chim bị bệnh, chim đẻ đỉnh điểm, chim cuối chu kỳ đẻ trứng… vẫn cần phải bổ sung các dưỡng chất cần thiết nhằm duy trì sức sinh sản và sức khỏe của đàn chim. Việc bổ sung men tiêu hóa, thuốc bổ tổng hợp, thuốc hỗ trợ điều trị vào thức ăn hoặc nước uống thường xuyên hoặc theo định kỳ không những tăng khả năng đề kháng cho chim mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn.

Do chim cút khả năng chịu nóng kém nên lúc nắng nóng cần có biện pháp làm mát chuồng trại tránh những stress gây ra bởi môi trường. Chim cút cũng rất nhạy cảm với âm thanh, vì vậy cho chim nghe nhạc êm dịu thường xuyên sẽ tránh được tình trạng chim “giật mình” khi có tiếng động lớn (tiếng chó sủa, tiếng mưa trên mái tôn…).

Hàng ngày cần theo dõi mọi hoạt động của chim cút để có những điều chỉnh kịp thời. Có thể quan sát bằng cách nhìn vào phân của chúng, nếu phân xanh thì chim cút đã mắc bệnh, phân trắng lỏng cút đã mắc bệnh nặng. Trường hợp khi phát hiện thấy cần ngăn cách, nuôi nhốt riêng con bị bệnh và tiếp tục theo dõi đưa ra biện pháp xử lý gấp, không để lây lan ra cả đàn.

Ðịnh kỳ sát trùng tiêu độc chuồng và khu vực chăn nuôi. Sau khi dọn phân cần rắc vôi bột (hoặc phun thuốc sát trùng) đều lên tấm lót phân.

Thường xuyên bổ sung men tiêu hóa và thuốc bổ vào thức ăn hoặc nước uống để nâng cao khả năng đề kháng cho chim. Cùng đó, sử dụng men tiêu hóa Lactolase nhằm tăng khả năng tiêu hóa và ổn định hệ vi sinh vật đường ruột của chim.

Có thể nhỏ mắt, mũi vaccine IB cho chim vào lúc 7 và 14 ngày tuổi. Tốt nhất vào giai đoạn 7 ngày tuổi nhỏ vaccine ND.IB, 2 tuần sau nhỏ lần 2, sau đó định kỳ 2 tháng cho uống một lần sẽ phòng được cả bệnh viêm phế quản truyền nhiễm lẫn bệnh Newcastle cho đàn cút.

Diệu Châu 

Nguồn:Nguoichannuoi.vn


Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.

Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.

    Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:

    – Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY

    – Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY

    – Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *