Phòng dịch bệnh cho heo vào mùa đông
Mùa đông với đặc trưng là nền nhiệt độ thấp, dao động nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm khá lớn, độ ẩm không khí giảm, trời khô hanh khiến sức khỏe của heo bị suy giảm do phải tiêu hao nhiều năng lượng cho việc chống lạnh. Mặt khác, trong khi da khô, niêm mạc dễ bị tổn thương, mầm bệnh dễ xâm nhập và đồng thời Mùa đông cũng là mùa có thời tiết thuận lợi cho sự tồn tại và phát triển của nhiều loại mầm bệnh trong môi trường như Cúm, Tụ huyết trùng, Dịch tả, Lỡ Mồm Long Móng, P.E.D… luôn đe dọa bùng phát thành dịch gây thiệt hại đến sức khỏe và sự sống của các đàn heo.
Do vậy, người chăn nuôi cần luôn chủ động để có những biện pháp bảo vệ đàn heo của mình, cần kiểm soát hàng ngày với 6 chữ vàng về môi trường – chuồng trại cho heo:
KHÔ – THOÁNG – MÁT (với heo nái + heo thịt > 40kg).
KHÔ – THOÁNG – ẤM (với heo choai, heo con, nhất là heo con theo mẹ).
Cụ thể là:
1. Chuồng trại:
- Vách chuồng: Che kín, tránh gió lùa theo hướng gió Đông Bắc, nhưng vẫn cần giữ thông thoáng ở các hướng còn lại bằng cách hạ thấp bạt phía trên xuống 30 – 40 cm.
- Nền chuồng: Luôn giữ khô ráo, có đệm lót bằng vật liệu cách nhiệt (sàn gỗ, rơm, rạ…) cho heo con, heo choai, hạn chế sử dụng những vật liệu dễ tạo ra bụi.
- Có đèn sưởi hoặc lò sưởi (có ống thoát khí ra ngoài không gian chuồng) khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp (tùy theo ô chuồng heo nái, heo thịt hay heo con để bố trí cho thích hợp). Cần lưu ý có quây chụp và sưởi ấm cho cả không gian nơi bầy heo nằm chứ không phải theo kiểu “Nướng heo”.
Ở khu vực phía Nam vào mùa Noel (khoảng từ 5 – 25/12) ban đêm nhiệt độ thường xuống thấp, làm cho sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm rất cao làm giảm sức đề kháng của đàn heo, nhất là heo choai và heo con. Người chăn nuôi cần có biện pháp giữ ấm về đêm cho heo, cụ thể là: Cần có lót sàn cho heo, trước khi đi ngủ cần thắp sẵn đèn sưởi treo ở độ cao ≥ 1,2 m để khi gần sáng trời lạnh, bầy heo có sẵn chỗ sưởi ấm để nằm.
2. Vệ sinh thú y
– Hạn chế tối đa người, chó, mèo, dụng cụ ra – vào, bố trí hố sát trùng ở các lối ra vào khu vực chăn nuôi.
- Hàng ngày vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi: Máng ăn, máng uống luôn giữ sạch sẽ, không để thức ăn thừa qua đêm.
- Hàng tuần sát trùng bằng hóa chất, đảm bảo chuồng trại luôn sạch sẽ, khô ráo, hạn chế nhất là việc đọng phân, nước thải.
- Không nên nuôi gia cầm, thủy cầm chung trong trại. Cố gắng sắp xếp để hạn chế việc nuôi xen nhiều lứa tuổi trong cùng một không gian chuồng.
- Với heo mới mua về: Cách ly trước khi nhập đàn, sau 2 tuần nếu heo khoẻ mạnh mới cho nhập đàn.
- Theo dõi và phát hiện sớm vật nuôi bị bệnh để cách ly điều trị, xử lý kịp thời tránh bệnh lây lan thành dịch trong trại.
Đây là những biện pháp tích cực nhằm tiêu diệt và làm giảm mật độ mầm bệnh có sẵn trong môi trường, hạn chế cơ hội mầm bệnh bùng phát gây nên dịch bệnh cho trại heo. Có thể sử dụng những hoá chất khử trùng- tiêu độc chuồng trại, vật dụng chăn nuôi như: Bioxide, Chloramin, Virkon, Formol… Định kỳ phun thuốc để diệt ve, mòng, muỗi, bọ mạt…là những tác nhân truyền bệnh và gây bệnh.
3. Chăm sóc nuôi dưỡng
– Với heo thịt: Cần triệt để áp dụng chương trình ĂN ĐÚNG – ĂN ĐỦ: Đúng mã số thức ăn cho từng giai đoạn – Đủ lượng thức ăn hàng ngày theo trọng lượng, đồng thời tăng thêm “Khẩu phần chống rét” 10 – 20% tùy theo nền nhiệt hàng ngày:
- Với heo nái: Cũng vẫn áp dụng chương trình dinh dưỡng 5 giai đoạn và mỗi giai đoạn đều tăng khẩu phần ăn hàng ngày lên 10%.
– Nước uống: Nguồn nước uống về mùa lạnh do thay đổi tầng nước ngầm, khả năng tồn tại mầm bệnh ngoài thiên nhiên thuận lợi hơn nên nước uống cũng rất dễ bị nhiễm khuẩn, nhất là những trại sử dụng trực tiếp nước giếng khoan nên cần thường xuyên chú ý khâu xử lý nước uống cho heo bằng các biện pháp vật lý, hóa học (nước từ giếng khoan cần được tiếp xúc với không khí trên 24 giờ trước khi cho heo uống hoặc thường xuyên sử dụng hóa chất sát trùng chuyên dụng của các Công ty thuốc thú y lưu hành trên thị trường).
4. Phòng bệnh bằng thuốc
– Cần tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo khuyến cáo của Kỹ thuật Cargill, sát với thực tiễn về mùa, vùng dịch tễ của Trại như FMD, PRRS, GLASSER, DTH, THT…
– Vào mùa Đông nên trộn thêm kháng sinh hỗ trợ phòng bệnh cho đàn heo thịt, định kỳ 1 tuần/tháng hoặc đầu những đợt gió mùa với những kháng sinh phổ rộng (như CTC, Flor fenicol, Roxolin…)
BS. Nguyễn Văn Khương
Nguồn: Cargillfeed
Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.
Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:
– Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY
– Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY
– Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY