Kiến thức Chăn nuôiVịt

Kỹ thuật nuôi vịt thịt công nghiệp

Nuôi vịt thịt công nghiệp là phương thức chăn nuôi hiện đại, nuôi được quanh năm và có thể sản xuất quy mô lớn, tạo sản phẩm chất lượng cao.

Chuồng trại

Chọn nơi cao ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông và tránh gió lùa để dựng chuồng. Chuồng nuôi vịt cần có hệ thống thoát nước tốt. Bề mặt tường, trần và nền bằng gạch, bê tông, có láng xi măng bằng phẳng được lót bằng trấu hay rơm và tùy vào điều kiện chăn nuôi của mỗi nơi. Nền chuồng có độ dốc 7 – 100 để thuận tiện cho khâu dọn vệ sinh, tẩy uế. Mỗi chuồng cần có hiên rộng 1 – 1,5 m để tránh mưa, nắng, gió. Mái được lợp bằng tôn, ngói hoặc các vật liệu địa phương, cần có độ dốc khoảng 300 trở lên để nước mưa có thể thoát tốt, tránh dột.

Xây dựng chuồng phải có đầy đủ trang thiết bị chiếu sáng, thông gió và điều kiện phục vụ cho công tác vệ sinh phòng dịch, an toàn sinh học.

Tùy thuộc vào quy mô và nguồn tài chính mà người chăn nuôi có thể lựa chọn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố hay đơn giản sao cho phù hợp với nuôi vịt chuyên thịt ở các giai đoạn tuổi khác nhau.

Kiểu chuồng nuôi vịt phổ biến và phù hợp là hệ thồng chuồng mở (đây là kiểu chuồng không xây bịt kín xung quanh chuồng). Chuồng nuôi vịt có khung chuồng, tường xây bằng gạch hoặc có thể sử dụng các vật liệu như tre, gỗ, mái tôn hoặc ngói, lá để làm chuồng. Chuồng phải có diện tích sân chơi bằng 2 lần diện tích chuồng và liền với ao hồ. Diện tích ao hồ bằng 2 lần diện tích sân chơi để vịt tắm và vệ sinh lông.

Chuồng phải được dọn sạch sẽ và tẩy uế chuồng, sát trùng nền, tường, trần bằng thuốc sát trùng hoặc dung dịch formol 2%. Chất độn chuồng được sát trùng bằng dung dịch formol 2% và để trống chuồng 7 – 14 ngày.

Thiết bị

Rèm che: Dùng vải bạt, cót ép hoặc phên liếp che xung quanh chuồng nuôi để giữ nhiệt, tránh gió lùa và mưa bão (nhất là giai đoạn vịt con).

Máng ăn: Dùng máng ăn bằng tôn có kích thước 70 x 50 x 2,5 cm, sử dụng cho 70 – 100 con/máng. Từ tuần tuổi thứ 3 trở đi cho vịt ăn bằng máng tôn có kích thước 70 x 50 x 5 (cm) hoặc máng nhựa hình chữ nhật.

Máng uống: Giai đoạn 1- 2 tuần tuổi, sử dụng máng uống tròn loại 2 lít; giai đoạn 3 – 8 tuần tuổi, sử dụng máng uống tròn loại 5 lít, dùng cho 30 – 40 con/máng. Có thể sử dụng máng nhựa hình chữ nhật, máng tôn, chậu sành, chậu nhựa có kích cỡ phù hợp với độ tuổi của vịt.

Chụp sưởi: Có thể dùng hệ thống lò sưởi hoặc bóng điện đảm bảo cung cấp đủ nhiệt cho vịt con. Dùng bóng điện 75 W/quây (60 – 70 vịt). Mùa đông 2 bóng/quây.

Quây vịt: Dùng cót ép quây, chiều cao 0,4 – 0,5 m, dài 4 – 4,5 m; sử dụng cho 60 – 70 con/quây, từ ngày thứ 7 nới dần diện tích quây. Từ cuối tuần thứ 2, bỏ quây để cho vịt vận động, ăn uống được thoải mái.

Con giống

Người nuôi có thể chọn nhiều loại giống vịt khác nhau để chăn nuôi như: Vịt trời giống, vịt C.V. Super M siêu thịt, vịt Anh Đào… Vịt con đạt tiêu chuẩn là khi mới nở rốn khô, lông mượt, chân mỏ bóng, nhanh nhẹn, có thể trọng từ 45 g trở lên, loại bỏ con dị tật hở rốn…

Mật độ

Tùy điều kiện chăn nuôi, mùa vụ và khí hậu cụ thể có thể quyết định diện tích chuồng nuôi, mật độ nuôi thích hợp để vịt sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế lây nhiễm bệnh tật. Vịt 0 – 2 tuần tuổi: 22 con/m2; vịt 2 – 3 tuần tuổi: 12 con/m2; vịt 4 – 6 tuần tuổi: 6 – 8 con/m2; vịt 7 – 8 tuần tuổi: 4 – 5 con/m2.

