Tôn vinh 190 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2024
(Thế Giới Gia Cầm) – Tối 4/11/2024, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hội đồng Thương hiệu quốc gia tổ chức Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9, với chủ đề “Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên xanh”.
Chương trình Thương hiệu quốc gia năm 2024 có 190 doanh nghiệp tham gia. Với chủ đề “Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh”, các doanh nghiệp được chọn đều đã nỗ lực kết hợp giữa phát triển kinh tế và phát triển bền vững, thể hiện tinh thần đổi mới sáng tạo, thân thiện với môi trường, không chỉ tiên phong trong lĩnh vực kinh tế mà còn là lực lượng dẫn dắt cho xu hướng phát triển xanh, góp phần tạo nên một Việt Nam thịnh vượng, bền vững và hạnh phúc trong tương lai.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao danh hiệu Thương hiệu Quốc gia năm 2024 cho đại diện 190 doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN
190 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2024 đều có kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu năm 2023 đạt 2,4 triệu tỷ đồng, tổng nộp ngân sách Nhà nước khoảng 150.000 tỷ đồng, bảo đảm công ăn, việc làm cho trên 600.000 lao động và người dân, tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Trong số các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2024 có nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực nông nghiệp như: Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa, Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Sakan Việt Nam, Công ty CP Thực phẩm sữa TH, Công ty CP Tập đoàn PAN, Công ty CP sữa Việt Nam Vinamilk,…
Theo Ban Tổ chức, điểm nổi bật của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm nay là đã khẳng định vai trò tiên phong trong ngành, lĩnh vực của mình bằng những hành động cụ thể để hướng tới kỷ nguyên xanh. Theo đó, các doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu và áp dụng công nghệ tiên tiến, giảm thiểu phát thải và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.
Đơn cử như TH True Milk đã xây dựng thành công hệ thống trang trại theo tiêu chuẩn hữu cơ với quy trình chăn nuôi bò sữa không sử dụng kháng sinh và hormone tăng trưởng. Công ty đã áp dụng công nghệ xử lý chất thải để tạo ra phân bón hữu cơ, giúp bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm, sử dụng năng lượng tái tạo từ hệ thống điện mặt trời để giảm lượng năng lượng tiêu thụ từ nguồn điện thông thường.
Trong khi đó, Vinamilk là đại diện duy nhất của Đông Nam Á nằm trong top 5 “Thương hiệu sữa có tính bền vững cao nhất toàn cầu” theo báo cáo của Brand Finance. Brand Finance đã xếp hạng Vinamilk đứng thứ 5 trong top 10 về “Giá trị nhận thức về tính bền vững – SPV”.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, kết quả này không chỉ khẳng định sự trưởng thành và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, mà còn minh chứng cho sự nỗ lực, sức sáng tạo, đổi mới không ngừng và năng lực tiên phong của cộng đồng doanh nghiệp Việt, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược, là sứ mệnh của tất cả chúng ta, trong đó việc xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia là một trong những nội dung cốt lõi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Ảnh VGP
“Chương trình vừa khẳng định chất lượng các sản phẩm, dịch vụ sản xuất tại Việt Nam, vừa khẳng định năng lực, trí tuệ, bản lĩnh, tính linh hoạt, sức sáng tạo của doanh nghiệp Việt, góp phần tạo dựng vị trí vững chắc tại thị trường trong nước và tô thắm hai chữ Việt Nam trên thị trường quốc tế; khẳng định sự đóng góp to lớn của doanh nghiệp Việt Nam trong công cuộc xây dựng Thương hiệu quốc gia”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, thương hiệu không chỉ là sự khẳng định về chất lượng sản phẩm, mà còn là cam kết về phát triển bền vững. Các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nói chung cần tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi: Chất lượng – Đổi mới – Sáng tạo – Năng lực tiên phong.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không ngừng nâng cao năng lực quản trị hiện đại; áp dụng các tiêu chuẩn quản trị tiên tiến, minh bạch và lành mạnh; chú trọng đến yếu tố bền vững trong sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Từ đó, góp phần nâng cao uy tín của thương hiệu, tạo niềm tin vững chắc về chất lượng sản phẩm, dịch vụ đối với người tiêu dùng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh; tăng cường chủ động hội nhập thực chất, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; áp dụng công nghệ tiên tiến, như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, tự động hóa trong sản xuất nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, chủ động tiến vào kỷ nguyên xanh.
Thùy Khánh