Tổng hợp bệnh ở ong mật và cách chữa trị mà người nuôi ong nên biết
Nuôi ong lấy mật là một nghề đem lại giá trị kinh tế cao. Mật ong vừa có thể làm thực phẩm, vừa có thể trở thành một vị thuốc giúp chữa trị rất nhiều căn bệnh. Để có được những giọt mật ong ngọt dịu nhưng vẫn đảm bảo hàm lượng dưỡng chất đòi hỏi người nuôi phải nắm bắt những kiến thức chính khi nuôi ong. Sau đây là một số kiến thức về các bệnh thường gặp của ong mật cũng như các phương pháp phòng ngừa và chữa trị. Mọi người hãy cùng tham khảo và lưu ý nhé.
Ong mật thường dễ mắc phải những bệnh gì?
Ở loài ong mật, các bệnh loài này hay mắc phải được chia làm hai nhóm chính. Dưới đây là một số căn bệnh hay gặp ở ấu trùng ong và ong trưởng thành.
Đầu tiên là những căn bệnh ong mật trưởng thành hay mắc phải. Tác nhân chính gây nên những căn bệnh ở ong trưởng thành thường bắt nguồn từ virut, bên cạnh đó còn có một số bệnh do vi khuẩn, ký sinh trùng varoa và nấm. Những căn bệnh này có thể gây ảnh hưởng lớn đến đàn ong và chất lượng mật do chúng tạo ra.
Bệnh Varoa ở Ong mật
Là một bệnh do ve varoa jacobsoni gây ra, hay còn gọi là rận varoa. Ve nhỏ độ 0,2 cm, bám trên bụng và thực quản ong, đẻ 7 – 10 trứng vào lỗ tổ ong có ấu trùng trước khi vít nắp. Thời gian đầu, chỉ có số ít ong bị nhiễm bệnh thì bệnh không thấy rõ. Sau nhiều tháng khi tỷ lệ ong nhiễm bệnh cao đến 20 – 30% thì mới thấy rõ bệnh.
Triệu chứng bệnh Varoa: ong trưởng thành gầy yếu, giảm tuổi thọ, sức lấy mật giảm sút, ong non bị cụt cánh hoặc xoăn cánh, một số ong chết, ong chúa ngừng đẻ. Trên bánh tổ có lác đác một số lỗ nhộng già bị thủng xẹp xuống. Lấy kính lúp quan sát nhộng và ấu trùng sẽ thấy một số ve varoa và các con non của chúng bám trên cơ thể nhộng hoặc ấu trùng, bò trên vách lỗ tổ hay đáy tổ.
Có thể đánh giá mức độ trầm trọng của bệnh bằng cách tính tỷ lệ có varoa của lỗ tổ và của ong thợ.
- Nhẹ: Lỗ tổ bị nhiễm varoa 2%, số ong thợ bị nhiễm dưới 1%.
- Trung bình: Lỗ tổ nhiễm varoa từ 2 – 5%, số ong thợ bị nhiễm 2 – 3%.
- Nặng: Lỗ tổ nhiễm varoa lớn hơn 5%, số ong thợ bị nhiễm hơn 3%.
Bệnh tropilaclop trên Ong mật
Bệnh do một loại ve nhỏ hơn ve varoa gây ra. Cũng như ve varoa. Ve này đẻ vào lỗ tổ trước khi vít nắp, trứng nở thành ve hút máu ấu trùng và nhộng. Nhưng khác với ve varoa, ve này không hút máu ong trưởng thành. Mà sinh sản nhanh hơn nên ấu trùng ong bị ve đốt chết nhiều, đàn ong giảm quân nhanh.
Phòng trị bệnh tropilaclop:
Biện pháp tốt nhất là nuôi đàn ong mạnh, luôn có khả năng chủ động tạo ấu trùng ong đực để “bẫy ve”. Khi ấu trùng vít nắp thì loại bỏ để diệt ve như sau:
- Loại bỏ cầu ấu trùng
- Phân nhóm đàn ong để chữa bệnh
- Dùng cầu cách ly cho ong chúa đẻ
Bệnh nhiễm trùng của ong mật trưởng thành
Đó là bệnh nhiễm trùng bại huyết của ong trưởng thành. Do một số loài vi khuẩn Pseudomonas và Proteus có sẵn ở đất bẩn và ẩm thấp xâm nhập vào cơ thể ong.
Ong bệnh bị mất khả năng bay, trụi lông, bò lổm ngổm ở gần tổ rồi chết cứng. Các cơ quan nội tạng và cơ của ong chết bị phân huỷ rất nhanh, từ màu trắng hồng chuyển thành màu nâu, đen, dễ nát và có mùi thối.
