Kiến thức Chăn nuôi

Kỹ thuật chăm sóc chim bồ câu non

Chim bồ câu dễ nuôi, ít bệnh và cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, chim bồ câu mới nở sức đề kháng kém, dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường nuôi, do đó khâu chăm sóc và nuôi dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Chuồng nuôi

Cần có độ thông thoáng, tránh được tiếng ồn, tiếng chó sủa, có độ cao vừa phải. Thông thường chuồng nuôi chim có độ cao 2 – 3 m, đảm bảo độ sạch sẽ và thông thoáng cho chim. Chuồng nuôi cần được thiết kế đảm bảo đủ ánh sáng để chim mẹ có thể ấp trứng tốt. Kích thước ô chuồng nên là: Rộng 50 cm, dài 60 cm, cao 50 cm. Trong mỗi ô chuồng có đầy đủ các thiết bị nuôi như máng ăn, máng uống, ổ đẻ. Ổ để chim đẻ trứng và ấp trứng có thể dùng 1 cái rổ nhựa đường kính 20 cm, chiều cao 5 cm. Khi chim ấp phải có 1 lớp rơm khô sạch lót ở dưới để cho chim đẻ và ấp trứng ở đó.

Chăm sóc

Giai đoạn mới nở đến 10 ngày tuổi: Khi chim non mới sinh ra, lúc đầu nên cho uống nước, khoảng 2 tiếng sau đó dùng Vitamin C hòa với đường glucose cho uống liên tục 3 – 5 ngày. Thời điểm này chim chủ yếu sống dựa vào chim bồ câu bố mẹ. Thức ăn, nước uống chủ yếu được nhận từ chim bố mẹ. Do đó, để chim non phát triển khỏe mạnh, người nuôi bổ sung thêm nhiều thức ăn dinh dưỡng cho chim bố mẹ kết hợp với cám gà để chim non phát triển và lớn nhanh hơn. Ðồng thời, tiêm phòng vaccine đúng lịch, phòng bệnh Newcastle bằng loại LASOTA hệ 1: Nhỏ 1 giọt vào mũi và 2 giọt vào miệng chim non. Tránh để các loài vật như chó, mèo, chuột, rắn lại gần khu vực chuồng chim non, không gian yên tĩnh, tránh ồn ào. Ðảm bảo chuồng trại được ấm áp khi mùa đông, mát mẻ khi mùa hè, tránh nước mưa hắt vào chuồng khiến chim bị lạnh.

Giai đoạn 20 – 30 ngày tuổi: Giai đoạn này chim bắt đầu mọc lông gần đầy đủ. Nhưng thức ăn vẫn được chim bố mẹ bón cho và đang học dần cách ăn. Chim được 10 – 15 ngày tuổi nên tách khỏi tổ đẻ đưa xuống tổ nuôi. Thời gian này, có thể cung cấp các thức ăn mềm như cám gà được bày bán ở các cửa hàng thức ăn gia cầm. Tránh để các loài vật như chó, mèo, chuột, rắn lại gần khu vực chuồng làm hại chim bồ câu non. Cho chim uống thêm các vaccine phòng bệnh gồm Gumboro, IB và các bệnh đường tiêu hóa.

Giai đoạn 40 – 60 ngày tuổi: Giai đoạn này chim bồ câu non đã được chuyển qua chuồng nuôi mới bắt đầu tự lập. Chuồng nuôi chim bồ câu non phải đảm bảo yếu tố yên tĩnh, thoáng mát, tránh nước mưa hắt vào, không đặt nơi có gió lùa, mùa đông cần che chắn chuồng cẩn thận tránh gió lạnh khiến chim bồ câu non bị cảm lạnh. Chuồng nuôi phải được quét dọn, vệ sinh sạch sẽ máng ăn, máng uống thường xuyên.

Thức ăn

Nhu cầu về dinh dưỡng tùy từng giai đoạn phát triển của chim. Thức ăn cho chim có thể dùng lúa, ngô, đậu xanh, thóc… Ngoài ra chim còn có thể tự tìm kiếm những thức ăn trong tự nhiên nếu không nuôi nhốt. Ngoài những loại thức ăn chuyên biệt, người nuôi có thể kết hợp bổ sung thêm cám con cò, bột ngũ cốc, hạt kê, hạt cao lương, gạo lứt để cung cấp thêm năng lượng cho chim phát triển trong giai đoạn ra ràng. Nên cho chim ăn vào giờ đã quy định để tạo thói quen, thông thường 1 ngày cho chim ăn 2 lần vào 8 – 9 giờ sáng, buổi chiều 14 – 15 giờ là tốt nhất.

Thức ăn cho chim bồ câu phải đảm bảo yêu cầu: Không bị ẩm mốc, mối mọt… Nếu các loại thức ăn xuất hiện nấm mốc, mùi lạ cần loại bỏ, không cho chim ăn tránh bị các bệnh về đường tiêu hóa. Các loại hạt phải sạch không có chất bảo quản.

Trong các loại chim, chim bồ câu là một trong những loài tiêu thụ nhiều nước. Một cặp chim tiêu thụ trung bình 200 ml nước/ngày, có lúc tăng lên 300 ml vào ngày nóng và ít nhất 150 ml vào lúc lạnh.

Phòng bệnh

Ngoài việc chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, cần bổ sung định kỳ các nguyên tố vi lương, đặc biệt là vitamin vào khẩu phần thức ăn. Sử dụng vaccine để phòng bệnh.

Hoàng Yến

Nguồn: tapchigiacam.com


Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.

Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.

    Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:

    – Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY

    – Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY

    – Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *