Chưa phân loại

Kỹ thuật nuôi hươu sao

Nuôi hươu sao lấy nhung đang là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi nhờ hươu dễ chăm sóc, ăn phàm, khả năng kháng bệnh tốt, cho thu hoạch bộ nhung có giá trị cao.

Vị trí chuồng nuôi

Chuồng phải đảm bảo các yếu tố sau đây:

– Chuồng nuôi phải cách nhà ở một khoảng hợp lý, tránh ô nhiễm, tiếng ồn.

– Phải đảm bảo kín về mùa đông, mát về mùa hè. Không nằm ở ngay nút giao lưu qua lại của người và các động vật khác thường gây ra tiếng động, mùi vị.

– Phải cao ráo, không có các loại cây thường xuyên rụng lá, rụng cành gây tiếng động tự nhiên (nếu đã có cây cối thì phải chặt ngay).

– Cần phải tạo ra một khoảng cách thích hợp giữa chỗ đi lại của con người, gia súc và chuồng, để không làm cho con vật sợ hãi khi có người hoặc vật nuôi xuất hiện…

Chuồng phải được xây dựng ở nơi cao ráo, thoáng mát. Hướng tốt nhất là hướng Nam hoặc Đông Nam để điều hòa được khí hậu của chuồng nuôi. Mái chuồng phải cao, thoáng, thiết kế có độ dốc. Tấm lợp có thể dùng ngói các loại, tôn hoặc fibrô xi măng… lót xốp hoặc rơm rạ lên mái chuồng để cách nhiệt.

Nền chuồng hươu phải có độ dốc từ 1 – 2% để thoát nước bẩn và phải cao hơn vùng đất xung quanh. Có thể làm nền  bằng đất nện, nền gạch, nền xi măng hay nền gỗ.

Khung chuồng cho hươu có chiều cao 1,8 – 2 m, được làm bằng các thanh gỗ có bản rộng, khoảng cách giữa các thanh khoảng 10 cm (hươu con), 13 cm (hươu trưởng thành). Có thể làm khung chuồng bằng lưới B 40 để tạo sự thông thoáng. Chuồng cần phải có hai cửa, một để người nuôi có thể ra vào vệ sinh và một để lùa hươu di chuyển giữa các ngăn. Vật liệu xây dựng chuồng nuôi hươu chủ yếu là gỗ.

Máng ăn, máng uống

Máng ăn và máng uống cho hươu nên làm bằng cao su để tránh bị vỡ. Máng ăn nên đặt ngang tầm với hươu để chúng dễ lấy thức ăn.

Máng uống không cần phải để cố định vì nhu cầu nước uống của hươu không lớn, chỉ khi nhiệt độ quá cao hoặc hươu ăn nhiều thức ăn khô thì mới cần bổ sung nước uống cho hươu.

Chọn hươu giống

Khi chọn giống cần phải biết rõ lý lịch hươu giống bố mẹ, bố mẹ của hươu giống phải khỏe mạnh, đặc biệt hươu bố phải cho nhung có số lượng lớn, ít nhất là từ 800 gram trở lên.

Hươu giống phải có ngoại hình cân đối, khỏe mạnh, mắt phải tinh nhanh, tai lúc nào cũng vểnh lên, lưng phải thẳng và bụng phải thon, 4 chân phải đều, không dị tật.

Thức ăn

Các loại thức ăn của hươu sao gồm:

Thức ăn xanh: chủ yếu là các loại cỏ, ngoài ra bà con có thể dùng các loại lá như mía, lá các cây có mủ, cà rốt, mít, ổi… cũng có thể dùng bèo để làm thức ăn xanh cho hươu. Cũng có thể sử dụng các loại thức ăn từ phế phẩm nông nghiệp như thân lá của cây đậu nành, đậu phộng, lá chuối… phơi khô để dành cho hươu ăn khi thiếu thức ăn xanh.

Thức ăn tinh: dùng cám gạo hoặc bột ngô, bột ngâm nước.

Ngoài những loại thức ăn trên, cũng có thể bổ sung thêm Vitamin A, D, E và khoảng 20 gr muối/ngày để hươu có thể sinh trưởng và phát triển tốt hơn.

Cho ăn: Đối với các loại lá trước khi cho ăn thì nên cắt ngắn khoảng 5 – 10 cm. Các thức ăn củ quả thì đem thái lát cắt mỏng nhỏ. Nguồn thức ăn xanh phải non, phải rửa sạch và để ráo nước, tránh để thức ăn quá ướt hoặc nhiễm bẩn.

Đối với thức ăn tinh, chỉ nên cho ăn vào lúc 13 – 14 giờ, không nên cho ăn vào khung giờ nào khác vì sẽ ảnh hưởng đến lượng thức ăn xanh.

Phải kiểm tra lượng thức ăn của hươu hàng ngày, quan sát phân hươu để biết hươu có ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng không. Nếu phân hươu có dạng viên bóng, cứng, dạng bầu dục tức là hươu ăn đủ chất. Nếu có dấu hiệu khác lạ thì cần điều chỉnh lại chế độ ăn cho hươu.

Chăm sóc

Cần rải một lớp trấu hoặc rơm rạ xuống nền chuồng để nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ. Tuổi phối giống lần đầu cho hươu là 24 tháng tuổi, tốt nhất là từ 3 – 9 năm tuổi. 1 con hươu sao giống có thể ghép đôi được tới 3, 4 con cái/năm. Thời gian phối giống từ tháng 4 đến tháng 10. Khoảng cách giữa các lần phối giống 10 – 15 ngày. Thời gian mang thai của hươu là 220 – 225 ngày. Trong thời gian hươu mang thai cần bổ sung thêm muối, vitamin và khoáng chất.

Nên thường xuyên tắm rửa cho hươu, trước đó phải vuốt ve để hươu làm quen và đỡ nhút nhát. Tắm từ đầu ra thân sau và xuống chân, tắm trong khoảng 5 – 10 phút. Nếu phát hiện có ký sinh trùng trên thân hươu thì phải bắt diệt liên tục, dùng Ivermactin với liều lượng 1 ml/7 kg hươu. Ngoài ra cũng cần dùng các loại thuốc sát trùng để  khử trùng chuồng trại định kỳ.

Khai thác nhung hươu

Hươu sao 14 – 15 tháng là đã có thể bắt đầu ra nhung trong thời gian hươu mọc nhung, nên bổ sung thức ăn tinh cho hươu với lượng khoảng 600 – 800 g/ngày.

Sau khi nhung mọc được 50 – 55 ngày thì thực hiện việc cắt nhung hươu.

Dụng cụ cắt nhung là cưa sắt đã khử trùng, cần phải có 4 – 5 người hỗ trợ trong quá trình cắt. Khi cắt, cần để thừa 1 cm ở chân nhung, để nhung tiếp tục mọc lên dễ dàng. Cắt xong phải dùng thuốc cầm máu và thuốc sát trùng cho hươu. Hươu đực có thể cho nhung khoảng 25 năm. Khối lượng 2 nhánh nhung hươu trung bình từ 500 – 800 g, khi thấy hươu bắt đầu cho nhung có khối lượng thấp độ khoảng 200 – 300 g thì nên dừng khai thác.

Phương Đông

Nguồn: nguoichannuoi.vn


Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.

Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.

    Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:

    – Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY

    – Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY

    – Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *