Chưa phân loại

Quy trình kỹ thuật nuôi dê lấy sữa hiệu quả cao

Nuôi dê lấy sữa là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, tuy nhiên, cần nắm vững một số kỹ thuật trong khâu chăm sóc, phòng bệnh để có thể đem lại năng suất cao nhất.

Chuồng trại

Cần xây hướng Đông Nam để tránh nắng gắt, tạo độ thông thoáng vào mùa hè và tránh gió lùa vào mùa lạnh. Nếu áp dụng mô hình nuôi dê công nghiệp, nên đầu tư chuồng trại bài bản, xây dựng chuồng trại diện tích lớn, ngăn nhiều dãy chuồng và ở giữa các dãy có lối đi. Bố trí thêm bãi chăn thả để dê có không gian di chuyển, kiếm ăn.

Nếu quy mô nhỏ hoặc kết hợp phương thức chăn thả, có thể dựng chuồng trại đơn giản hơn. Sử dụng tre, nứa, gỗ, lưới thép B40 để làm khung chuồng nuôi. Đảm bảo cho khung chuồng cao tối thiểu 1 m và rộng tối thiểu 1,5 m, cho phép dê di chuyển dễ dàng khi nuôi nhốt. Cửa chuồng rộng tối thiểu 60 cm, đủ cho dê chui qua dễ dàng. Xây thêm hố lấy phân được láng xi măng sâu khoảng 30 cm hỗ trợ việc vệ sinh và vắt sữa. Bố trí máng ăn máng uống đầy đủ.

Chọn dê hướng sữa

Chọn dê cái có đặc điểm: Đầu rộng, hơi dài, cơ chắc khỏe, vẻ mặt linh động. Hàm dài khỏe. Cổ dài, mềm mại, nhọn về phía đầu. Lưng thẳng, sườn cong và xiên về phía sau. Chân trước thẳng, cân đối. Hông rộng, hơi nghiêng đảm bảo cho dê cái có bầu vú gắn chặt vào phần bụng. Những mạch máu lớn nổi rõ ở phía sau. Khớp mắt cá thẳng tránh cho dê khi đi không làm ảnh hưởng tới các mạch máu trên bầu vú.

Những núm vú to dài 4 – 6 cm treo vững vàng trên bầu vú, bầu gắn chắc vào phần bụng, gọn về phía trước, thấy rõ các tĩnh mạch ở phía trước bầu vú, gân sữa (tĩnh mạch) chạy từ bầu vú lên tới nách chân trước, gân sữa càng gấp khúc dê càng nhiều sữa. Ngoài những đặc điểm trên, cần chọn những dê cái đẻ dễ dàng, ăn tốt và dễ vắt sữa.

Chế độ dinh dưỡng

Chế độ nuôi dưỡng tốt phải đảm bảo cho dê mẹ phát triển bình thường khi có chửa, cho nhiều sữa trong thời kỳ cho sữa. Trước và sau khi đẻ phải cho dê ăn ngon, cháo cám… tùy theo năng suất, chất lượng sữa. Năng suất, chất lượng sữa phụ thuộc vào thành phần và giá trị dinh dưỡng của thức ăn. Thiếu thức ăn thô xanh, nhất là thức ăn thô xanh non ngon thì chất lượng sữa sẽ kém. Thừa thức ăn tinh hỗn hợp thì không chỉ chất lượng sữa giảm, chi phí thức ăn tăng mà còn có thể gây nên nhiều bệnh tật, nhất là các bệnh sản khoa trước, trong và sau khi sinh.

Nhu cầu vật chất khô của dê mẹ vào cuối kỳ có chửa giảm còn trung bình 2 kg/100 kg thể trọng. Sau đó, nhu cầu vật chất khô tăng và đạt mức cao nhất vào tuần lễ thứ 14 – 15 (trung bình 4,5 kg/100 kg thể trọng), rồi lại giảm dần. Nói chung, nhu cầu vật chất khô của dê sữa khoảng 5 – 6% thể trọng là thích hợp.