Quản lý, chăm sóc

Trước khi bắt vịt về, chuồng phải được sưởi ấm trước đó 3 – 5 tiếng đồng hồ. Sau khi vịt nở 12 tiếng đồng hồ nên cho vịt uống nước sôi để nguội.

Nhiệt độ chuồng nuôi: Vịt 1 – 3 ngày tuổi, nhiệt độ yêu cầu 36 – 380C; từ ngày thứ 4 mỗi ngày giảm 10C cho đến khi đạt nhiệt độ chuồng là 20oC.

Độ ẩm duy trì khô ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông.

Chế độ chiếu sáng: 2 tuần đầu duy trì chế độ chiếu sáng 24/24 giờ, sau đó giảm xuống 18/24 giờ. Cường độ ánh sáng: Với vịt 1 – 10 ngày 2 W/m2 (bóng đèn tròn); trên 10 ngày 0,5 W/m2 (bóng đèn tuýp). Ban ngày dùng ánh sáng tự nhiên, ban đêm thắp đèn.

Nước uống

Cần phải cho vịt uống nước sạch. Trong 7 ngày đầu dùng máng uống 2 lít sau đó dùng máng 5 lít. Nuôi vịt thịt cho ăn tự do nên lượng nước uống cũng phải cung cấp nhiều (thường gấp 2 lần so với lượng thức ăn), do vậy từ 5 tuần trở đi có thể cho uống bằng máng xây ngoài sân chơi, hoặc máng nhựa hình chữ nhật. Máng uống phải dễ cọ rửa, làm vệ sinh, vịt uống được nhưng không tắm được.

Thức ăn

Nên cho vịt ăn thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh dưới dạng bột. Phải đảm bảo thức ăn luôn mới, thơm, không bị mốc mọt. Thức ăn phải cân đối về thành phần giá trị dinh dưỡng để đáp ứng đủ nhu cầu sinh trưởng và phát triển của vịt trong từng giai đoạn. Ngoài ra, cần phải bổ sung thêm bổ dung thêm vitamin và khoáng vi lượng đầy đủ.

Chăm sóc

Vì vịt có sở thích sục nước, đi phân lỏng, té nước lên chất độn chuồng, khi chất độn này bị ẩm ướt vịt con sẽ dễ bị cảm lạnh. Đồng thời tạo điều kiện cho nấm mốc, ký sinh, giun sán, vi khuẩn phát triển gây bệnh cho đàn vịt. Chính vì vậy, cần thường xuyên thay chất độn chuồng khô cho vịt để phòng bệnh, giúp vịt sinh trưởng nhanh, khỏe mạnh.

Trước cửa chuồng nuôi cần phải có hố khử trùng để thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng trừ dịch bệnh cho đàn vịt.

Mỗi chuồng nuôi, bà con chỉ nên nuôi một loại vịt cùng lứa. Nếu không cùng lứa thì chỉ nên nuôi 2 lứa cách nhau 2 – 5 ngày.

Chuồng nuôi cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ.

Cách ly và loại bỏ những con ốm yếu, bệnh tật ra khỏi khu vực chăn nuôi và có biện pháp xử lý, tiêu hủy đúng quy định để không làm ảnh hưởng đến cả đàn.

Tuân thủ lịch tiêm phòng vaccine cho vịt.

Xuất bán

Thời điểm xuất bán phụ thuộc vào từng giống vịt. Thường các giống vịt siêu thịt nuôi trong khoảng 45 – 50 ngày là có thể xuất bán. Các giống vịt khác thường có thời gian xuất bán muộn hơn như vịt cỏ là khoảng 75 ngày, vịt bầu là khoảng 60 ngày, vịt biển khoảng 55 ngày.

Cần phải có kho bảo quản thức ăn, đặc biệt là các loại hạt ngũ cốc và phụ phẩm của chúng vì nguồn thức ăn này rất dễ bị ẩm mốc, khi bị mốc sẽ sản sinh ra độc tố Mycotoxin. Đây là mối nguy hại lớn ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn vịt và cả người tiêu dùng.

Thái Thuận

Nguồn: Tapchigiacam.vn


Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.

Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.

    Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:

    – Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY

    – Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY

    – Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *