Thái Bình: Tăng cường ngăn chặn giống vật nuôi nhập lậu
(Thế Giới Gia Cầm) – Trước thông tin phản ánh của báo chí về việc có hiện tượng nhập lậu gà, vịt 1 ngày tuổi từ Trung Quốc về nuôi (úm) tại xã Quỳnh Ngọc (huyện Quỳnh Phụ) và xã Văn Cẩm (huyện Hưng Hà), sau đó được vận chuyển trên các xe khách lên các tỉnh miền núi phía Bắc để tiêu thụ, Sở NN&PTNT Thái Bình đã có công văn gửi các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan đề nghị xác minh làm rõ, đồng thời tăng cường các biện pháp ngăn chặn giống vật nuôi nhập lậu.
Theo đó, sau khi có phản ánh từ báo chí, Sở NN&PTNT Thái Bình và Ủy ban nhân dân các huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà đã kiểm tra hai hộ kinh doanh gia cầm tại xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ và xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà. Tại thời điểm kiểm tra, chưa phát hiện có gà, vịt nhập lậu từ Trung Quốc.
Để ngăn chặn việc gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc về nuôi (úm) và vận chuyển đi tiêu thụ như thông tin của báo chí, Sở NN&PTNT Thái Bình đề nghị các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện tốt các nội dung theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 2071/UBND-NNTNMT ngày 31/5/2024 về việc tăng cường ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn lậu giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung một số nội dung sau:
Đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra kiểm tra xe khách đường dài các tuyến đi Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu. Khi phát hiện có vận chuyển động vật, sản phẩm động vật (đặc biệt là gà, vịt) trên xe khách, kịp thời thông tin cho Sở NN&PTNT và Cục Quản lý thị trường tỉnh để phối hợp xử lý.
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển gia cầm để tránh tình trạng nhập lậu. Ảnh: VGP/TT
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện xe chở khách, đặc biệt nhà xe chuyên tuyến Thái Bình – Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu; xử lý nghiêm hành vi chở động vật, sản phẩm động vật (đặc biệt là gà, vịt) trên phương tiện chở khách theo đúng quy định của pháp luật. Yêu cầu các chủ xe, lái xe khách cam kết không vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên các phương tiện xe chở khách.
Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ động vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, chủ trì tham mưu thành lập Đoàn công tác liên ngành của tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu giống gia cầm tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Cùng đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải biển, kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý các trường hợp nhập lậu gia cầm từ Trung Quốc qua đường biển vào Thái Bình.
Đồng thời, Sở NN&PTNT Thái Bình cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định đối với giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi lưu thông trên thị trường; điều kiện sản xuất, mua bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi; quy định về kiểm dịch vận chuyển đối với động vật, sản phẩm động vật; việc nhập gia cầm phải rõ nguồn gốc, xuất xứ, có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật về nuôi hoặc mua bán,… tới tận các trang trại, hộ sản xuất, mua bán giống gia cầm, sản phẩm giống gia cầm.
Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc trên địa bàn; Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của tỉnh để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trên địa bàn; bố trí địa điểm tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật khi có đề nghị của cơ quan nhà nước có liên quan.
Báo cáo kết quả chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; báo cáo nhanh, đột xuất đối các trường hợp phát hiện và xử lý vi phạm về chăn nuôi, thú y trên địa bàn.
Đặc biệt, trong Công văn, Sở NN&PTNT Thái Bình cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện Quỳnh Phụ và Hưng Hà tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc trên địa bàn. Chỉ đạo rà soát, kiểm kê các trang trại, hộ nuôi úm, mua bán gia cầm trên địa bàn huyện, tuyên truyền, hướng dẫn các yêu cầu đối với giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi lưu thông trên thị trường; điều kiện sản xuất, mua bán con giống vật nuôi; quy định về kiểm dịch vận chuyển đối với động vật, sản phẩm động vật,… Việc nhập gia cầm về nuôi hoặc mua bán phải rõ nguồn gốc, xuất xứ, có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật; tổ chức ký cam kết không nhập gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc về nuôi hoặc mua bán và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về sản xuất, mua bán động vật, sản phẩm động vật.
Các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, mua bán giống gia cầm, sản phẩm giống gia cầm thực hiện hoạt động sản xuất, mua bán theo đúng quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y; phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định về của pháp luật về sản xuất, mua bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi; quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; Thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật; hướng dẫn biện pháp tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật được cơ quan chức năng bắt giữ do buôn bán, vận chuyển trái phép theo quy định; phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố nơi thu giữ động vật và sản phẩm động vật để bố trí địa điểm tiêu hủy theo yêu cầu…
Minh Khuê