Chưa phân loại

Ong mật và những điều thú vị về chúng

Ong mật là loài ong có khả năng sản xuất mật. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu sự đa dạng cũng như các đặc tính, thói quen làm tổ, quá trình hút mật… của các loài ong và đặc biệt là các loài ong mật này nhé.

  1. Thành phần đàn ong

Ong mật (Apis) thuộc chi ong mật, họ Ong mật (Apidae), bộ Cánh màng (Hymenoptera). Bao gồm những loài ong có đời sống xã hội và có bản năng sản xuất mật.

Ong mật sống thành đàn, trong đàn có ong chúa, ong đực và ong thợ.

a. Ong chúa

Bình thường, mỗi đàn ong chỉ có một con ong chúa. Ong chúa có hình dạng lớn nhất trong đàn: có thân dài 20 – 25 mm, dáng cân đối, bụng thon dài, cánh ngắn, kim châm ngắn. Ong chúa mới đẻ có lớp lông tơ nhiều, mịn, bò nhanh nhẹn.

Khi ong chia đàn, ong chúa già đẻ kém, mất chúa thì ong chúa có thể chủ động đẻ trứng, thụ tinh để nở thành ong thợ hoặc trứng không thụ tinh để trở thành ong đực.

Ong chúa là cá thể duy nhất có khả năng sinh sản để duy trì bầy đàn và điều tiết hoạt động của đàn ong. Tuyến nước bọt của ong chúa chứa các chất hoá học mà khi “được bức xạ” vào không gian của loài ong, các chất này sẽ truyền thông tin đến từng con ong và mệnh lệnh sẽ được chấp hành triệt để. Thành phần các chất hoá học trong tuyến nước bọt vô cùng phức tạp. Hiện nay mới chỉ phân tích được khoảng trên 30 trong số đó. Nếu tuyến nước bọt của ong chúa vì lý do nào đó bị ngừng hoạt động thì mọi quyền lực của nó cùng tự nhiên biến mất.

b. Ong đực

Ong đực có thân dài 15 – 17 mm, không có ngòi châm, cánh lớn và có màu đen, làm nhiệm vụ duy nhất là giao phối với ong chúa.

Thời gian sống của ong đực trong khoảng 50 – 60 ngày. Sau khi giao phối xong, ong đực sẽ bị chết hoặc khi thiếu thức ăn thì chúng bị ong thợ đuổi ra ngoài, chết đói.

c. Ong thợ

Đây là nhóm ong có số lượng đông nhất trong đàn. Ong thợ là những con ong cái nhưng có bộ phận sinh dục bị thoái hoá, không có khả năng thụ tinh.

Ong thợ làm tất cả mọi công việc của đàn ong như bảo vệ tổ, sản xuất sữa chúa để nuôi ấu trùng ong, hút mật hoa để tạo thành mật ong

Ong thợ chỉ sống kéo dài trong khoảng 5 – 8 tuần. Khi phải nuôi nhiều ấu trùng, lấy mật nhiều thì tuổi thọ cũng bị giảm đi và ngược lại.

Một số ong thợ có nhiệm vụ trinh sát, bay tìm nguồn mật, phấn hoa và thông báo cho các ong thợ thu hoạch biết đến hút mật. Sau đó ong tiếp nhận sẽ tiết thêm men vào mật, quạt gió và chuyển dần mật từ các lỗ tổ ở phía dưới lên phía trên của tổ ong.

2. Các loài ong mật

Có rất nhiều loại ong mật khác nhau, chúng ta có thể kể tới các loài thường gặp nhất.

a. Ong Italia (A. mellifera)

Hay còn gọi là ong châu Âu vì phân bố chủ yếu ở châu Âu. Chúng có nhiều chủng khác nhau và hiện đã được di nhập, thuần hoá ở nhiều nước châu Á. Ong mật châu Âu chiếm hơn 70% số đàn ong mật được nuôi thương mại ở Việt Nam.

b. Ong châu Á (A. cerana) hay còn gọi là ong địa phương

Đây là loài ong có cơ thể nhỏ hơn ong Châu Âu, với các chủng như A. cerana japonica, A. cerana sinensis và A. cerana indica. Chúng phân bố chủ yêu ở khu vực Nam, Đông Nam Á và Đông Á. Kích thước bầy ong cũng tương đối nhỏ, chỉ khoảng 6,000 – 7,000 cá thể.

Loài ong này xây tổ bằng nhiều lược ong trong các bọng cây, hốc cây có lối vào kín đáo. Có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu bất lợi và sống sót sau những biến động khắc nghiệt của thời tiết và mưa kéo dài. Chúng cũng là loài có khả năng sống sót ở nhiệt độ thấp có thể gây chết ở các loài ong khác như ong mật châu Âu.

c. Ong khoái (A. dorsata)

Ong khoái hay còn gọi là ong khổng lồ. Chúng có kích thước lớn, chiều dài của một con ong thợ trung bình khoảng 17 – 20 mm.

Đây là loài phổ biến ở khu vực phía Nam và Đông Nam Á và chưa được thuần hoá. Mặc dù loài ong này không được nuôi để thụ phấn cho cây trồng nhưng rất nhiều cây trồng ở Đông Nam Á phụ thuộc vào hoạt động thụ phấn của loài ong này như: cây bông gòn, xoài, dừa, cà phê…

Ong khoái có mặt ở khắp Việt Nam ngoại trừ lưu vực đồng bằng sông Hồng.

Màu sắc của ong khoái khá giống với ong mật châu Âu với các dải màu vàng, đen và nhợt nhạt trên bụng, lông ngực.

Ong khoái xây dựng các tổ mở ngoài trời, treo dưới cành cây lớn hoặc dưới vách đá và có thể ở trên các toà nhà. Tổ đa phần có hình nón với các kích thước khác nhau. Chỉ có một bánh tổ lớn duy nhất có chiều dài lên tới 150 cm, cao 70 cm. Hai mặt tổ được phủ kín bởi 100,000 con ong thợ với nhiều lớp chồng lên nhau, tạo thành một hàng rào bảo vệ trứng ong ở bên trong.

Ong khoái có thể tập hợp với nhau thành một tổ hợp dày đặc có thể lên đến 200 tổ trên một cây. Đây là loài ong cho năng suất mật cao. Trong khoảng 3 – 4 tuần sau khi xây tổ, mỗi bầy ong có thể thu hoạch được 4 – 6 kg mật.

Ong khoái rất hung dữ, khi tổ bị quấy phá thì cả đàn sẽ hợp lực tấn công lại.

Nguồn: matonglucngan


Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.

Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.

    Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:

    – Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY

    – Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY

    – Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *