Triển vọng toàn cầu về ngành đạm động vật 2024
(Thế Giới Gia Cầm) – Hội thảo trực tuyến độc quyền do Công ty Perstorp tổ chức vào chiều ngày 17/1/2024 (theo giờ Việt Nam). Nội dung chính được thảo luận là về tương lai của ngành đạm động vật năm 2024 và những hướng đi mới mở ra trong giai đoạn toàn cầu hóa trở thành xu hướng cho ngành chăn nuôi trên thế giới.
Những khó khăn phía trước
Hội thảo Triển vọng toàn cầu về ngành đạm động vật 2024 diễn ra với sự tham gia của diễn giả chính ông Nan-Dirk Mulder, chuyên gia toàn cầu cấp cao về ngành đạm động vật tại Rabobank có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm và nông nghiệp quốc tế. Với mong muốn mang lại những hiểu biết có giá trị, các chiến lược thực tế nhằm nâng cao và tối đa hóa lợi nhuận trong ngành đạm động vật, hội thảo là cơ hội để các diễn giả và người tham gia cùng nhau trao đổi về các chiến lược, tầm nhìn năm 2024.
Trong khuôn khổ của hội thảo, ông Nan-Dirk Mulder đã phân tích một số thị trường tiềm năng trong những năm tới và chỉ rõ những khó khăn trước mắt mà ngành đạm động vật đang phải đối mặt.
Tình hình căng thẳng chính trị, sự suy giảm của nền kinh tế thế giới dồn nén từ thời đại dịch COVID-19 tới nay nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục tác động đến ngành chăn nuôi toàn cầu, ít nhất trong nửa đầu năm 2024, trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn. Dịch bệnh, tình hình chính trị bất ổn, thương mại toàn cầu gặp thách thức vì tắc nghẽn kênh đào Suez và Panama, nguồn lao động… đã tác động rất lớn đối với chi phí vận chuyển giữa các châu lục.
Tầm nhìn 2024
Ông Nan-Dirk Mulder đưa ra dự đoán, trong năm 2024, giá cả các sản phẩm đạm động vật sẽ giảm vì chi phí thức ăn chăn nuôi cũng đã bắt đầu giảm 10 – 15%, mặc dù vẫn giữ mức cao lịch sử. Chi phí giảm đang giúp khôi phục tỷ suất lợi nhuận, nhưng các yếu tố bên ngoài tiếp tục gây thêm sự bất ổn. Theo đó, thị trường sản xuất đạm động vật sẽ tăng trưởng với mức 0,6% trong năm nay.
Tiêu thụ thịt gia cầm, trứng tăng trưởng với tốc độ nhỉnh hơn, ngược lại thịt heo và bò đang có dấu hiệu chững lại. Theo báo cáo, dự đoán trong năm 2024, lượng trứng tiêu thụ tăng 1,2%; thịt gia cầm tăng 1,8%; thịt bò giảm 0,8%; thịt heo giảm 0,5%; hải sản tăng 0,6%. Điều này chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng chậm hơn ở các nước Mỹ Latinh, đặc biệt là Brazil và Argentina. Ngoài ra cũng do chi phí đầu vào tăng cao.
Tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu tiêu dùng sẽ có sự sụt giảm nhẹ do giá thấp và sự tái cân bằng của thị trường nội địa. Tiêu thụ chậm tiếp tục gây áp lực lên hệ thống sản xuất đạm động vật vào năm 2024. Gia cầm giữ vị trí tốt nhất, với mức tăng trưởng ổn định trong sản xuất và tiêu thụ. Thị trường thịt heo và thịt bò sẽ vẫn chịu nhiều áp lực nhất.
Thị trường châu Âu do chịu ảnh hưởng từ những rủi ro đến từ dịch bệnh và sự thay đổi trong hệ thống sản xuất theo định hướng thị trường và quy định, cũng như sản lượng xuất khẩu thấp hơn gây ra những áp lực sản xuất cho tất cả các loài. Tiêu thụ gia cầm dự kiến sẽ tăng trong khi thịt heo và thịt bò sẽ giảm.
Nhật Bản đang đẩy mạnh nhập khẩu, nguồn cung trong nước giảm ít hơn. Tuy nhiên, nhu cầu dịch vụ thực phẩm chưa phục hồi hoàn toàn sau COVID-19, thị trường vẫn theo định hướng giá cả. Tiêu thụ thịt, trứng và cá ngày càng giảm do sự thay đổi trong thói quen ăn uống của người dân Nhật Bản.
Việt Nam là một trong những quốc gia đang bước vào đà phục hồi trở lại sau tình trạng dư cung kéo dài, nhờ chiến lược đảm bảo cân bằng năng lực sản xuất và nhu cầu tiêu thụ giúp cải thiện thị trường đạm động vật trong nước.
Nhìn chung, theo đánh giá của Rabobank, thị trường ngành đạm động vật năm 2024 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, đang phục hồi mặc dù tốc độ tăng trưởng còn chậm, chủ yếu nhờ vào ngành gia cầm và trứng. Ngành chăn nuôi gia cầm của Đông Nam Á mục tiêu tăng 15 triệu tấn trong thập kỷ tới nhờ hiệu quả đến từ quá trình đẩy mạnh hiện đại hóa trong các khâu sản xuất.
Cũng theo báo cáo của Rabobank, trong thập kỷ tới, nhu cầu tiêu thụ đạm động vật sẽ đạt mức tăng trưởng 16%, trong đó gia cầm và trứng chiếm ưu thế. Với 60% sức bật tăng trưởng toàn cầu sẽ diễn ra tại châu Á. Các quốc gia thực hiện các thỏa thuận xanh và điều luật định hướng để đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm. Cùng với đó, hình thức phân phối qua các kênh bán hàng trực tuyến đang phát triển nhanh chóng sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của chuỗi giá trị cho ngành đạm động vật trong tương lai.
>> Ông Nan-Dirk Mulder, chuyên gia toàn cầu cấp cao về ngành đạm động vật tại Rabobank: Thực phẩm cao cấp ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Do đó các nhà sản xuất cần tập trung vào hiệu quả và nâng cao chất lượng sản phẩm, tính linh hoạt và đảm bảo an toàn thực phẩm mới có thể định vị chỗ đứng lâu dài trên bản đồ thị trường thế giới.
Oanh Thảo
Đại diện Perstorp tại Việt Nam
Ms. Cấn Vũ Mai Anh
Điện thoại: 0909 165 996
Email: vumaianh.can@perstorp.com