Thị trường

Lực cản trong chăn nuôi và xuất khẩu

(Thế Giới Gia Cầm) – Ngành chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng những năm gần đây phát triển mạnh, nhưng điểm yếu lớn nhất là xuất khẩu sản phẩm rất hạn chế. Nguyên nhân cơ bản là do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, các quy định, quy chuẩn về vệ sinh thú y chưa đạt theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới. Điều cốt lõi là ở Việt Nam vẫn còn nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên động vật.

Quá nhiều rào cản

Theo số liệu của Cục Thú y, trong 10 tháng năm 2023, về cơ bản các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt. So với năm 2022, bệnh cúm gia cầm có số ổ dịch giảm 54% và số gia cầm chết, tiêu hủy giảm 63%. 

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, mặc dù dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng nguy cơ luôn hiện hữu. Một trong những nguyên nhân là địa phương, người dân còn chủ quan trong tiêm phòng vaccine. Ngành chăn nuôi gia cầm tăng trưởng tương đối cao nhưng kém bền vững, vẫn còn một số bất cập như tỷ suất lợi nhuận giảm dần, giá thành sản xuất cao, dịch bệnh diễn biến phức tạp…

Chưa kể, sản xuất trong nước gặp khó khăn khi phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm nhập khẩu giá rẻ. Nhiều sản phẩm chăn nuôi gia cầm không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn được “tuồn” vào nước ta qua đường tiểu ngạch. Theo báo cáo, một số địa phương trọng điểm đã phát hiện số lượng lớn vụ buôn bán, vận chuyển, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật lậu như: tỉnh Lạng Sơn phát hiện 31 vụ, Quảng Ninh có 41 vụ, Cao Bằng có 59 vụ, Long An có 5 vụ… Số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) cho thấy, mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu vào nước ta khiến việc kiểm soát dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Đông Nam bộ, bày tỏ trăn trở ngành chăn nuôi gia cầm trong nước vẫn còn nhiều rào cản khác, không chỉ là rào cản về kỹ thuật, về an toàn vệ sinh thực phẩm, mà vấn đề còn nằm ở khâu quản lý và quy hoạch chăn nuôi. Ngoài ra, việc cấp phép tràn lan, chồng lấn cũng tạo nên sự lộn xộn nhất định ở các vùng chăn nuôi. 

xuất khẩu gia cầm

Ảnh: istock

Hóa giải lực cản

Để ngành gia cầm Việt Nam vượt qua khó khăn trước mắt và phát triển bền vững, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA, kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm. Rà soát, cắt giảm một số phí, thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí sản xuất. Xây dựng và triển khai chương trình trọng điểm xuất khẩu gia cầm… 

Nhằm giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 889/TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật để thúc đẩy xuất khẩu, giai đoạn 2023 – 2030. 

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành 6 chương trình kế hoạch về 6 dịch bệnh trọng điểm của ngành chăn nuôi tại Việt Nam. Các địa phương cần bám sát vào chương trình, rà soát lại đàn vật nuôi để có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là tiêm phòng cho vật nuôi kịp thời, tiêm bổ sung với vật nuôi sắp hết hiệu lực. 

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang rà soát lại chiến lược phát triển gia cầm trong trung và dài hạn, chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả hơn là tăng “nóng” về số lượng; thúc đẩy chăn nuôi gia cầm theo phương thức công nghiệp, áp dụng công nghệ cao; xây dựng ngành hàng gia cầm theo các chuỗi liên kết; hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi gia cầm theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, các chi phí trong chuỗi sản xuất thức ăn chăn nuôi… 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, văn bản quy phạm pháp luật đã đầy đủ. Điều quan trọng hiện nay là thực hiện đúng Công điện số 426/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Đông Nam bộ: Ở những nước phát triển, các trang trại thường độc lập, cách xa nhau để tạo nên một vùng an toàn dịch. Ở nước ta, cơ quan quản lý lại “dồn” các trang trại về một chỗ với cái tên “khu chăn nuôi tập trung”. Điều này đi ngược lại cách làm của thế giới.

Bích Hòa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *