Khoa học công nghệ tạo những bước tiến mới cho ngành chăn nuôi
(Thế Giới Gia Cầm) – Các tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới từ thức ăn, con giống cho tới quy trình nuôi dưỡng và xử lý môi trường nhanh chóng được chuyển giao đưa vào sản xuất trong thời gian qua đã góp phần quan trọng thúc đẩy chăn nuôi phát triển.
Chiều ngày 10/7 tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Diễn đàn đàn kết nối các sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì Diễn đàn. Tham dự có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, viện nghiên cứu, trường trực thuộc Bộ, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức quốc tế… liên quan đến ngành nông nghiệp.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn kết nối các sản phẩm KHCN trong nông nghiệp.
Nhiều thành tựu đáng tự hào
Dấu ấn của KHCN trong ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi – thú y nói riêng đã được thể hiện rất rõ nét. Trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2020, Bộ NN&PTNT đã công nhận 42 giống vật nuôi mới, 23 tiến bộ kỹ thuật và 19 giải pháp sáng chế trong lĩnh vực này. Hiện nay, có 54 giống vật nuôi năng suất và chất lượng cao được đưa vào sản xuất, bao gồm 11 giống mới, 12 giống ngoại nhập và 31 giống lai tạo.
Đáng chú ý, ngày 14/3/2023, sự kiện các nhà khoa học của Viện Chăn nuôi nhân bản thành công giống heo có nguy cơ tuyệt chủng được đánh giá là bước tiến vượt bậc về khoa học công nghệ của Việt Nam. Công nghệ áp dụng nhân bản heo ỉ được thực hiện với quy trình tạo dòng “tế bào cho” từ mô tai, cấy chuyển nhân tế bào cho và tạo phôi heo nhân bản, cùng nhiều quy trình chuyên môn khác.
Thành tựu này đã mở ra các hướng nghiên cứu mới về ứng dụng công nghệ nhân bản động vật trong chọn giống, bảo tồn các loài động vật có giá trị cao, quý hiếm. Không chỉ vậy, việc vaccine dịch tả heo châu Phi “Made in Vietnam” chính thức xuất khẩu sang 5 quốc gia bao gồm Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Myanmar cũng là niềm tự hào rất lớn của ngành chăn nuôi nước nhà.
Sản phẩm vaccine dịch tả heo châu Phi “Made in Vietnam” đã được xuất khẩu.
Ngành chăn nuôi của nước ta có đặc thù sản xuất manh mún nhỏ lẻ, công nghệ giết mổ bảo quản sản phẩm thô sơ. Trước thực tế đó, các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu tìm giải pháp và chuyển giao tới người dân. Hơn một năm nay, với sự đồng bộ từ công đoạn giết mổ đến sơ chế, xử lý, làm sạch và đóng gói bảo quản lạnh, cấp đông siêu tốc bằng chất lỏng tạo ra sản phẩm gia cầm với thời gian bảo quản đông lâu hơn từ 3 – 12 tháng mà không làm thay đổi chất lượng thịt gà đã được Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch chuyển giao thành công cho HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế (tỉnh Bắc Giang), HTX Chăn nuôi gà Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh).
Được biết, dây chuyền có khả năng giết mổ từ 250 – 300 con vịt trời (có thể điều chỉnh năng suất trên dưới 20%) với chi phí đầu tư chỉ bằng 52% so với dây chuyền thiết bị nhập khẩu cùng quy mô. Mô hình cũng giúp các HTX có thể dễ dàng tiếp cận và đầu tư. Ông Giáp Quý Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế chia sẻ, sử dụng dây chuyền giết mổ này, HTX thấy chất lượng gà đạt chuẩn hơn, đáp ứng tiêu chuẩn để đưa vào nhiều siêu thị lớn trên cả nước. Ông Cường cũng mong muốn thời gian tới, sản phẩm gà đồi Yên Thế có thể được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Kết nối giúp tiến bộ khoa học đi vào thực tiễn
KHCN và đổi mới sáng tạo trong chăn nuôi cũng có sự tham gia mạnh mẽ cúa nhiều tập đoàn, công ty lớn. Điển hình như Công ty TNHH San Hà đã tiên phong xây dựng và phát triển thành công mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn với hàng chục hệ thống siêu thị, các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, cửa hàng tiện lợi. Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà cho rằng, với trình độ hiện nay, chỉ cần có con giống, quy trình thì người nông dân Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng sản xuất với các tiêu chuẩn cao.
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà, phát biểu.
Doanh nghiệp mong muốn các nhà khoa học, các viện nghiên cứu chú trọng hơn về truyền thông, để lan tỏa thông tin tới doanh nghiệp và người dân. “Thay vì phải mua 70.000 con giống hay gia súc, gia cầm từ nước ngoài, San Hà mong muốn nhà khoa học Việt Nam sản xuất được từ trong nước. Mua sản phẩm nước ngoài thì lại phụ thuộc vào nhà phân phối, điều này rất bất cập”, bà Hà nhấn mạnh.
Chủ trì Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã chia sẻ với doanh nghiệp, nhà khoa học về thị trường nông sản và con đường phát triển. Dẫn chứng hai câu nói: “Khoa học gặp gỡ cuộc sống” và “Khoa học bén rễ tới đâu, chuyển giao cho nông dân tới đó”, Bộ trưởng cho rằng, viện nghiên cứu chỉ đứng một mình thì không hiểu thị trường, khâu này cần doanh nghiệp. Do đó, hợp tác liên kết có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với chỉ một từ “vốn”. Hy vọng Diễn đàn là dịp để tất cả chúng ta ngồi với nhau nhìn về tương lai, tạo ra động lực.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ với doanh nghiệp và nhà khoa học tại Diễn đàn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nếu một sản phẩm có sự tham gia của nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương thì sẽ dễ dàng thuyết phục hơn nhiều. Tôi muốn khuyến khích các viện nghiên cứu về những giải pháp hữu ích. “Hãy nghĩ tới bà con nông dân, nghĩ cách để làm sao cho họ bớt vất vả. Các nhà khoa học hãy bước ra gặp gỡ nông dân, nghe họ nói chuyện thôi cũng có rất nhiều ý tưởng”, Bộ trưởng gợi mở thêm.
Nhiều sản phẩm, công nghệ, kết quả nghiên cứu nổi bật trong lĩnh vực chăn nuôi được giới thiệu tới các đại biểu.
Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra 8 lễ ký kết chuyển giao sản phẩm khoa học giữa các công ty và viện, trường. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, công nghệ, kết quả nghiên cứu nổi bật của các đơn vị. Nhiều thành tựu KHCN mới được giới thiệu như giống cây trồng, vật nuôi mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, 82 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích… có thể chuyển giao ngay cho doanh nghiệp và người dân.
Thùy Khánh
Bài và ảnh