Trị bệnh nhiễm trùng trên ong: Chuyển đàn ong đến nơi cao ráo sạch sẽ. Cho ong ăn một trong các kháng sinh sau đây: Streptomixin, clophenicol, neomixin. Pha 1 triệu đơn vị thuốc vào 1 lít sirô cho ong ăn theo liều 100 ml/1 cầu/1 tối.
Phòng bệnh nhiễm trùng trên ong: Nuôi ong ở nơi khô ráo, xa chuồng nuôi gia súc, xa các đống phân rác. Cho ăn kháng sinh liều thấp bằng 2/3 liều. Cho ăn thêm 0,5g vitamin c cho mỗi cầu ong.
Nhiễm trùng là căn bệnh phổ biến ở ong mật trưởng thành
Bệnh ngộ độc ở Ong trưởng thành
Ong có thể bị chứng ngộ độc do thuốc trừ sâu và một số loại hoa có chất độc.
Đây là bệnh thường gặp ở ong mật nhất. Vì người nuôi ong chưa nắm được lịch phun hoá chất của các hộ dân khác. Biểu hiện dễ nhận thấy là có nhiều ong chết vùng xung quanh tổ ong. Ong chết thè lưõi dài, nhiều con còn mang phấn và mật. Có con bò lổm ngổm, có con xoay tròn.
Trong thùng ong phảng phất mùi thuốc hoặc hoá chất lạ, có nhiều ong chết ở đáy thùng. Sau 2 – 3 ngày thì ấu trùng nhỏ và lớn cũng chết.
Khi đã biết trong vùng có phun thuốc trừ sâu cho cây trồng thì chỉ còn cách chuyển ong đi chỗ khác một thời gian mới phòng được ngộ độc cho ong.
Nếu không thể chuyển được thì phải nhốt ong lại, nhưng cần chống nóng, bảo đảm độ thoáng mát và cho ong ăn nước đường loãng 100 ml/1 cầu.
Bệnh ngộ độc hoa trà trên Ong
Bệnh xảy ra khi đưa ong đến vùng hoa trà nở tập trung vào mùa khô hanh.
Triệu chứng: Ong thợ giảm số lần bay đi lấy mật, một số ong bay chệch hướng, bay không chắc, bám vào ván, run rẩy.
Ấu trùng ong 3 – 4 ngày tuổi bị chết hàng loạt ở mọi vị trí bánh tổ. Ấu trùng lớn tuổi chết lún xuống đáy tổ nhưng không có mùi thối rữa.
Phòng bệnh:
- Nếu phải đặt thùng ong ở vùng có hoa trà thì trước đó cho ăn đầy đủ để có mật dự trữ.
- Những ngày khô hanh cho ong ăn thêm nước đường loãng. Cứ mỗi lít nước đường vắt thêm nửa quả canh hoặc 2 g vitamin c, cho mỗi đàn ăn mỗi tối 200 – 300 ml trong 3 tối liền.
Các bệnh thường gặp ở Ấu trùng ong
Ấu trùng ong thường mắc các bệnh do vi khuẩn và virut. Ngoài ra cũng mắc cả bệnh do varoa và nấm.
Bệnh thối ấu trùng Châu Mỹ:
Bệnh do trực khuẩn Bacillus larvae gây ra, lây lan mạnh. Gây thiệt hại lớn cho các cơ sở nuôi ong và là một trong những bệnh thường gặp trên ong mật. Vi khuẩn có nha bào nên khó diệt tận gốc bệnh. Vi khuẩn làm ấu trùng bị chết ở giai đoạn duỗi dài và tiền nhộng.
Ấu trùng bị bệnh chuyển từ màu trắng sáng màu vàng nhạt, vàng nâu hay nâu. Xác ấu trùng dính, có nhớt, co giãn, có mùi keo da trâu hoặc khô thành vẩy màu đen dính chặt vào lỗ tổ. Trên bánh tổ, lúc đầu một số lỗ tổ nắp vít màu sẫm bị thủng hoặc lõm xuống. Sau đó các lỗ tổ đều vít nắp và không vít nắp xen kẽ với nhau.
Bệnh thối ấu trùng Châu Âu:
Bệnh lây lan không mạnh như bệnh thối ấu trùng Châu Mỹ. Tuổi mắc bệnh của ấu trùng là tuổi nhỏ từ 3 – 5 ngày tuổi nhưng cũng là bệnh thường gặp ở ong mật.
Nguyên nhân gây bệnh là do một nhóm nhiều vi khuẩn gây nên. Như liên cầu trùng streptococcus pluton, streptococus apis và trực khuẩn bacillus alvei.
Trên bánh tổ chỉ lác đác vài lỗ tổ không vít nắp. Bên trong là các ấu trùng tuổi nhỏ hoặc trứng. Khi trong đàn bị bệnh nặng thì không có hoặc ít có nhộng vít nắp. Ong thợ có màu đen bóng thể hiện đó là các ong già. Vì ấu trùng đã chết không sinh ra được ong non kế tiếp.