Cho ăn

Trong thời kỳ cạn sữa, cần đảm bảo tiêu chuẩn ăn cho thai phát triển tốt làm cơ sở để giai đoạn sau đạt năng suất sữa cao. Trong thời kỳ cho sữa, tiêu chuẩn cho ăn thay đổi tùy theo năng suất và phẩm chất sữa. Nếu tỷ lệ mỡ sữa là 4 – 4,5%, năng suất 1 kg/ngày thì dê sữa cần thêm 0,4 đơn vị thức ăn và 50 g protein dễ tiêu.

Đối với dê cái non, mới giao phối lần đầu, chưa thành thục tăng thêm 10% đơn vị thức ăn và lượng protein dễ tiêu. Đối với dê cái mới đẻ tăng thêm 15 g protein dễ tiêu. Đối với dê cái sức yếu, mỗi ngày thêm 0,15 kg thức ăn và 20 g protein dễ tiêu. Đối với dê đang cho sữa, mỗi ngày thêm 0,2 – 0,3 kg thức ăn và 25 – 30 g protein dễ tiêu. Ngoài thức ăn thô xanh phong phú chất lượng tốt, cần bổ sung thêm thức ăn giàu đạm, muối, khoáng, sinh tố… vào khẩu phần thức ăn hằng ngày cho dê. Nếu đã cho ăn thêm thức ăn như vậy trong vòng 2 tuần mà năng suất sữa không tăng thì không nên cho ăn thêm nữa.

Nguyên tắc kết hợp khẩu phần ăn:

– Căn cứ vào thể trọng của dê mẹ và năng suất sữa hằng ngày.

– Tận dụng nguồn thức ăn có sẵn ở địa phương để giảm giá thành nhưng phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn và đúng tỷ lệ năng lượng, protein trong khẩu phần.

– Để kích thích tối đa khẩu vị của dê cần dùng nhiều loại thức ăn bổ sung cho nhau.

Theo kinh nghiệm nuôi dê sữa: Đối với loại dê có thể trọng trung bình 40 kg, mỗi ngày cho 2 kg sữa và được chăn thả 5 – 6 giờ trên đồng cỏ tự nhiên, khi về chuồng cần cho ăn thêm mỗi con 1,5 kg cây keo dậu tươi hoặc cỏ họ đậu và 0,5 kg thức ăn hỗn hợp. Nếu cho dê sữa ăn urê thì không được vượt mức 1% trọng lượng khẩu phần (tính theo vật chất khô) và không nhiều hơn 1/3 tổng số protein. Nên cho dê ăn rỉ đường theo mức 5% trọng lượng thức ăn phối hợp. Nếu cho dê ăn cỏ khô họ đậu, thì bổ sung thêm thức ăn hỗn hợp có 14% protein và phốtpho dạng mononatri photphat. Nếu cho dê ăn cỏ khô họ Hòa Thảo, thì bổ sung thêm thức ăn hỗn hợp có 16 – 18% protein. Nhất thiết phải cho dê sữa ăn thêm canxi, phốtpho, muối ăn và iốt…

Phòng bệnh

Phòng bệnh bằng vaccine có vai trò rất quan trọng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung và chăn nuôi dê nói riêng. Người chăn nuôi cần thực hiện tiêm phòng nghiêm ngặt một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn dê.

Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, cũi lồng. Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu vực chăn nuôi ít nhất 2 lần/tuần.

Thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày. Thiết bị, dụng cụ và phương tiện phục vụ trong chăn nuôi phải được tiêu độc, khử trùng thường xuyên.

Hàng ngày phải kiểm tra số lượng đàn và tình trạng sức khỏe của từng con. Thường xuyên kiểm tra ve, ghẻ và giun sán. Đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm các chất độc hại. Thức ăn cho dê cũng phải đảm bảo sạch, không có hóa chất độc, không có chứa các loại hormone kích thích sinh trưởng, không có độc tố nấm mốc theo quy định. Kiểm soát nghiêm ngặt lối ra vào khu nuôi, đảm bảo thức ăn và con giống từ cơ sở được xác nhận. Duy trì môi trường nuôi vệ sinh và an toàn để hạn chế khả năng bệnh có thể xâm nhập vào khu nuôi.

Bích Hòa

Nguồn: nguoichannuoi.vn


Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.

Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.

    Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:

    – Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY

    – Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY

    – Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *