Kỹ thuật úm vịt con vào mùa hè
Vào mùa hè khi có nhiệt độ cao, nóng bức, yêu cầu về kỹ thuật trong úm vịt con cũng có nhiều điểm cần lưu ý. Bởi khâu úm vịt con đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tỷ lệ sống cao, giúp vịt mau lớn, ít bị bệnh.
1. Ðiểm khác biệt
– Ðể úm vịt con vào mùa hè, người nuôi vẫn cần phải tuân thủ đúng và đầy đủ các quy trình úm vịt con mới nở với các điều kiện về chuồng úm, hồ tắm, nhiệt độ úm, thời gian chiếu sáng, mật độ, thức ăn nước uống cũng như quy trình phòng bệnh cho vịt con.
– Ðiểm khác biệt ở đây là vào mùa hè có nhiệt độ môi trường cao hơn các mùa khác trong năm. Chính vì thế, khi úm vịt sự thông thoáng là rất cần thiết. Ở những thời điểm nhiệt độ cao, không cần dùng đèn úm mà chỉ cần thắp sáng đèn để đảm bảo thời gian chiếu sáng cho vịt.
– Về chế độ tắm vịt, khi vịt con úm được 4 ngày có thể cho vịt đi tắm. Lần đầu cho vịt tắm khoảng 30 – 60 phút để vịt quen với nước. Những lần sau có thể cho thời gian tắm lâu hơn. Vào mùa hè, có một số trại cho vịt con tắm cả ngày, ban đêm mới cho vịt vào chuồng úm. Ðiều này giúp cho vịt con không bị nóng vào ban ngày và cứng cáp hơn.
2. Chọn vịt con mới nở
– Chọn những con vịt con nhanh nhẹn khỏe mạnh, mắt tinh nhanh, bụng mềm, lông có màu đặc trưng của giống, lông bông và xốp.
– Loại bỏ những con yếu ớt, bị bệnh khô chân, khoèo chân, hở rốn, bết lông, bụng cứng. Nếu chọn vịt nuôi sinh sản thì trước khi đưa vào úm, cần phân loại vịt đực – vịt cái sau đó nuôi ghép với tỉ lệ1 trống – 5 mái.
3. Chuồng úm
– Với nuôi vịt công nghiệp, cần có khu vực úm riêng biệt vịt con, tách biệt với vịt nuôi thương phẩm. Lồng úm nên hàn bằng sắt, có lưới phía dưới để đảm bảo vịt thoáng và dễ dàng vệ sinh cho vịt.
– Nếu là hộ gia đình chăn nuôi nhỏ có thể úm vịt dưới nền đất, nhưng cần trải rơm khô hoặc trấu khô dưới nền. Khu vực chuồng úm cần kín đáo, không bị gió lùa, có hệ thống thông khí chủ động. Trong chuồng và lồng úm cần rải lớp lót độn chuồng bằng mùn cưa, vỏ trấu… để giữ ẩm, đảm bảo lồng khô thoáng, không bị ẩm ướt. Chất độn cần được phơi khô, khử trùng bằng formol và thuốc tím với liều lượng lần lượt: 36 g – 18 g hòa với 100 lít nước.
– Trước khi thả chất độn chuồng và vịt con, người nuôi nên rửa sạch nền, tường, tẩy trùng bằng vôi bột hoặc xông formol, thuốc tím. Ðồng thời dọn dẹp xung quanh chuồng, đề phòng chim chóc, rắn, chuột…
4. Mật độ nuôi vịt con
Tuần thứ nhất: 28 – 32 con/m2
Tuần thứ hai: 26 – 28 con/m2
Tuần thứ ba: 15 – 18 con/m2
Tuần thứ tư trở đi: 8 – 10 con/m2
5. Nhiệt độ chuồng nuôi
– Ðảm bảo nhiệt độ thích hợp cho quây úm, nhiệt độ quá cao sẽ khiến vịt nóng bức, quá thấp sẽ dễ mắc các bệnh hô hấp. Nhiệt độ thích hợp thông thường khi bắt đầu úm là 32 – 340C, sau mỗi một tuần thì giảm đi khoảng 20C.