Khi đàn ong bị bệnh nặng, các ấu trùng chết và có màu trắng rồi ngả dần sang màu nâu sẫm. Thối rữa rồi tụt xuống đáy lỗ tổ, khô đi thành vẩy. Không dính vào lỗ và mất tính đàn hồi. Mới đầu bốc mùi chua, sau chuyển sang thối.
Phòng trị bệnh thối ấu trùng ong sử dụng một trong hai cách sau:
Cho ong ăn kháng sinh: Dùng một trong các loại kháng sinh sau hoà với ít nước đun sôi để nguội. Khuấy cho tan đều thuốc rồi hoà lẫn vào 1 lít sirô đường để đạt nồng độ thuốc trong mỗi lít nước.
Eritromixin 0,4 – 0,5g – kanamixin 0,4 – 0,5 g – streptomixin 0,4 – 0,5g – clorophenicol 0,4 – 0,5g – furazolidon 1g. Nên nhớ nếu dùng eritromixin hoặc furazolidon thì phải hoà tan thuốc vào trong 2 – 3ml cồn cho tan hết rồi mới hoà trong sirô.
Phun thuốc: Thường áp dụng phương pháp này khi sắp vào vụ lấy mật hoặc quay mật. Cũng dùng một trong các loại kháng sinh kể trên, pha với nước đun sôi để nguội hoặc sirô nhưng tỷ lệ tăng gấp đôi. Ví dụ eritromixin cho ăn là 0,5 g/lít thì khi phun pha theo tỷ lệ 1 g/lít.
Dùng bơm tay bằng nhựa loại 0,51 hoặc 1lít, 2 lít cho thuốc vào rồi phun nhẹ như sương mù lên mình ong và bánh tổ. Cách một ngày phun một lần. Nhớ phun vừa đủ để phủ một lớp thuốc mỏng, tránh phun đẫm ướt làm chết ấu trùng.
Bệnh ấu trùng túi ong mật
Biểu hiện: Trên bánh tổ có một số ít nắp lõm xuống, một số lỗ bị cắn nham nhở, có ấu trùng nhọn đầu nhô lên miệng lỗ. Đa số ấu trùng bị chết ở giai đoạn với vít nắp và tiền nhộng. Nếu bị bệnh này, cả các ấu trùng lớn tuổi sắp vít nắp cũng bị chết. Ấu trùng trắng nhợt, vạch phân đốt không rõ. Phần đuôi ấu trùng hình thành túi nhỏ trong suốt hoặc vàng nhạt. Thân ấu trùng có màu nâu nhạt hay nâu xám, chóp đầu nghiêng về phía bụng.
Xác ấu trùng chết không có mùi hôi thối, khi khô thành vảy cứng nhẵn hình chiếc thuyền, dễ lấy ra khỏi lỗ tổ.
Trường hợp bệnh nặng có đến 90% ấu trùng lớn tuổi chết và đàn ong sẽ rời bỏ tổ bốc bay đi.
Nếu bệnh nhẹ thì ong không bốc bay nhưng ong thợ thưa dần. Do số ong non ra đời không đông bằng số ong già, đàn ong lụi dần và cho năng suất mật thấp.
Phòng bệnh:
- Thay ong chúa đẻ của đàn bị bệnh bằng ong chúa tơ hoặc nữ chúa.
- Nhốt ong chúa đẻ của đàn bệnh trong lồng từ 5 – 7 ngày.
- Dù dùng cách nào cũng phải tiến hành song song với việc loại bớt cầu bệnh cũ để ong phủ kín và dày các cầu ong còn lại. Cho ong ăn nước đường 3 – 4 tối cho tói khi vít nắp.
- Các biện pháp sinh học trên sẽ tạo ra trong đàn ong 7 – 8 ngày không có ấu trùng tuổi nhỏ mẫn cảm với virut. Đồng thời đàn ong đông quân sẽ tự làm vệ sinh lỗ tổ và đổ đầy mật, chuẩn bị cho ong chúa đẻ lại.
Nguồn: caytrongvatnuoi.com
Blog Người Chăn nuôi là một trang web phi lợi nhuận, dành cho người nông dân, chuyên tổng hợp, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về con giống, bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.
Bạn có thể gửi các câu hỏi, vướng mắc của mình dưới form sau để chúng tôi trợ giúp. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ liên hệ lại và luôn sẵn lòng giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm của mình.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau:
– Thư viện Kiến thức Chăn nuôi: TRUY CẬP NGAY
– Chuyên mục Bản tin nông sản hàng tuần: TRUY CẬP NGAY
– Ấn phẩm Người Chăn nuôi xuất bản hàng tháng: TRUY CẬP NGAY