Mỹ: Bốn yếu tố tác động tiêu dùng thịt gia cầm 2024
(Thế Giới Gia Cầm) – Các thị trường phương tây chủ yếu tiêu thụ thịt gia cầm qua dịch vụ ẩm thực. Tuy nhiên, sự lớn mạnh của kênh tiêu thụ này sẽ kéo theo nhiều cơ hội và thách thức mới cho ngành hàng gia cầm trong năm tới.
Theo David Maloni, Giám đốc công ty phân tích dữ liệu ngành dịch vụ ẩm thực cho biết, kênh dịch vụ ẩm thực sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho ngành hàng thịt gia cầm trong năm 2024. Tại hội nghị Chicken Marketing Summit 2023, ông David Maloni trích dẫn số liệu doanh số mặt hàng gia cầm tại kênh dịch vụ ẩm thực đang tăng, chiếm 12% tổng doanh số bán lẻ tại Mỹ. Theo chuyên gia này, ngành dịch vụ ẩm thực đang mở rộng hơn sau COVID-19 và các hãng kinh doanh gia cầm cần lưu ý 4 yếu tố dưới đây để nắm bắt cơ hội từ kênh tiêu thụ tiềm năng này.
Giá thịt bò đắt
Hạn hán ở Texas, bang sản xuất thịt bò lớn nhất nước Mỹ, đã làm giảm số lượng đàn bò của bang này xuống mức thấp kỷ lục, dẫn tới sản lượng thịt bò giảm và giá tăng vọt. Theo Maloni, sản lượng thịt bò của Mỹ đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1952 và khó có khả năng phục hồi trở lại.
Tuy nhiên, giá thịt bò đắt chính là cơ hội vàng cho thịt gia cầm tăng thị phần và trở thành lựa chọn lý tưởng cho các kênh dịch vụ ẩm thực. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, tổng đàn gia súc của nước này sẽ tăng vào năm 2025, nhưng thời gian chăn nuôi gia súc và sản xuất thịt bò vẫn lâu hơn so với thịt gà. Theo Maloni, ngành công nghiệp thịt gà đang nắm cơ hội “thế chỗ” ngành thịt bò và hưởng toàn bộ lợi ích của ngành hàng này trong vòng 1 đến 2 năm tới.
Từ năm 2019 đến 2023, chi phí sản xuất một chiếc bánh hamburger tại Mỹ đã tăng 39%, và dự kiến tăng thêm 6% vào năm 2024. Trong khi đó, giá ức gà, cánh và lườn gà lần lượt tăng 19%, 43% và 4%. USDA cũng dự báo tổng sản lượng thịt bình quân giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2018, ngoại trừ thịt gia cầm.
Thiếu lao động
Tình trạng thiếu lao động hậu COVID-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề và các nhà sản xuất buộc phải đổi mới hoạt động để duy trì năng suất. Theo quan điểm của Maloni, giải quyết trực tiếp vấn đề lao động, ví dụ như tuyển thêm người, không phải là giải pháp tốt nhất. Những vấn đề nan giải liên quan đến lao động diễn ra trong toàn bộ chuỗi cung ứng chứ không riêng mắt xích nào. Do đó, nhà sản xuất, đặc biệt là người đứng đầu cần tối ưu hóa lực lượng lao động hiện có bằng cách tập trung sản xuất sản phẩm ít tốn thời gian và công sức hơn. Chính xu hướng này sẽ thúc đẩy các hãng gia cầm chuyển sang sản phẩm nhanh và tiện như gia cầm nấu sẵn, tẩm ướp và dễ chế biến.
Không giảm giá bán lẻ
Để thu hút khách hàng, nhiều nhà hàng đã lựa chọn giải pháp tăng khẩu phần, thay vì giảm giá để mang lại giá trị tốt hơn. Ngoài cách này, nhiều kênh dịch vụ ẩm thực lựa chọn chương trình quảng cáo ưu đãi, khuyến mãi và giảm giá có giới hạn để tăng lượng khách hàng; đồng thời tận dụng các món trong menu hiện có thay vì tạo món mới.
Quản lý dữ liệu
Các hãng sản xuất, chăn nuôi đều có xu hướng sử dụng công cụ phân tích dữ liệu trước khi đưa ra quyết định hoặc để vận hành doanh nghiệp hiệu quả hơn. Nguồn dữ liệu được thu thập từ người tiêu dùng, cửa hàng, và kênh phân phối.
Dữ liệu giúp vận hành doanh nghiệp thông suốt, đồng thời cải thiện chuỗi cung ứng của nhà cung cấp và phân phối. Nếu không sử dụng dữ liệu, chuỗi cung ứng không thể theo kịp tốc độ sản xuất và có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng và lợi nhuận. Theo Maloni, ngành gia cầm Mỹ đang phát triển theo mô hình chuỗi bền vững, tức là mọi mắt xích trong chuỗi đó đều có lợi nhuận.
Tuấn Minh
Theo USPOULTRY