– Người nuôi cần quan sát trạng thái sinh lý phân bố đàn trong quây để điều chỉnh nhiệt độ cho hợp lý: Nếu vịt con tản đều khắp nơi trong quây úm, vịt chạy nhanh nhẹn, ăn uống tốt, khỏe mạnh là thùng úm đủ nhiệt độ. Vịt tụ tập số lượng nhiều và chồng lên nhau vào gần bóng đèn là thiếu nhiệt độ trong thùng úm. Nếu nhiệt độ cao quá, vịt tản ra và tụ tập gần góc tường quây chuồng úm.
6. Ẩm độ không khí
– Ẩm độ thích hợp nhất cho vịt con là 60 – 70%, vào mùa mưa độ ẩm trong không khí rất cao 80 – 90%, nhiều lúc lên tới 100%, ẩm độ cao, chuồng ướt, dễ gây cho vịt con cảm, nhiễm bệnh rất nguy hiểm. Khi độ ẩm cao cần hạ thấp mật độ vịt con/m2 nền chuồng, đảo và cho thêm chất độn khô hàng ngày để giữ cho vịt được ấm chân và sạch lông.
7. Chế độ chiếu sáng
– Vịt con từ 1 – 2 tuần tuổi: Yêu cầu chiếu sáng 24/24 giờ để kích thích chúng ăn nhiều, mau lớn, hoàn thiện hệ tiêu hóa.
– Vịt con từ 3 – 4 tuần tuổi: Yêu cầu chiếu sáng 16 – 18 giờ để chúng có thời gian nghỉ ngơi.
– Vịt con từ 4 tuần tuổi trở đi: Sử dụng ánh sáng tự nhiên.
8. Cung cấp nước uống
– Cần cung cấp đầy đủ nước cho đàn vịt con. Nguồn nước uống sạch sẽ, không nhiễm độc, không bẩn. Nước uống không được lạnh dưới 120C và nóng trên 300C. Thời gian đầu nên hòa thêm vitamin vào nước cho vịt con.
– Trong 7 ngày đầu nuôi dưỡng, nên sử dụng máng chụp tự động cho vịt uống nước để nước không bị tràn ra chuồng nuôi. Trung bình cứ 100 con vịt con dùng 1 máng chụp có kích thước đường kính 30 cm, cao 30 cm, hoặc dùng loại đường kính 25 cm, cao 35 cm.
9. Thức ăn cho vịt con mới nở
– Giai đoạn 1 – 3 ngày tuổi: Giai đoạn này cho vịt con tập ăn bằng bột ngô hoặc tấm gạo, cho vịt con uống nước có pha B complex, Vmevit elextrolyte. Từ ngày thứ 2 có thể cho vịt con ăn cám hỗn hợp dành riêng cho vit con mới nở. Trong giai đoạn này cần cung cấp nước sạch đầy đủ cho vịt con.
– Vịt con từ 4 – 10 ngày tuổi: Khi nuôi vịt con có thể tập cho vịt con ăn thêm rau xanh trộn với cơm nấu chín. Bổ sung thêm chất tanh như bột tôm hay bột cá. Tuy nhiên bột tôm, cá có lượng muối khá cao cần trộn vừa phải không quá nhiều tránh ngộ độc muối.
– Vịt con từ 11 – 20 ngày tuổi: Cho vịt con ăn cám hỗn hợp. Trong giai đoạn này vịt con cần bổ sung thêm chất tanh như cá, ốc, hến, cua… có thể thả vịt ra ao hồ, đồng, vịt có thể tự kiếm thêm thức ăn. Khi vịt con được 20 ngày tuổi trở đi có thể cho vịt ăn thêm thóc.
10. Phòng bệnh
Thực hiện đúng lịch phòng bệnh và tiêm phòng bệnh cho đàn vịt, đặc biệt là thời điểm đang có dịch hoành hành trong khu vực, địa phương./.
Nguồn:Tạp chí gia cầm
Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.
Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:
– Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY
– Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY
– Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY