Phát hiện sớm hiện tượng heo cắn đuôi nhau bằng công nghệ hình ảnh
Các camera 3D đặt phía trên chuồng heo có thể tự động phát hiện những thay đổi tư thế của đuôi heo, và hoạt động như một hệ thống cảnh báo sớm để báo hiệu cho người nuôi trước khi xảy ra hiện tượng heo cắn đuôi nhau hàng loạt.
Cảnh báo điều “không thể dự đoán”
Một trong nhiều thách thức liên quan đến hành vi cắn đuôi nhau trong chăn nuôi heo tập trung chính là hiện tượng này xảy ra đồng loạt một cách bất ngờ và không thể dự báo trước được. Cắt đuôi heo trước khi chúng 7 ngày tuổi là một trong những phương pháp được sử dụng rộng rãi để giảm nguy cơ cắn đuôi sau này.
Tuy nhiên, từ hơn 25 năm trước, châu Âu đã ban hành lệnh cấm các trang trại không sử dụng phương pháp cắt đuôi heo định kỳ theo luật chăn nuôi sửa đổi năm 1994. Dù vậy, vẫn có hơn 70% tổng đàn heo trên toàn châu Âu bị cắt đuôi mỗi năm. Người chăn nuôi vẫn lưỡng lự tuân thủ quy định vì để lại đuôi heo thì nguy cơ chúng cắn đuôi nhau còn cao hơn rất nhiều, vì hiện tượng này không thể dự báo trước được. Nhưng một nghiên cứu gần đây đã mở ra hy vọng cho người chăn nuôi khi khẳng định heo sẽ thay đổi hành vi, tập tính trước khi tình trạng cắn đuôi đồng loạt xảy ra.
Dấu hiệu cảnh báo sớm
Nghiên cứu của các chuyên gia tại Cao đẳng Nông thôn Scotland (SRUC) tập trung vào những thay đổi tư thế của đuôi heo – những dấu hiệu tiềm năng để phát hiện tình trạng con vật cắn đuôi nhau. Các video của nhóm đã ghi chép lại những con heo ở giai đoạn nuôi tăng trưởng suốt 24 giờ/ngày từ lúc cai sữa đến khi nuôi vỗ béo để liên tục quan sát những thay đổi về tư thế đuôi của chúng. 23 nhóm heo khác nhau (xấp xỉ 27 con heo/nhóm) được nuôi với phần đuôi nguyên vẹn trong điều kiện nuôi tập trung.
Có 15 nhóm xảy ra hiện tượng heo cắn đuôi nhau, 8 nhóm không có hiện tượng này. Những nhóm heo cắn đuôi nhau có tư thế đuôi bị thay đổi. Cụ thể, đuôi heo có độ cong ít hơn, thấp hơn và cụp hơn những con heo ở nhóm không cắn đuôi nhau. Có sự thay đổi đáng kể về tư thế của đuôi vào tuần trước khi xảy ra hiện tượng cắn đuôi. Cụ thể, ở nhóm heo cắn đuôi, có 15% đuôi heo cụp lại 7 ngày trước khi bùng phát hiện tượng cắn đuôi; 25% đuôi heo cụp lại chỉ 1 ngày trước khi xảy ra hiện tượng cắn đuôi. Điều này cho thấy tư thế của đuôi heo chính là dấu hiệu cảnh báo sớm tình trạng heo cắn đuôi nhau, nhưng quan sát tư thế đuôi heo tại trang trại liệu có dễ dàng luôn là câu hỏi mà người chăn nuôi thắc mắc.
Tự động hóa
Công cụ chăn nuôi chính xác (PLF) sử dụng rất nhiêu công nghệ cảm biến để chụp và lưu giữ hình ảnh của cá thể, nhóm vật nuôi hoặc chuồng nuôi. Sau đó, sẽ dùng thuật toán để diễn giải dữ liệu thành thông tin có giá trị cho người nuôi như những chỉ số tăng trưởng, sức khỏe và phúc lợi. Bằng cách liên tục chụp lại thông tin về từng cá thể hoặc nhóm vật nuôi, thuật toán có thể phát hiện thời điểm xuất hiện những thay đổi từ những hành vi thông thường.
Nhóm nghiên cứu tại SRUC đã sử dụng camera 3D (công nghệ cảm biến time-of-flight) để tự động theo dõi và ghi chép lại đuôi heo cụp thấp hay cao. Công nghệ này từng được sử dụng để đo trọng lượng heo, nhưng để phát hiện tư thế đuôi heo thì còn cần đến thuật toán. Thuật toán nếu áp dụng với video 2D cũng có thể phát hiện tư thế đuôi heo với độ chính xác 74%. Theo nhóm chuyên gia, công nghệ camera 3D vẫn ưu việt hơn, và có thể tự động phát hiện sự khác thường của tư thế đuôi heo chính xác hơn.
Một cuộc khảo sát tại các trại nuôi heo quy mô lớn ở Hà Lan cho thấy người nuôi heo ở những trại rất lớn chỉ có 5 giây/ngày/heo để giám sát chúng trong giai đoạn vỗ béo. Những trại nuôi quy mô lớn hơn (10.000 heo), người nuôi chỉ dành ra trung bình dưới 1 giây/ngày để giám sát heo (Đại học HAS). Do đó, người nuôi khó phát hiện được sự thay đổi đuôi heo. Tuy nhiên, công cụ chăn nuôi chính xác (PLF) thì hoàn toàn có khả năng tự động phát hiện sự biến đổi hành vi đuôi heo một cách liên tục. |